Mái ấm của những đứa trẻ kém may mắn

VHO- “Sinh thời, Bác Hồ mong ước tất cả trẻ em Việt Nam có đủ cơm ăn áo mặc, được đến trường. Với những cháu bé mà chúng tôi đã và đang cưu mang, chúng tôi cùng chung nguyện ước đó, cố gắng nuôi dưỡng chăm sóc các cháu thật tốt, cho các cháu được đến trường lớp học hành thu nhận kiến thức”.

Mái ấm của những đứa trẻ kém may mắn - Anh 1

 Những đứa trẻ ở mái ấm Tín Thác

Những chia sẻ này của sơ Hường (53 tuổi, tên thật Nguyễn Thị Hường), người sáng lập mái ấm Tín Thác, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã khiến nhiều người xúc động. Với sơ, việc cưu mang, đùm bọc những trẻ có hoàn cảnh kém may mắn chính là học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thành lập từ năm 2009, ban đầu mái ấm chỉ có vài phòng nhưng phải liên tục mở rộng bởi số lượng các bé vào mái ấm tăng quá nhanh. Suốt 10 năm qua, đã có 107 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được lớn lên trong tình yêu thương của các sơ tại mái ấm Tín Thác.

Những ngày đầu, sơ tình cờ thấy một bé trai nhỏ thó, nặng chỉ 1,3 kg để trong thùng giấy, người tím tái được khoác chiếc áo của một phụ nữ. Sơ đưa về tắm, sưởi ấm và tìm sữa cho bé bú, đặt tên là Phúc Ân. Sau 3 tháng chăm sóc, bé bụ bẫm, cân nặng được 3,2 kg trong niềm vui của mọi người. Bây giờ Phúc Ân là anh cả ở mái ấm. Chỉ một thời gian ngắn sau, có người nghe tiếng trẻ thơ khóc bên vệ đường, trước sân nhà thờ, lại đưa đến nhờ sơ Hường nuôi dưỡng. Khi số trẻ bị cha mẹ bỏ rơi tăng lên, sơ Hường vẫn mở rộng vòng tay đón nhận dẫu có lúc lúng túng không biết phải xoay xở thế nào. Những đứa trẻ đầu tiên đến với mái ấm Tín Thác đều được sơ Hường đặt tên gắn với chữ “Ân” như: Phúc Ân, Hồng Ân, Thiên Ân, Khánh Ân, Gia Ân, Phước Ân, Huệ Ân…

Theo sơ Nguyễn Thị Thu Vân, đa số các trẻ bị cha mẹ bỏ rơi khi mới vài ngày tuổi, phải dứt nguồn sữa mẹ và nhiễm lạnh khi chỉ được quấn sơ sài trong các nùi giẻ hoặc quần áo cũ rồi cho vào túi ni lông, chậu nhựa, thùng giấy... Có em bị côn trùng tấn công khiến não tổn thương, sức đề kháng quá yếu nên thường đổ bệnh, ốm yếu và chậm nói. Chính vì vậy, việc chăm sóc các em nhỏ là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các em trong mái ấm đã được cấp giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế nên khó khăn phần nào cũng vơi bớt.

Với sơ Hường, mái ấm không chỉ là nơi cho các em ăn, mặc mà đó còn là môi trường gia đình. Các em quây quần trong mái ấm, nô đùa với nhau. Những em lớn đang học lớp 3, lớp 4 biết bế em, đút cơm cho em ăn, dỗ dành em như anh em một nhà. “Thấy các cháu lớn lên, biết yêu thương đùm bọc nhau, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi và các cộng sự”, sơ Hường nói.

NAM ANH

Ý kiến bạn đọc