Quảng Ngãi: Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

VHO- Ở Quảng Ngãi nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nên tình trạng này đã giảm, góp phần nâng cao chất lượng dân số, hướng đến không còn tình trạng học sinh nghỉ học để kết hôn.

Quảng Ngãi: Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - Anh 1

Huyện Sơn Hà tổ chức truyền thông tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông trong học đường

Mới đây, gia đình em Đ.T.M ở thôn Tà Mát, xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà muốn em M. đi lấy chồng khi chỉ mới 16 tuổi. Ngay khi biết được thông tin này, cán bộ địa phương đã đến nhà em M. để phân tích cho gia đình hiểu, gả con gái lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi là vi phạm pháp luật. Không những vậy, tảo hôn còn kéo theo nhiều hệ lụy cho thế hệ tương lai. Với sự kiên trì thuyết phục, cán bộ xã đã giúp gia đình em M hiểu được vấn đề và sửa sai.
Bà Đinh Thị Minh Sáng, Trưởng ban Dân tộc huyện Sơn Hà cho biết, trường hợp của em M. là một trong những trường hợp có dấu hiệu của nạn tảo hôn được chính quyền phát hiện và can thiệp kịp thời. Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sơn Hà đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2016, trên địa bàn huyện có 92 cặp vợ chồng tảo hôn, thì đến năm 2022 không xảy ra tình trạng tảo hôn. Có 12 trường hợp có dấu hiệu tảo hôn nhưng chính quyền địa phương đã kịp thời tuyên truyền và thuyết phục người dân.
“Thời gian tới, ngoài nỗ lực tuyên truyền của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, mỗi người dân ở huyện Sơn Hà cần tích cực tìm hiểu, xóa bỏ các tập tục lạc hậu về hôn nhân cận huyết thống cũng như việc tảo hôn. Làm được điều này, sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp cho cuộc sống của đồng bào miền núi được đầy đủ và ấm no hơn”, bà Sáng cho hay.

Quảng Ngãi: Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - Anh 2

Chi hội phụ nữ thôn 3, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng đến từng nhà vận động

Huyện miền núi Trà Bồng là nơi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tồn tại dai dẳng. Xác định việc thay đổi nhận thức và hành động của các cá nhân trong cộng đồng cần có thời gian, chị Lê Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 3, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng đã đến từng nhà, gặp từng người, vừa vận động, vừa nắm bắt thực tế để sớm ngăn chặn những trường hợp tảo hôn. Năm 2021, Chi hội phụ nữ thôn 3, xã Trà Thủy đã thành lập câu lạc bộ “Gia đình nói không với trẻ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”. Ban đầu có vài thành viên phụ nữ, giờ đã lên gần 20 người. Câu lạc bộ chú trọng việc tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin để nâng cao ý thức tuân thủ luật hôn nhân gia đình cho phụ nữ trong thôn. Thôn 3, xã Trà Thủy từng xảy ra nhiều vụ tảo hôn, tình trạng này giờ đã giảm nhiều.
“Tôi tin chắc rồi truyền thông lâu ngày, những gì mà rót vào tai người ta nhiều lần thì người ta sẽ suy nghĩ nhiều, sẽ hiểu ra được hệ lụy của nó sau này như thế nào, và ảnh hưởng đến con cái người ta như thế nào. Ngăn chặn được một trường hợp tảo hôn cũng đồng nghĩa là thêm một phụ nữ thoát khỏi vòng lẩn quẩn thất học, nghèo đói. Các hội viên phụ nữ đang nỗ lực tuyên tuyền, vận động  để phụ nữ vùng cao có cuộc sống tốt đẹp hơn”, chị Hương bày tỏ. 

Quảng Ngãi: Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - Anh 3

Một buổi truyền thông về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện miền núi Quảng Ngãi

Trong những năm qua, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn vùng cao Quảng Ngãi vẫn xảy ra, đặc biệt là lứa tuổi học sinh THPT và THCS. Hội LHPN tỉnh tỉnh Quảng Ngãi ký kết chương trình phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, chung tay thực hiện bình đẳng giới ở vùng miền núi. Các huyện miền núi ở tỉnh mỗi nơi một cách làm để tuyên truyền phù hợp để phổ biến chuyên đề Giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Quảng Ngãi: Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - Anh 4

Bà Lê Na, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ về đầy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Theo bà Lê Na, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, rất nhiều dự án, đề án triển khai để cùng ngăn chặn, đầy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng miền núi Quảng Ngãi. Mới nhất là Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025. Dự án được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai ở 5 huyện miền núi. Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Từ nay đến năm 2025, sẽ chi khoảng 9 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện đề án.
“Hiện nay chúng tôi xây dựng rất nhiều mô hình về xây dựng gia đình hạnh phúc, mô hình phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Những mô hình này hoạt động rất hiệu quả. Chúng tôi cũng luôn tranh thủ sự hỗ trợ phối hợp với người uy tín tại cộng đồng, già làng trưởng bản để trong các lớp tập huấn truyền thông thì mời những người có uy tín tại cộng đồng để nâng cao nhận thức cho người dân tại các huyện miền núi. Qua đó, làm sao họ nhận thức đúng đắn, phấn đấu xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, bà Na cho biết thêm.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc