Nhân rộng mô hình “Đội phản ứng nhanh về phòng, chống BLGĐ”

VHO- TP.HCM vừa ban hành Chỉ thị số 09/CT - UBND về việc đẩy mạnh công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu Sở VHTT TP.HCM chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Nhân rộng mô hình “Đội phản ứng nhanh về phòng, chống BLGĐ” - Anh 1

 Ngày hội Văn hóa, Gia đình hạnh phúc do Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức

Sở VHTT là đơn vị chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND quận, huyện tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam, tổ chức hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về gia đình.

Định kỳ tổ chức các hoạt động

Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Phối hợp với cơ quan có liên quan và cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, nêu gương người tốt việc tốt, lên án và phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, biểu dương những tấm gương sáng điển hình có đóng góp tích cực cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Định kỳ hằng năm, tổ chức các hoạt động về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nhân dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3, Ngày Gia đình Việt Nam 28.6, Tháng 6 - Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25.11...

Sở VHTT TP.HCM cũng được giao nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình, cộng tác viên, tình nguyện viên, thành viên tổ tư vấn, người phụ trách địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; Lực lượng hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa thành viên trong gia đình; Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; Phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin lĩnh vực gia đình; Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Kịp thời xử lý các hành vi bạo lực gia đình, có các biện pháp can thiệp, xử lý người có hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt là những người thường xuyên tái diễn, phải thực hiện hòa giải, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, hoặc có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn; Tiếp tục xét xử lưu động các vụ án về bạo lực gia đình có tội phạm nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng tại địa bàn xảy ra vụ việc.

Tuyên truyền, giáo dục các giá trị nhân văn trong gia đình

UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về gia đình, các giá trị nhân văn tốt đẹp về mối quan hệ, ứng xử trong gia đình Việt Nam; Lồng ghép kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử và giải quyết mâu thuẫn gia đình, kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên trong chương trình giảng dạy và các buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp ở các trường trên địa bàn TP; Tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình; Triển khai lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình trong các hoạt động truyền thông liên quan đến công tác trẻ em, bình đẳng giới, người cao tuổi, người khuyết tật; Nâng cao nhận thức cho gia đình và các đối tượng đang điều trị các chất gây nghiện về kiến thức và kỹ năng ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình; Thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; Lồng ghép kiến thức và kỹ năng hòa giải mâu thuẫn các mối quan hệ trong gia đình vào nội dung tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở; Hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý đảm bảo tính răn đe, giáo dục để phòng ngừa nguy cơ tái diễn và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bạo lực gia đình; Nhân rộng mô hình “Đội phản ứng nhanh về phòng, chống bạo lực gia đình”...

Các đoàn thể cần vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng xã nông thôn mới, đô thị văn minh”; Tiếp tục nâng chất lượng các mô hình, hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững gắn với thực hiện Cuộc vận động ”Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; Tổ chức tập huấn tiền hôn nhân, truyền thông giáo dục, cung cấp kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc cho các thành viên gia đình trẻ, các cặp đôi tiền hôn nhân, nữ công nhân, lao động khu lưu trú - nhà trọ. Phát huy hiệu quả hoạt động các Câu lạc bộ tiền hôn nhân, Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc tại các quận-huyện, phường-xã...

UBND quận, huyện cần bố trí cán bộ làm công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Triển khai xây dựng đội ngũ cộng tác viên phụ trách công tác dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở; Tăng cường công tác truyền thông về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình...

Người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn. 

 ĐÀO ANH

Ý kiến bạn đọc