Lan tỏa thông điệp xóa bỏ định kiến giới đến với người trẻ
VHO- Người phụ nữ đi ra ngoài mặc vest thì tại sao người đàn ông không thể mặc tạp dề để nấu một bữa ăn ngon cho gia đình của mình? Có nhiều người phụ nữ chạy xe công nghệ không sợ nắng, bị đen, sao đàn ông không thể tự tin cầm làn ra chợ mua mua đồ ăn, chăm sóc cho gia đình?
Hoa hậu H’Hen Niê và nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ về những rào cản định kiến giới trong công việc giữa nam và nữ Ảnh: TRANG NHUNG
Đây là thực tế đời sống mà hoa hậu H’Hen Niê nêu ra để bày tỏ quan điểm với các bạn trẻ về việc cần xóa bỏ định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp tại buổi tổng kết giai đoạn 2 của Chiến dịch truyền thông “Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới” do Tổ chức Plan International và Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức.
Các số liệu thống kê cho thấy, nam giới nhận lương cao hơn 13,7% so với nữ giới; lương hưu của nam cũng cao hơn 19,8% so với nữ. 42% công ty, doanh nghiệp cho biết chưa có chính sách tuyển dụng công bằng giữa nam và nữ, chỉ có 17% doanh nghiệp lớn do phụ nữ điều hành. Tỷ lệ nữ quản lý doanh nghiệp có vốn nước ngoài 34,1%; phụ nữ chỉ chiếm 26,1% các vị trí lãnh đạo nhưng lại đóng góp tới 52,1% lao động giản đơn, 66,5% lao động gia đình… Mặc dù vậy, có tín hiệu tốt là trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 2 về số phụ nữ giữ cương vị chủ tịch hội đồng quản trị.
H’Hen Niê cho rằng, định kiến giới ảnh hưởng sâu sắc đến nghề nghiệp của phụ nữ. Có rất nhiều ví dụ xung quanh chúng ta về trách nhiệm của người phụ nữ như dậy sớm nấu ăn, lo con cái, trách nhiệm với người chồng của mình; sau giờ làm trở về nhà lại phải dọn đồ ăn cho gia đình. Họ nghĩ rằng mình là người phụ nữ và đứng sau đàn ông, họ mong muốn giản đơn như vậy dù có khả năng, có nhiều cơ hội nghề nghiệp… Nhưng cũng có người phụ nữ mạnh mẽ thoát khỏi gia đình vẫn bị đối xử bất công trong công việc. “Đạo diễn thường là công việc của đàn ông, nhưng tôi biết một người chị đã chọn nghề đạo diễn. Nhưng mỗi lần gửi hồ sơ qua khách hàng thì bị gạt ra vì nói chị là phụ nữ, ý tưởng không hay, do đó chị chỉ có cơ hội làm những việc nhỏ. Điều này làm chị rất buồn, chị cho rằng mình có thể làm tốt hơn những sản phẩm của những người khác, nhưng không được trao cơ hội. Tôi muốn nói rằng, khi lựa chọn ngành nghề đó, chị có khả năng riêng của mình, nhưng định kiến xã hội đã hạn chế cơ hội của chị. Xã hội nhìn nhận các công việc lớn đều ưu tiên cho người đàn ông, nghĩ chỉ đàn ông mới làm được, đàn ông có suy nghĩ phong phú hơn, còn thực tế khi phụ nữ đã lựa chọn ngành nghề đó rồi, thì họ đã rất mạnh mẽ và làm hết mình.
Vì vậy, các doanh nghiệp khi thấy phụ nữ quyết định chọn công việc nào đó nên đặt niềm tin cho họ, bởi phụ nữ dành sự chăm sóc cho gia đình của mình như thế nào thì trong công việc cũng vậy, đó là nhiệt huyết, tình yêu. Hãy ủng hộ và trao cho phụ nữ nhiều cơ hội khác nhau vì họ đã sẵn sàng, có đủ kiến thức và hoàn thành tốt công việc đó”, Hoa hậu Hoàn vũ người Việt chia sẻ.
