Phụ nữ khởi nghiệp, khẳng định quyền năng kinh tế
VHO - 40 dự án xuất sắc được trao giải tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh là minh chứng khẳng định sự tham gia chủ động, tích cực của “phái đẹp” trong phong trào khởi nghiệp, hướng tới chuyển đổi xanh, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ.
Phát huy được giá trị của sản phẩm, nâng tầm thương hiệu Việt
Cuộc thi đã tiếp nhận 2.545 dự án (tăng 26% so với năm 2023 và 65% so với năm 2021); các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất (50,4%); công nghiệp, chế tạo sản phẩm (13,1%); giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính (8,2%); còn lại là lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp…
Nhiều dự án đã chứng minh được tính mới, tính sáng tạo các sản phẩm, hàng hóa, mô hình kinh doanh theo hướng xanh hoặc có tiềm năng đóng góp tạo tác động tích cực tới môi trường, phù hợp với chủ đề của cuộc thi; lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sâu rộng trong cả nước, giúp thêm nhiều phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, chung tay phát triển kinh tế - xã hội theo hướng sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giải đặc biệt trị giá 120 triệu đã thuộc về Dự án hệ sinh thái dinh dưỡng từ nông sản xanh của tác giả Nguyễn Thị Mến (Công ty TNHH sản xuất và thương mại Mom Beauty), thuộc lĩnh vực thúc đẩy tiêu dùng. Với tốc độ tăng trưởng cao và thiết kế hệ thống sản xuất, kinh doanh bài bản: Từ liên kết đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi vùng nguyên liệu canh tác truyền thống sang sản xuất xanh tái chế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón sinh học, sau hơn 3 năm triển khai, dự án đã có 4 cơ sở sản xuất, hơn 70 cửa hàng và trên 1.000 đại lý phân phối tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước…
Điểm nổi bật là thông qua việc thiết lập các hệ thống, kết hợp kinh doanh online và trực tiếp, dự án đã thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm xanh, được chế biến an toàn và có giá trị dinh dưỡng cao ở nhiều địa phương trên cả nước.
Cùng với đó, 3 giải nhất đã thuộc về các dự án: Sản xuất chất liệu xơ sợi tự nhiên từ lá dứa của chị Trần Thị Mỹ Hải (Hà Nội); Xử lý phân heo không thông qua hầm biogas thành nguyên liệu phân bón hữu cơ của chị Nguyễn Thị Linh (Bình Phước); Chăn nuôi gà thảo dược vi sinh thả dưới tán hồi của chị Lý Thị Nga (Lạng Sơn). 5 giải nhì, 7 giải ba và 24 giải khuyến khích cũng được trao cho các dự án khởi nghiệp xuất sắc tiêu biểu.
Cuộc thi năm nay đã triển khai đến các nhóm phụ nữ “đặc biệt” như: Nữ vận động viên giải nghệ, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ chấp hành xong án phạt tù…
“Có thể thấy, các tác giả đều đã ấp ủ, nuôi dưỡng ý tưởng, quyết tâm đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh để mang đến các dịch vụ chuyển đổi xanh, sản phẩm, mô hình kinh doanh xanh và các sáng kiến thúc đẩy tiêu dùng xanh. Đây là những ý tưởng khởi nghiệp vừa có tính thực tiễn cao, vừa phát huy được giá trị của sản phẩm, nâng tầm thương hiệu Việt”, lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.
Cần nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Vòng chung khảo cuộc thi diễn ra vào đúng thời điểm cơn bão số 3 Yagi ập đến, các chị em ở khu vực phía Bắc đã chung sức, đồng lòng cùng cả nước chống bão, khắc phục hậu quả thiên tai. Gạt đi những giọt nước mắt khi hay tin nhà cửa, vườn tược của gia đình bị chìm trong biển nước, người thân bị cuốn trôi, bằng nghị lực và sự kiên cường của người phụ nữ Việt Nam, các chị đã vững vàng và hoàn thành xuất sắc phần thi của mình.
Phát biểu tại lễ trao giải do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức vừa qua tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chúc mừng và biểu dương tác giả của 40 dự án đoạt giải, các chị đã thể hiện nhiều ý tưởng sáng tạo, đổi mới và cả tâm huyết đối với việc chuyển hóa những gì thiên nhiên ban tặng thành sản phẩm hàng hóa xanh, vừa tăng giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Một số dự án có trình độ khoa học kỹ thuật và có tác động lớn đến việc giảm ô nhiễm trong chăn nuôi và hạn chế được ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Nhiều dự án vừa có tính khoa học công nghệ, kinh tế, vừa có nhiều đóng góp cho việc tạo sinh kế và việc làm cho cộng đồng tại địa phương.
Ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu của Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, phong trào phụ nữ trong các tầng lớp nhân dân, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là về vốn, tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại cho phụ nữ khởi nghiệp...
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Quan tâm phối hợp cùng Hội LHPN Việt Nam sớm hoàn thiện trình Chính phủ Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035; mở rộng đối tượng phụ nữ trên nhiều lĩnh vực tham gia khởi nghiệp, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế đất nước; tăng cường huy động nguồn lực xã hội, hợp tác quốc tế cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của phụ nữ; hỗ trợ kết nối cung - cầu, quảng bá, giới thiệu, sử dụng sản phẩm đổi mới sáng tạo của phụ nữ…