Người mẹ của trung tâm dạy nghề thiện nguyện cho trẻ khuyết tật

VHO- Bà Đoàn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa, đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, vất vả để gây dựng được mái nhà cho trẻ em khuyết tật ở xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Người mẹ của trung tâm dạy nghề thiện nguyện cho trẻ khuyết tật - Anh 1

Bà Đoàn Thị Hoa

Trong con ngõ nhỏ của xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội, dọc bên sông Nhuệ, ngày ngày vẫn vang tiếng nói cười của các bạn trẻ đến trung tâm Quỳnh Hoa. Đây là trung tâm dạy nghề thiện nguyện cho trẻ em khuyết tật, và hơn hết, đây là một mái nhà.

Thành lập trung tâm vì cái duyên, cái nợ

Bà Đoàn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa, giới thiệu về mình với chúng tôi theo một cách rất đặc biệt: “Tôi là Đoàn Thị Hoa, là giám đốc, thế nhưng tôi chỉ là một người mẹ để chăm sóc đàn con khuyết tật thôi."

Người mẹ ấy đã phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, vất vả để gây dựng được mái nhà cho các em như ngày hôm nay.

“Năm 2005, tôi vào miền Nam, đi theo đoàn Chữ thập Đỏ Hà Nội phát quà cho trẻ em khuyết tật. Vào đó, tôi trăn trở mãi câu hỏi của một em nhỏ rằng em cảm thấy buồn vì các em là trẻ khuyết tật, và chỉ mơ ước làm sao có được cái nghề để nuôi sống bản thân. Từ đó, tôi nảy ra ý định giúp đỡ các em. Tôi về bàn với gia đình, mọi người cũng nói là có một đứa con khuyết tật đã vất vả rồi, giờ lại dạy cho toàn bộ người khuyết tật thì khó khăn quá. Nhưng chồng con thấy tôi quyết tâm nên cũng đồng lòng cho tôi làm."

Bà Hoa đã sử dụng mảnh đất dành cho chăn nuôi, trồng cây của gia đình để xây dựng một xưởng nhỏ và dãy nhà 3 gian, dạy cho các em xung quanh xã.

Đến khi được thành lập chính thức vào tháng 6.2007, trung tâm được các em ở nơi khác biết đến khá nhiều.

Một điều đặc biệt là trung tâm chưa bao giờ thông báo tuyển sinh nhưng cứ người này bảo người kia đến, nên mỗi ngày một đông, nhiều người từ Nghệ An, Hà Tĩnh cũng biết và tìm đến.

Người mẹ của trung tâm dạy nghề thiện nguyện cho trẻ khuyết tật - Anh 2

Dạy nghề cho trẻ em khuyết tật

Chia sẻ về những khó khăn khi dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, bà Hoa bộc bạch: “Dạy người lành đã khó huống chi là người khuyết tật, có em tới 2 năm chưa làm được nghề. Nhiều khi các em chán, đang ngồi lại đùng đùng bỏ về phòng nằm, thế là mình lại phải nhẹ nhàng, dỗ dành. Cũng có những em rất ham nghề, học rất thông minh, chỉ 1-2 tháng là tiếp thu được nghề. Hiện nay, các em mắc chứng tự kỷ và thiểu năng trí tuệ đến trung tâm chiếm đến 2/3."

Hiện tại, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa có 30-35 em nội trú,  20-25 em ngoại trú.

Trước đây, Trung tâm có khá nhiều nghề, nhưng nghề phù hợp với người khuyết tật hiện nay là nghề thủ công giấy cuộn, làm các bức tranh, bưu thiếp, hộp trang sức...

Hành trình gian nan nhưng nhiều quả ngọt

Các em ở Trung tâm thường gọi bà Hoa là "u Hoa" để đáp lại tình thương và sự hy sinh lớn lao của bà dành cho mình. Mỗi em có một hoàn cảnh riêng. “Có em mồ côi, có em bố mẹ ly thân một mình ở với tôi và có những em đến với tôi xong lấy vợ, lấy chồng. Đã có 23 đôi lấy nhau tại trung tâm, trong đó 22 đôi đã có con. Còn 4 bà mẹ đơn thân có con nhỏ cũng được trung tâm tạo điều kiện cho con đi học," bà Hoa chia sẻ.

Sinh viên ở trường đại học cũng thường đến đây thực tập, giao lưu, dạy cho các em khuyết tật về kỹ năng sống. Các em luôn sôi nổi, yêu đời, lúc nào xưởng cũng đầy ắp tiếng cười.

Sau dịch COVID-19, sản phẩm của các em khuyết tật vốn đã khó tìm đầu ra nay lại càng khó khăn hơn và điều này cũng khiến bà Hoa trăn trở.

Người mẹ của trung tâm dạy nghề thiện nguyện cho trẻ khuyết tật - Anh 3

Sản phẩm của các em nhỏ khuyết tật

Chưa một lần kêu gọi ủng hộ, cũng chưa một lần chủ động tìm đến sự trợ giúp, mọi chi phí sinh hoạt cho các em nhỏ khuyết tật ở đây đều do bà Hoa xoay sở. Có những lần không thể trang trải nổi chi phí, bà lại bàn với gia đình bán đất, bán vườn để nuôi các em.

Đến nay, chặng đường yêu thương và giúp đỡ trẻ em khuyết tật của bà Hoa cũng đã ngót nghét 13 năm. Bà Hoa dự định để Trung tâm cho con gái quản lý, bởi lẽ con gái bà hiện nay đang hỗ trợ về mẫu mã, hạch toán đầu ra và đầu vào cho xưởng, đăc biệt là cũng rất yêu các em nhỏ.

Cứ mỗi dịp lễ Tết, những người từng được "u Hoa" cưu mang lại về quây quần bên "mẹ," vì nhờ có bà mà họ đã có hạnh phúc của riêng mình.

TTXVN

Ý kiến bạn đọc