Lan tỏa giá trị của hạnh phúc
VHO- “Hạnh phúc cho mọi người” là chủ đề được Bộ VHTTDL lựa chọn để hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay, với khẩu hiệu được đưa ra: “Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc”.
Sở Văn hoá và Thể Thao tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu Hội thi giao lưu các CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người”
Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 20.3 hằng năm là ngày Quốc tế Hạnh phúc, với đích đến cuối cùng là hạnh phúc và an sinh cho nhân loại. Trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới thường niên, năm qua, Việt Nam đã thăng hạng từ vị trí thứ 79 lên 77. Đánh giá về “Hạnh phúc” dựa vào các chỉ số tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội…;
cùng với đó là sự độ lượng của cộng đồng và người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng của mình.
Tuy nhiên, hạnh phúc không phải điều gì quá lớn lao, xa vời, mà nó vô cùng gần gũi và ở trong tầm tay của mỗi người nếu ta biết nâng niu, trân trọng và giữ gìn. Với cá nhân người viết, hạnh phúc chính là sự yêu thương và chia sẻ của mỗi thành viên, cùng tôn trọng, lắng nghe và đồng cảm với nhau để giữ gìn mái ấm. Gia đình là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hoá tốt đẹp, mỗi gia đình hạnh phúc sẽ là một viên gạch xây nền tảng của quốc gia hạnh phúc.
Luận bàn về hạnh phúc luôn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tựu chung lại, định nghĩa về hạnh phúc và cách tiếp cận với hạnh phúc càng đơn giản chúng ta sẽ càng nhẹ đi gánh nặng trên vai. Bà Nguyễn Thị Chắt ở xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), một thành viên trong gia đình kiểu mẫu “Tứ đại đồng đường” cho biết, gia đình bà có tới 11 thành viên cùng chung sống hòa thuận dưới một mái nhà. Với bà, để gia đình trong ấm ngoài êm, trước hết người trên phải gương mẫu trong lối sống, công bằng trong ứng xử hằng ngày. Có như vậy, các con các cháu mới tin tưởng, tôn trọng, có ý thức gìn giữ nếp sống mà người đi trước đang duy trì và trở thành truyền thống, sức mạnh văn hóa của cả gia đình. Tương tự, ông Vũ Tất Thông ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa (Hà Nội) cũng chia sẻ quan điểm về việc xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình mình, đó là bản thân mỗi thành viên đều phải giữ gìn cho được những giá trị văn hóa tốt đẹp, buông bỏ thiệt hơn trong tranh chấp để gia đình được yên vui, đầm ấm. “Khi người chồng nóng tính, thì người vợ cần giống như chiếc máy điều hòa, làm dịu không khí đúng lúc, đúng chỗ, như thế việc lớn sẽ thành nhỏ, việc nhỏ sẽ thành không có gì”, ông Thông chia sẻ.
Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức Gặp mặt, giao lưu các gia đình văn hoá tiêu biểu
Chúng ta vừa đi qua những ngày tháng 3 rất đặc biệt, với tràn ngập yêu thương, ấm áp, sẻ chia…, nhưng nó cũng đòi hỏi mỗi chúng ta phải thực sự lắng lại để suy nghĩ, quan tâm xem mình cần phải làm gì để lan tỏa và nhân lên niềm vui, làm thế nào để thực sự đem lại hạnh phúc cho nhau. Hưởng ứng ngày “Hạnh phúc cho mọi người” 20.3, nhiều hoạt động, sự kiện đã diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc, dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, dễ tiếp nhận, mang lại hiệu quả nhất định như: Hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm, diễn đàn, cuộc thi, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao, băng zôn, pa nô, áp phích…
Tại Thủ đô Hà Nội, Chương trình gặp mặt, giao lưu các gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở VHTT Hà Nội tổ chức đã thu hút hơn 100 gia đình văn hóa tiêu biểu từ 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố. Tại đây, các đại biểu đã cùng lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm trong xây dựng tổ ấm hạnh phúc, góp phần tạo lập sức mạnh nội sinh cho gia đình. Để từ đó thấy rằng, không phải cứ đứng trên đỉnh vinh quang hay có “cả thế gian trong túi” mới là hạnh phúc. Không nên cố để đạt được bằng mọi giá, nhưng hạnh phúc cũng chính là nguồn cội của mọi vấn đề, có hạnh phúc người ta mới có cảm hứng để sáng tạo, lao động, sản xuất. Ngược lại, kinh tế mạnh tới đâu chăng nữa thì cũng hướng tới cái đích cuối cùng là có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
THÚY HIỀN