Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử

VHO- Thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đối với những tỉnh có nhiều gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sống như Kinh, Ê Đê, Mường, Gia Rai... là một thách thức đối với công tác gia đình. Nhưng, rất bất ngờ khi triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí tại hai xã, thị trấn trong tỉnh Đắk Lắk đã có 6.563 hộ gia đình hưởng ứng đăng ký, trong đó có tới 50% hộ gia đình là người dân tộc thiểu số.

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử - Anh 1

Hội nghị sơ kết đánh giá thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ

 Việc đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí tại địa phương được thực hiện với 4 nhóm đối tượng: “nhóm vợ, chồng”, “nhóm cha mẹ, ông bà”, “nhóm con cháu”, “nhóm anh chị em”.

Năm 2019, Đắk Lắk chọn xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ và thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar làm thí điểm để triển khai Bộ tiêu chí. Đánh giá về tình hình và tác động của việc thực hiện triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử gia đình ở hai địa bàn trong tỉnh, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết: “Các nội dung của “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” rất thiết thực, gần gũi với đời sống sinh hoạt thường ngày nên có tác động tích cực đến đời sống của các hộ cũng như mỗi người dân. Các thành viên trong gia đình đã tự ý thức đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững hướng tới sự ổn định, văn minh tại cộng đồng”.

Qua quá trình thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, nhận thức của cán bộ và quần chúng về công tác gia đình, về văn hóa ứng xử đã được nâng lên rõ rệt; các thành viên trong gia đình đoàn kết, yêu thương nhau hơn, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, đoàn kết cộng đồng dân cư tốt hơn, giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử - Anh 2

 Lễ phát động và đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar

Trước khi đặt bút đăng ký thực hiện, các hộ gia đình đã được nghe giới thiệu cụ thể về các tiêu chí ứng xử, mục đích, ý nghĩa của việc triển khai công tác này. Bốn nhóm hộ gia đình tiêu biểu đại diện cho các hộ gia đình trong xã đã ký cam kết thực hiện với hai tiêu chí chính: Tiêu chí ứng xử chung (Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ) và tiêu chí ứng xử cụ thể, gồm bốn mối quan hệ trong gia đình: Vợ - chồng (chung thủy, nghĩa tình); ông bà - cháu, cha mẹ - con cái (gương mẫu, yêu thương); cháu - ông bà, con cái - cha mẹ (hiếu thảo, lễ phép); anh, chị - em (hòa thuận, chia sẻ). Ngay sau Lễ phát động, Ban Tổ chức thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí của xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) và thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) đã phân công nhiệm vụ các thành viên xuống khu dân cư để hướng dẫn các hộ dân điền phiếu đăng ký. Nhìn chung, các hộ dân đều hưởng ứng và nhiệt tình tham gia, tổng cộng có 600 hộ với nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau, trong đó có gần 200 hộ gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Qua quá trình triển khai thực hiện, ý thức người dân về giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình được nâng lên rõ rệt; ông bà, cha mẹ mẫu mực; con cháu thảo hiền, ngoan ngoãn, lễ phép; anh em đoàn kết, hòa thuận, chia sẻ; vợ chồng nghĩa tình và chung thủy.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar ông Y Wem H’wing cho biết: “Sau gần 1 năm thực hiện triển khai thí điểm Bộ tiêu chí, nhân dân trên địa bàn thị trấn Ea Pốk đã có ý thức hơn trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình và hoàn thiện bản thân, góp phần rất lớn tạo nên sự ổn định, văn minh cho toàn địa bàn. Việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí gia đình đã thực sự đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới đang được phát động”.

Có thể nói, sự thành công trong việc thực hiện triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chính là nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ban ngành đoàn thể ở địa phương và sự đồng tình ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà cũng cho rằng, để việc triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” đạt kết quả cao trong những năm tiếp theo, Sở đề nghị Bộ VHTTDL cần cho địa phương thực hiện ký kết thí điểm ngay từ đầu năm để tiện đưa vào chủ trương và kế hoạch trên mọi lĩnh vực của tỉnh. Và điều quan trọng đang là “điểm khó” đối với địa phương, đó là bố trí kinh phí ăn ở cho người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia tập huấn Bộ tiêu chí và sinh hoạt tại cộng đồng. 

 HIỀN LƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc