Tiết Thanh minh:

Mạch nguồn hiếu đạo chảy mãi trong lòng người Việt

THANH MAI - MỸ TRANG

VHO - Không rực rỡ cờ hoa như Tết Nguyên đán, cũng chẳng lung linh đèn nến như Tết Trung thu, Thanh minh ghé đến nhẹ nhàng tựa làn gió xuân, lặng lẽ mà sâu thẳm như từ ký ức vọng về. Trong nhịp sống hối hả hôm nay, “Thanh minh trong tiết tháng ba” là khoảnh khắc để mỗi gia đình Việt chậm lại, cùng nhau quây quần, thắp nén hương thơm, tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ...

Mạch nguồn hiếu đạo chảy mãi trong lòng người Việt - ảnh 1
Thanh minh là dịp để trở về. Tranh của họa sĩ Lê Mạnh

 Tiết Thanh minh không đơn thuần là một nghi lễ mang tính hình thức, mà còn là sợi dây thiêng liêng nối kết tâm hồn các thế hệ, nơi “đạo hiếu” được vun bồi, trao truyền và trường tồn trong mạch nguồn văn hóa dân tộc.

Trở về với cội nguồn

Có thể nói, Thanh minh là ngày để trở về. Chẳng phải tiệc tùng hay tụ họp linh đình, mà để bước chậm lại trên con đường làng xưa cũ, về với nơi yên nghỉ của người thân. Người ta cẩn thận nhổ đi những vạt cỏ dại, lau sạch tấm bia rêu phong, rồi thắp nén nhang thơm, rì rầm khấn nguyện, kể cho người đã khuất nghe về cuộc sống hôm nay, con cháu khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, nhà vừa đón dâu mới…

Ở xã Thanh Tâm (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), mỗi độ tháng Ba về, con đường đất dẫn ra nghĩa trang lại trở nên nhộn nhịp - dấu hiệu quen thuộc báo tiết Thanh minh đang ghé đến. Những đoàn người nối đuôi nhau trên xe đạp, xe máy, chở theo hoa quả, bánh trái, trầu cau, nhang đèn và cả cuốc xẻng.

Lũ trẻ lon ton chạy phía trước, chân lấm lem bùn đất, ánh mắt tò mò dõi theo từng cử chỉ của người lớn đang cặm cụi vun đất, bày lễ, cắm hương. Có thể, chúng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc “tảo mộ”, nhưng lại cảm nhận rõ ràng bầu không khí thiêng liêng qua từng hành động thành kính, qua cách cha mẹ chúng lặng lẽ cúi đầu trước mộ phần tổ tiên.

Điều đó đã gieo vào tâm hồn thơ trẻ một niềm tôn kính với cội nguồn, với truyền thống gia phong - thứ di sản quý giá không cần lời dạy, chỉ cần được chứng kiến và cảm nhận bằng trái tim.

Đã hơn nửa thế kỷ qua, cụ bà N.T.L (Thanh Liêm, Hà Nam) không bỏ sót một mùa Thanh minh nào. Dù chân đã yếu, mắt đã mờ, cụ vẫn chống gậy ra thăm mộ phần cụ ông từ lúc trời còn mờ sương. “Ông nhà tôi mất lâu rồi, nhưng năm nào tôi cũng đi. Không đi là trong lòng chộn rộn, áy náy lắm, đứng ngồi không yên”, cụ L tâm sự.

Trên thực tế, Thanh minh chính là ngày đoàn tụ đặc biệt của các thế hệ nơi nghĩa trang làng quê. Những người con xa xứ lặn lội trở về, mang theo cả những câu chuyện vui buồn của một năm đầy biến động.

Không khí cứ thế ấm lên, tiếng í ới gọi nhau cắm hoa, bày lễ, hóa vàng…; những ánh mắt trìu mến quan tâm nhau sau một năm dài xa cách; những giọt mồ hôi rơi xuống đất mẹ và cả những giọt nước mắt nén sâu trong lồng ngực.

