Nên giảm thủ tục nhận nuôi con nuôi

VHO- Kể từ khi thực hiện Luật Nuôi con nuôi, trong giai đoạn 2011-2020, trên toàn quốc đã có 30.519 trẻ em được giải quyết làm con nuôi trong nước và nước ngoài. Trong đó, có 26.623 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi trong nước và 3.896 trẻ em làm con nuôi nước ngoài theo quy định của Luật Nuôi con nuôi.

Nên giảm thủ tục nhận nuôi con nuôi - Anh 1

91 gia đình cha mẹ nuôi từ Pháp, Đức, Italia, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển… làm thủ tục giao nhận con nuôi tại TP.HCM (tháng 10.2021) Ảnh: VGP

 Có thể nói, sau khi có Luật Nuôi con nuôi và đưa vào sử dụng hệ thống thông tin quản lý hộ tịch điện tử thì công tác này đã đi vào nề nếp và đạt được những kết quả rất khả quan, mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Qua triển khai công tác này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ triệt để trong thời gian tới như: Thứ nhất, đối với việc lập hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước. Theo quy định tại Điều 17 Luật Nuôi con nuôi thì người nhận con nuôi phải có Phiếu lý lịch tư pháp và Giấy khám sức khỏe. Tuy nhiên, việc đưa ra quy định này gây khó khăn đối với những người có nhu cầu nhận nuôi con nuôi ở vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại khó khăn khi họ phải làm những giấy tờ này. Do đó, nên bỏ các giấy tờ này để tạo điều kiện cho việc triển khai nhận nuôi con nuôi. Theo đó, chỉ cần xác nhận của UBND cấp xã nơi thường trú của người nhận nuôi con nuôi đủ điều kiện là được. Thứ hai, về thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi. Tại điểm c khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định “Người nhận con nuôi phải có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi”. Tuy nhiên, trên thực tế không có căn cứ xác định tiêu chuẩn “có điều kiện về kinh tế”. Vì vậy, dẫn đến việc mỗi nơi áp dụng theo một cách khác nhau (dựa vào việc người nhận con nuôi có việc làm hoặc có thu nhập ổn định…). Ngoài ra, việc xác định “chỗ ở bảo đảm cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con nuôi” cũng khó khăn, vì trong một số trường hợp người nhận con nuôi cung cấp thông tin không đúng với hoàn cảnh thực tế của mình.

Thứ ba, về trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi quy định trường hợp trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích không còn khả năng nuôi dưỡng thì báo với UBND cấp xã để tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Tuy vậy, không có cơ sở để xác định thế nào là “không có khả năng nuôi dưỡng” nên hầu như không có trẻ em nào được tìm gia đình thay thế đối với những trường hợp này. Thứ tư, theo quy định của Luật Nuôi con nuôi thì việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha, mẹ đẻ hoặc của người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng sau khi sinh con, cha mẹ đẻ cho con làm con nuôi nhưng chỉ viết giấy tay, cung cấp giấy chứng sinh… mà không để lại địa chỉ, hoặc để lại địa chỉ nhưng lại là địa chỉ giả. Do đó, khi tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, UBND cấp xã không thể liên hệ được với cha, mẹ đẻ để lấy ý kiến đồng ý theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, theo dõi tình hình phát triển của con nuôi. Tại khoản 1 Điều 23 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Sáu tháng một lần trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng”. Tuy nhiên, trường hợp người nhận nuôi chuyển đi cư trú ở địa phương khác thì UBND cấp xã nơi thường trú mới không thể biết mối quan hệ nuôi con nuôi để theo dõi, nhắc nhở cha mẹ nuôi việc thực hiện quy định này. Thứ sáu, đối với công tác đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài. Việc giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ở một số địa phương như trên địa bàn tỉnh Kon Tum, chủ yếu là người nước ngoài nhận trẻ em là người dân tộc thiểu số, cư trú ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, trong quá trình lấy ý kiến của người có liên quan về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, công chức lấy ý kiến mặc dù đã tư vấn đầy đủ các quy định của pháp luật nuôi con nuôi nhưng những người này vẫn chưa thực sự hiểu các quy định. Ngoài ra, ở một số địa phương các cơ sở bảo trợ xã hội không gửi danh sách, do vậy Sở Tư pháp không có thông báo tìm gia đình thay thế cũng gây khó khăn cho việc triển khai công tác nuôi con nuôi.

Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay là những văn bản pháp lý quan trọng, liên quan đến quyền trẻ em. Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, thực hiện quy định của pháp luật về nuôi con nuôi. Đặc biệt là quy định về đăng ký nuôi con nuôi, hạn chế tình trạng tự ý đưa trẻ em về nuôi hoặc thỏa thuận đưa trẻ em về nuôi dưỡng nhưng không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền mà cụ thể là Bộ Tư pháp cần xem xét ban hành hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định để giải quyết các khó khăn được nêu ở trên. Mặt khác, việc nhận con nuôi là một việc làm nhân đạo, do đó cần có quy định miễn phí, lệ phí cho những người nhận con nuôi khi họ tiến hành làm các loại giấy tờ có trong thành phần hồ sơ. 

PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc