Phòng tránh tai nạn cho trẻ trong ngày hè
VHO- Trẻ uống nhầm axit, nước rửa bồn cầu, hay gặp thương tích trong lúc chơi đùa trong nhà, công xưởng… là những tai nạn thường xảy ra với trẻ em khi nghỉ hè. Vì vậy, người lớn cần giáo dục, trông nom, giữ gìn và đảm bảo cho trẻ một môi trường thực sự an toàn.
Bé D.L uống nhầm axit rửa ắc quy vẫn đang có tiên lượng bệnh rất nặng Ảnh: KIM CHI
Bé gái loét dạ dày nặng vì uống nhầm axit rửa ắc quy
Mới đây, sau khi ăn sáng, bé DL (11 tuổi, Quảng Ninh) mua nước ở cổng trường uống. Người bán hàng do vô ý đã đưa nhầm chai dung dịch axit sunfuric (loại rửa ắc quy) cho cháu thay vì nước uống thông thường. Đến nay, sau gần 1 tháng điều trị tại bệnh viện, tình trạng sức khỏe của cháu bé vẫn tiên lượng rất nặng.
Theo chia sẻ của gia đình bệnh nhi, con trai của người bán hàng làm nghề sửa chữa máy nổ, máy bơm nên có tích trữ axit sulfuric trong chai Lavie để ở nhà và dẫn đến sự nhầm lẫn nguy hiểm trên. Tiếp nhận bệnh nhi lúc 15h chiều 27.6, các bác sĩ tại khoa Cấp cứu chống độc đã tiến hành thăm khám và chỉ định nội soi tai mũi họng, soi tiêu hóa cấp cứu. Kết quả cho thấy bé DL bị loét dạ dày, tá tràng mức độ 3a. BSCKII Đặng Thúy Hà, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Trung tâm Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vùng miệng của bệnh nhi bị tổn thương khá nặng, không thể ăn uống nên các bác sĩ phải đặt đường truyền nuôi dưỡng kết hợp tiêm kháng sinh. 10 ngày sau khi nhập viện, bé DL vẫn liên tục đau bụng, nôn, 5 ngày gần đây cháu lại sốt cao 39-40 độ.
BSCKII Đặng Thúy Hà cho biết thêm, trường hợp trẻ uống nhầm axit, các loại hoá chất không phải là tai nạn sinh hoạt hiếm gặp. Nhiều gia đình để hoá chất trong các chai vốn đựng nước, nước ngọt và không cất giấu cẩn thận, không để xa tầm với của trẻ em, vì thế trẻ dễ nhầm tưởng và lấy uống. Nếu uống nhầm axit sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ… gây hoại tử từ ngoài vào trong.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu trót uống hóa chất, axit thì việc cần làm ngay là uống càng nhiều nước lọc càng tốt. Việc pha loãng axit, hoá chất trong dạ dày là rất quan trọng giúp tránh tổn thương ở mức độ nặng tại cơ quan này. “Để phòng tránh những tác hại của hóa chất với trẻ em, đặc biệt là axit, người lớn cần phải biết cách phòng hộ và bảo quản axit, tránh những nơi dễ đổ vỡ hoặc bay mùi. Chỉ một hành động bất cẩn của người lớn cũng có thể khiến trẻ em phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng suốt đời”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Trong nhà cũng gặp tai nạn
Cũng trong đầu tháng 6, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận bệnh nhân H.V.H (11 tuổi, Bắc Ninh) bị đứt rời ngón tay do bổ bưởi. Sau khi được sơ cứu tại bệnh viện huyện, cháu H được chuyển thẳng lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Theo BS. TS Đào Văn Giang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bị đứt rời đốt tay ở trẻ em là một tổn thương khó khắc phục do mạch máu rất nhỏ. Kíp mổ đã tiến hành nối gân, nối xương, nối thần kinh và mạch máu. Các bác sĩ phải dùng những sợi chỉ phẫu thuật siêu nhỏ để khâu nối, đảm bảo mạch máu lưu thông, hồi sinh chi thể đứt rời cho bệnh nhi. May mắn, ca phẫu thuật kéo dài trong 4 tiếng đã thành công, giúp ngón tay của em được nối lại, phục hồi tốt.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình -Thẩm mỹ cho biết, những tai nạn sinh hoạt hy hữu đứt rời chi thể ở trẻ em rất dễ xảy ra, có trường hợp cháu bé chơi nghịch máy cắt thuốc lào hay máy cắt giấy bị đứt rời ngón tay; lại có trường hợp cháu bé sống trên thuyền chài, vì sợ cháu ngã xuống sông, ông của bé đã dùng dây buộc vào cổ chân bé. Không may đầu còn lại của dây cuốn vào động cơ, khiến dây thừng thít chặt làm đứt rời bàn chân của cháu. Do hoảng sợ, ông của bé đã ném phần chân bị đứt xuống sông, vội vàng đưa cháu đi cấp cứu. Đến nơi bác sĩ hỏi chân bị đứt của cháu bé đâu, ông mới vội vã thuê 3 thợ lặn tìm 1 tiếng đồng hồ mới thấy chiếc chân, mang đến cho bác sĩ nối, may mắn là cháu bé đã được cứu chữa và đi lại bình thường. “Trẻ em thường hiếu động, bất cứ vật sắc nhọn nào cũng có thể là mối nguy hại cho trẻ. Vì vậy, phụ huynh nên để ý trông nom con em mình để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc, ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của trẻ”, các bác sĩ khuyến cáo.
Trước đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã phẫu thuật, tạo hình thành công 3 đốt ở 3 ngón tay dập nát cho một bé 6 tuổi, quốc tịch Nga do bị kẹp tay vào cửa. Bệnh nhi bị tai nạn ngay trong gia đình ở giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.
TS Ngô Bá Toàn, Phó Trưởng khoa Chấn thương chung cho biết, việc ở nhà kéo dài làm tăng stress ở cả trẻ em và người lớn. Ủng hộ trẻ em chơi đùa là quan trọng, đặc biệt đối với trẻ em độ tuổi tiểu học. Trong thời gian chơi tự do, trẻ quyết định những gì chúng muốn làm, cách chúng muốn làm và khi nào chúng muốn bắt đầu và dừng lại. Vai trò của người lớn là cung cấp không gian và các vật dụng hỗ trợ cho trẻ chơi nhưng không quên đảm bảo sự an toàn của trẻ.
Hiện đang là cao điểm của những ngày hè, trẻ không phải học mà được chơi thoải mái. Tuy nhiên, với tính cách hiếu động, thích tìm hiểu của trẻ thì bất cứ ở đâu cũng có nguy cơ tiềm ẩn, rình rập gây tai nạn sinh hoạt cho trẻ. Vì vậy, người lớn phải tạo môi trường, ngôi nhà an toàn và giám sát để phòng tránh tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ.
THẢO LAM