Quảng Nam: Tuyên dương 97 gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu
VHO- Đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 378.000 hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá; 1.240 bản hương ước, quy ước được công nhận và có hiệu lực ở cộng đồng dân cư.
Toàn cảnh Hội nghị
Ngày 28.6, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu tỉnh Quảng lần thứ IV - năm 2023 và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 122 ngày 17.9.2018 của Chính phủ về về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và Quyết định số 22 ngày 8.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 378.000 hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá (tỉ lệ 90,7%); 1.240 bản hương ước, quy ước được công nhận và có hiệu lực ở cộng đồng dân cư (tỉ lệ 100%).
Thông qua các tiêu chí, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa và các nguyên tắc xây dựng hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư, các giá trị văn hóa, các chuẩn mực truyền thống gia đình, tính tự quản cộng đồng tiếp tục được đề cao, gìn giữ và phát huy.
Các thiết chế văn hóa - thể thao được quan tâm đầu tư theo hướng đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng xã hội học tập nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của đông đảo Nhân dân.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội chuyển biến tích cực. Nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh được quản lý, duy trì tổ chức nề nếp, lành mạnh, an toàn, kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo quần chúng Nhân dân.
Đặc biệt, công tác xây dựng hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh thời gian qua gắn chặt với chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố. Từ những thôn, tổ dân phố mới thành lập, đã hình thành nên những bản hương ước, quy ước đảm bảo tính tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, dựa trên nhu cầu tự quản, phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư. Nhiều địa phương đã mạnh dạn đưa các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bình đẳng giới, phong tục tập quán tốt đẹp ở địa phương, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên… vào quy định trong hương ước, quy ước để người dân biểu quyết thông qua và thống nhất cùng nhau thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao Bằng công nhận Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, tiếp tục gắn việc thực hiện xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa” với các mục tiêu, nhiệm vụ tại Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tiếp tục đề ra giải pháp thiết thực để thực hiện Nghị định số 122 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước phù hợp với tình hình hiện nay. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2022 - 2026 gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh,…
Tại Hội nghị, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong đẩy mạnh các phong trào.
Dịp này, UBND tỉnh đã tuyên dương, khen thưởng 97 danh hiệu Gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu.
THU HOÀI