Cùng quan điểm với H” Hen Niê, nhà văn Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn của báo Hoa Học trò thập niên 90) cho biết, định kiến giới trong công việc chính là gắn cho phụ nữ có thể làm được việc này, không thể làm được việc kia. Đó chính là rào cản cho phụ nữ khẳng định mình và phát triển. “Định kiến ăn sâu vào xã hội. Tôi đi làm cũng gặp nhiều trường hợp người lãnh đạo băn khoăn khi giao việc cho phụ nữ, hoặc tuyển dụng phụ nữ chỉ bởi vì thiên chức làm mẹ, họ có thời gian nghỉ thai sản 6 tháng thì thời gian, công việc đó giao cho ai… Người lãnh đạo sợ mất guồng quay của công việc. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng phụ nữ làm điều mình thích một cách trọn vẹn nhất như cách họ chăm sóc gia đình”, nhà văn Hoàng Anh Tú nói.
Nhà văn Hoàng Anh Tú cũng thừa nhận mình cũng nhiều lần ngại ngần không dám bước lên xe khi phụ nữ là tài xế xe công nghệ vì ý thức bản năng là đàn ông thì không nên ngồi đằng sau tay lái phụ nữ. “Khá nhiều lần tôi nói rằng, thôi chị ngồi đằng sau để em đèo chị bởi vì mình nghĩ rằng mình là đàn ông. Nhưng chính mình sai vì như vậy là định kiến giới. Mỗi người cùng thay đổi dỡ bỏ định kiến giới để chúng ta hạnh phúc hơn”, anh Chánh Văn chia sẻ. Qua câu chuyện của anh Chánh Văn cho thấy sự mong manh giữa ranh giới đàn ông ga lăng và định kiến giới nhưng đó dường như chỉ là phạm trù văn hóa ứng xử. Nhiều người đàn ông không có định kiến, cảm thấy hạnh phúc khi được đi chợ, nấu ăn và chăm sóc con cái; nhưng trước sự dè bỉu, xì xào của hàng xóm: Đàn ông như thế thì hèn lắm, đàn ông mà cầm làn đi chợ như đàn bà… đã tác động khiến anh ta cảm thấy e ngại và dần dần không làm việc đó nữa để “có bản lĩnh đàn ông”.
Như vậy, định kiến xã hội về công việc của nam và nữ hiện vẫn chưa có cái nhìn cởi mở, thậm chí còn khắt khe. “Nhưng nếu chúng ta có niềm tin, tự tin về hành động của mình thì vấn đề xung quanh người khác nhìn như thế nào không còn quan trọng nữa. Chúng ta làm điều đó vì hạnh phúc dành cho gia đình của chúng ta. Suy nghĩ, nhận thức sẽ quyết định hành động và mang lại thay đổi lớn cho xã hội”, Hoa hậu H” Hen Niê cho hay.
Hiện nay, chiến dịch truyền thông "Thanh niên chuẩn - Nói không với định kiến giới" đã bước sang giai đoạn 3 (tháng 5 - 7.2022) gắn với chủ đề “Nghề nghiệp là sự lựa chọn, không phụ thuộc giới tính”, nhằm tập trung tuyên truyền thay đổi định kiến về phân công công việc, như định kiến cho rằng có những ngành nghề chỉ dành cho phụ nữ, có những ngành nghề chỉ dành cho nam giới mới có thể làm được… Chương trình đang nỗ lực để “chạm” vào từng cá nhân, từng suy nghĩ của mọi người, để nhận thức, cùng hành động, thay đổi những định kiến giới đã trói buộc chúng ta và làm chúng ta không hạnh phúc.
Chúng ta cần suy nghĩ về giá trị bản thân, hạnh phúc không nằm ở làm công việc gì, của nam hay nữ, không nằm ở việc kiếm được bao tiền, mà là giá trị tạo ra trong gia đình. Bởi vì công việc, số tiền đó không quyết định ai là “nóc” nhà trong gia đình, có thể anh ấy nấu cơm rất giỏi và người vợ là người mang lại thu nhập tốt. Nhưng để hạnh phúc vợ chồng cần được quan tâm, ghi nhận và những đứa con được lắng nghe. (Nhà văn HOÀNG ANH TÚ) |
THẢO LAM