Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Sửa đổi): Nâng cao các giải pháp phòng ngừa
VHO- Bộ VHTTDL vừa tổ chức Hội thảo Tham vấn dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ chủ trì Hội thảo
Tại hội thảo, đại diện của các Ban, Bộ, ngành và các chuyên gia đã phân tích đánh giá cao những điểm mới mà Dự thảo đưa ra, cho rằng những điều khoản, nội dung mới sẽ khắc phục được một số hạn chế đã có phần lạc hậu trong tình hình hiện nay của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.
Chú trọng tư vấn, hòa giải
Trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay, một số khái niệm như hành vi BLGĐ, mâu thuẫn, tranh chấp chưa được làm rõ. Nhận diện chưa đầy đủ về hành vi BLGĐ khiến nhận thức về BLGĐ khác nhau ở các cấp, các ngành và người dân. Từ đó dẫn đến những bất cập trong việc triển khai các biện pháp PCBLGĐ và thu thập thông tin về BLGĐ. Các khái niệm về gia đình, thành viên gia đình, các hành vi BLGĐ, mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình… chưa được làm rõ.
Một trong những điểm nổi bật của Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là nâng cao các giải pháp phòng ngừa BLGĐ. Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên và Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật - Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quỳnh Liên đặc biệt quan tâm đến mặt tích cực của nội dung “Tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình”. Trong đó đối tượng được tư vấn bao gồm: Người có nguy cơ cao gây BLGĐ, người bị BLGĐ, người chuẩn bị kết hôn và các thành viên khác trong gia đình. Các loại hình hòa giải được tiến hành ở các hình thức: Hòa giải do gia đình, dòng họ tiến hành; hòa giải do cơ quan, tổ chức tiến hành; hòa giải do tổ chức hòa giải ở cơ sở tiến hành. Đặc biệt là ở Dự thảo Luật đưa ra 3 cấp độ hòa giải. Ở hòa giải ngăn ngừa BLGĐ, khi phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, các thành viên trong gia đình, dòng họ thực hiện biện pháp hòa giải hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, tổ hòa giải cơ sở thực hiện hòa giải. Tổ hòa giải ở cơ sở chủ động thực hiện hòa giải khi phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Ở hình thức hòa giải ngăn chặn BLGĐ, khi phát hiện BLGĐ, các thành viên gia đình, dòng họ, tổ hòa giải ở cơ sở tiến hành hòa giải để ngăn chặn hành vi BLGĐ tiếp diễn, đồng thời báo Chủ tịch UBND cấp xã để xử lý theo quy định pháp luật hiện hành. Hòa giải sau khi đã xử lý BLGĐ đối với người có hành vi BLGĐ, các hoạt động hòa giải được thực hiện theo trình tự hòa giải trong gia đình, dòng họ, cơ quan, tổ chức hoặc tổ hòa giải ở cơ sở để hoá giải các mâu thuẫn, tranh chấp và ngăn chặn tiếp diễn BLGĐ.
Bảo vệ người tham gia phòng, chống BLGĐ
Trong Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định rất rõ những nội dung quan trọng như báo tin, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ và cả với người tham gia phòng, chống BLGĐ. Báo tin, tố giác về BLGĐ có các địa chỉ nhận gồm: Chủ tịch UBND cấp xã, công an cấp xã, người đứng đầu cộng đồng dân cư (trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố), tổng đài đường dây quốc gia 111, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức xác minh, phân loại, xử lý vụ việc BLGĐ để ngăn chặn BLGĐ và bảo vệ người bị BLGĐ. Cơ sở y tế, cơ sở hỗ trợ người bị BLGĐ có trách nhiệm tiếp nhận sàng lọc, phân loại tình trạng người bị BLGĐ và báo tin về vụ việc BLGĐ cho UBND cấp xã nơi cơ sở đặt trụ sở.
Ở nội dung các nguyên tắc thực hiện trong thời gian cấm tiếp xúc, người bị BLGĐ được ưu tiên lựa chọn chỗ ở tại nhà hoặc nơi tạm lánh trong trường hợp chủ tịch UBND hoặc tòa án áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc. Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị BLGĐ tối thiểu 50m, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị BLGĐ thì không giới hạn khoảng cách. Trong quy định giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc, công an cấp xã phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch UBND cấp xã và quyết định cấm tiếp xúc của Tòa án nhân dân. Người được phân công giám sát có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc, khi phát hiện người có hành vi BLGĐ vi phạm quyết định cấm tiếp xúc thì báo cho chủ tịch UBND cấp xã.
Các đại biểu tỏ ý rất đồng tình khi Dự thảo quy định rõ trách nhiệm của công an cấp xã khi áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực trong quá trình can thiệp, hỗ trợ và xử lý vi phạm. Tòa án nhân dân có trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bị BLGĐ trong quá trình xét xử, tố tụng. Đối với vấn đề bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống BLGĐ cũng được quy định cụ thể bảo vệ thân thể, danh dự và tài sản, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức các biện pháp nhằm bảo vệ thân thể, danh dự và tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống BLGĐ và người báo tin, tố giác vụ việc BLGĐ. Với trường hợp người trực tiếp tham gia phòng, chống BLGĐ bị thiệt hại về tài sản mà người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thì được Nhà nước hoàn trả giá trị tài sản bị thiệt hại, nếu bị tổn hại sức khoẻ thì tuỳ theo mức độ tổn hại và tính chất của vụ việc cụ thể mà được hỗ trợ chăm sóc y tế, trợ cấp thương tật, tử tuất… Để bảo vệ phụ nữ sau ly hôn và bảo vệ quyền được chăm sóc của trẻ em, dự thảo đề xuất việc cưỡng chế thực hiện cấp dưỡng.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Ban soạn thảo và Tổ biên tập chỉnh sửa từ ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương thời gian qua. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, việc xây dựng Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là rất khó vì vấn đề BLGĐ vốn là của từng gia đình và nhạy cảm. Vì vậy, Bộ VHTTDL tiến hành xây dựng dự thảo Luật một cách rất thận trọng, tổ chức thực hiện lấy ý kiến rộng rãi nhiều lần với các Ban, Bộ, ngành và các đơn vị liên quan, đặc biệt là tham vấn nhiều chuyên gia có quá trình gắn bó với việc nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm trong lĩnh vực này. Quan điểm là Luật phải bảo đảm phù hợp với chủ trương quan điểm của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, về xây dựng gia đình Việt Nam và phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam, đặc biệt chú trọng tới góc nhìn văn hóa truyền thống.
THÚY HIỀN