Bà N.T.N (65 tuổi, trú tại Minh Khai, Hà Nội) vẫn nhớ như in những mùa Thanh minh đầu tiên khi hai cậu con trai còn nhỏ được mẹ dắt ra thăm mộ bố. “Ông nhà tôi mất sớm, khi hai đứa mới học cấp 1. Chúng còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, nhìn mẹ rồi bắt chước làm theo bằng tất cả sự kính trọng. Giờ các con trưởng thành, công việc bận rộn ở xa, nhưng năm nào cũng thu xếp về dịp này, sửa sang lại phần mộ cho bố”, bà N nghẹn ngào chia sẻ.

Tiết Thanh minh không chỉ là dịp tri ân tiền nhân, mà còn là khoảnh khắc để ký ức thức tỉnh từ lớp bụi thời gian. Có những đứa trẻ, nhờ buổi đi tảo mộ cùng cha mẹ, mới lần đầu biết rằng ông ngoại từng là một trong những cán bộ cách mạng đầu tiên của làng, bà ngoại từng là người thợ sơn mài nổi tiếng xinh đẹp. Những câu chuyện xưa cũ ấy, nếu không có một ngày để nhắc lại, có lẽ sẽ mai một dần trong lãng quên.

Thanh minh cũng là dịp để những vết thương lòng được hàn gắn. Có anh em từng mười năm không nhìn mặt nhau, vì một hiểu lầm, một câu nói chưa kịp giải thích. Thế nhưng, chỉ cần một nén hương thắp lên giữa nghĩa trang lộng gió, một ánh mắt chạm nhau trong niềm xúc động, họ lại trở về bên nhau dưới mái nhà từng có bóng hình của cha mẹ, ông bà.

Thanh minh, vì thế, chính là nhịp cầu gắn kết gia đình, kết nối những gì sâu thẳm nhất trong tâm hồn người Việt: Lòng biết ơn, tình thân và sự thứ tha!

Bồi đắp lòng biết ơn

Thanh minh thường rơi vào đầu tháng Ba âm lịch, khi tiết trời dần chuyển mình, gió thổi nhẹ, nắng vàng mơ và mưa xuân để lại dư âm trên những con đường vương mùi đất mới. Trong không gian tĩnh lặng và thấm đẫm ký ức, người ta rời xa phố thị náo nhiệt, lặng lẽ trở về nơi tổ tiên an nghỉ.

Giữa nhịp sống hối hả không ngừng, tiết Thanh minh hiện lên như một nốt trầm thao thiết, để ta tạm dừng, lắng lại, hướng về cội nguồn, lắng nghe tiếng vọng từ quá khứ và cảm nhận thứ tình yêu không cần gọi tên.

Thanh minh là một điểm tựa tinh thần để con người tìm về những điều thiêng liêng nhất - nơi lòng biết ơn được khơi dậy, tình thân được kết nối và những giá trị văn hóa truyền thống lặng lẽ hồi sinh qua từng nén nhang, từng lời khấn nguyện.

Chính sự tưởng niệm ấy, dù âm thầm hay hiện diện rõ ràng, đang góp phần bồi đắp một xã hội giàu nghĩa tình, nơi con người biết “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, biết “uống nước nhớ nguồn”...

Hà Vi và Ngọc Hoa (quận Ba Đình, Hà Nội) là hai trong số rất nhiều bạn trẻ may mắn được sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống, nơi những giá trị văn hóa và đạo lý dân tộc được gìn giữ và truyền trao qua từng thế hệ.

Ngay từ thuở bé, các em đã được bố mẹ đưa đi tảo mộ ông bà vào dịp Thanh minh. Tận mắt chứng kiến người lớn lau từng tấm bia, vun từng nắm đất và ôn lại những câu chuyện xưa cũ, Vi và Hoa đã được gieo vào tâm hồn non trẻ một cách tự nhiên nhưng sâu sắc lòng biết ơn và đạo hiếu.

Với các em, Thanh minh không chỉ là một nghi lễ, mà còn là một dấu mốc thiêng liêng, nơi truyền thống được khơi dậy không bằng giáo điều mà bằng cảm xúc.

Và chính từ những trải nghiệm ấy, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt đã được nuôi dưỡng, lớn dần lên trong trái tim người trẻ như một phần máu thịt. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc