Khi gia đình là một thực thể pháp lý

VHO- Một trong những cặp vợ chồng không có hôn thú nổi tiếng thế giới là Nhà triết học hiện sinh người Pháp Jan Paul Sartre và Nhà văn Simone de Beauvoir, khi được hỏi “vì sao lại không kết hôn chính thức?”, đã trả lời rằng: Tình yêu của chúng tôi cao hơn bất kỳ sự ràng buộc pháp lý nào! Có thể, sự nổi tiếng đã khiến họ không gặp rắc rối trong cuộc sống thường ngày, nhưng chắc hẳn, không phải cặp vợ chồng không hôn thú nào cũng thuận buồm xuôi gió như thế…

Khi gia đình là một thực thể pháp lý - Anh 1

 Cặp vợ chồng Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir

 Thiếu tờ hôn thú trong tay, các cặp đôi sẽ phải đối diện với rất nhiều vấn đề phức tạp, từ việc nhận trợ cấp phúc lợi, đăng ký khai sinh cho con cái, cho tới việc có được thuê chung một phòng trong khách sạn hay không? Nhưng điều quan trọng hơn cả là đằng sau một cuộc hôn nhân có tính pháp lý bao giờ cũng có bổn phận và trách nhiệm của gia đình với xã hội, cũng như sự thừa nhận của cả cộng đồng đối với gia đình và cá nhân.

Cha ông ta từ xa xưa đã coi trọng tính pháp lý của gia đình

Trên thực tế, cho đến nay vẫn còn nhiều người hiểu đơn giản rằng, thực chất của hôn nhân và gia đình chỉ là sự thỏa thuận giữa hai con người, là một “bản giao kèo tình cảm”, mà nếu thuận buồm xuôi gió thì sẽ được thực hiện trong suốt cuộc đời, còn không thì “đường ai người nấy đi”... Tuy nhiên, trong một xã hội có tổ chức, người vợ và người chồng không phải là những bên duy nhất của “bản hợp đồng hôn nhân”.

Nhà phê bình nổi tiếng người Anh Samuel Johnson cho rằng: “Đối với bản hợp đồng hôn nhân, chúng ta còn có một bên thứ ba nữa là xã hội… và nếu nó được thực hiện trong nhà thờ thì bên thứ ba đó là Đức Chúa Trời”. Bởi vậy, cũng theo S.Johnson “bản hợp đồng hôn nhân” không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng được xác lập hay phá bỏ. Nó còn phải tuân theo những nguyên tắc và chịu sự quy định, giám sát của xã hội…

Trong sự tồn tại của mọi quốc gia, mọi thời đại, gia đình luôn đòi hỏi tất cả các thành viên phải tôn trọng nguyên tắc giá trị pháp lý cơ bản trên. Điều đó không chỉ thể hiện mức độ tôn trọng gia đình mà còn cả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của gia đình như thế nào để gia đình tồn tại và góp phần vào việc phát triển xã hội.

Trước hết, chỉ những người đã kết hôn hợp pháp mới có quyền thực sự về mặt văn hóa để duy trì nòi giống và xây dựng những tình cảm gia đình bền vững. Có thể có những người đã kết hôn nhiều lần trong đời, và cũng có những người sống với nhau không cần hôn thú, nhưng những cuộc hôn nhân một vợ một chồng có hôn thú bao giờ cũng được coi là mối quan hệ đáng trân trọng, được luật pháp bảo vệ, chuẩn mực đạo đức xã hội thừa nhận và được coi là có văn hóa. Đó vẫn là mối quan hệ mà trong đó các chức năng của gia đình được tôn trọng, các hoạt động nuôi dưỡng giáo dục con cái, chăm sóc người già, hoạt động tình dục đã được hợp thức hóa…

Bởi vậy, hôn nhân hợp pháp đối với nhiều gia đình là một điều rất thiêng liêng. Theo truyền thống xưa, đời người thường phải thực thi 3 nghi lễ quan trọng nhất, đó là: Hôn nhân, tang ma và tế lễ. Hôn nhân là việc dựng vợ gả chồng, xây dựng gia đình; tang ma là việc hiếu cho những người thân đã quá cố; tế lễ là việc thờ cúng trời đất, ông bà tổ tiên. Việc coi những nghi thức công khai trong hôn nhân và gia đình là một trong những nghi lễ quan trọng nhất đã chứng tỏ cha ông ta ngày xưa đã coi trọng tính pháp lý của gia đình như thế nào…

Khó khăn trong việc thực thi quy chuẩn luật pháp tiến bộ về hôn nhân, gia đình

Thực tế cho thấy, ngày nay, mặc dù không quốc gia nào phủ nhận tầm quan trọng của những cuộc hôn nhân mang tính pháp lý, nhưng những quan điểm, quy định về tính pháp lý trong hôn nhân thì lại chưa thống nhất. Nhiều nước vẫn thừa nhận việc hôn nhân theo những chuẩn mực của phong tục, tập quán cổ truyền. Ở nhiều nước Hồi giáo, người chồng có thể lấy nhiều vợ và vẫn còn tồn tại nạn tảo hôn. Một số bang nước Mỹ thừa nhận những cuộc hôn nhân mà các đôi nam nữ chưa làm lễ ở nhà thờ hay không làm thủ tục đăng ký kết hôn, nếu như họ đã sống với nhau trong một thời gian tương đối lâu, là gia đình hợp pháp. Nhiều quốc gia cho phép anh chị em họ lấy nhau. Một vài khu vực thuộc miền Bắc Ấn Độ, một phụ nữ có thể có hơn một người chồng…

Có một chính trị gia của Nga gần đây đã làm cho nhiều người sửng sốt khi ông trình bày với Quốc hội một dự luật yêu cầu cho phép đàn ông có quyền lấy nhiều vợ. Ở quốc gia này, số lượng nữ giới nhiều hơn nam giới tới 9 triệu người, và họ hiện đang lâm vào tình trạng mất cân đối dân số nghiêm trọng. Lo sợ điều đó, vị chính trị gia ấy đã đề xuất chế độ đa thê, nhằm hình thành một thế hệ mới mà ông ta gọi là “Chó sói Nga”.

Ngay cả ở nước Mỹ cũng có nơi tồn tại chế độ đa thê. Khoảng từ 20.000 đến 50.000 người sống trong những gia đình bao gồm một người chồng với ít nhất là 2 người đàn bà là vợ. Mặc dù điều đó là không hợp pháp, nhưng từ những năm 50 cho đến nay, chính quyền nơi ấy cũng chưa hề có bất cứ một việc làm cụ thể nào để ngăn cản hành động này.

Cũng xuất phát từ tính pháp lý của gia đình mà đối với nhiều dân tộc, khi trai gái kết hôn với nhau, họ đã quan tâm tới khía cạnh pháp lý nhiều hơn là tình cảm. Đối với các cộng đồng này, tình yêu chỉ là thứ yếu, còn nghĩa vụ pháp lý mới là điều quan trọng. Các bậc cha mẹ cứ theo quan điểm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” mà thoải mái lựa chọn, xếp đặt các cuộc hôn nhân cho con cháu, chẳng cần phải ngó ngàng xem chúng có tình ý gì với nhau hay không?!

Ở nước ta, việc sống, lao động và học tập theo pháp luật ngày càng được tôn trọng. Chúng ta đã ban hành và thực hiện hàng loạt luật và văn bản dưới luật có liên quan đến lĩnh vực hôn nhân, gia đình như Luật hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình... Tuy nhiên, trong điều kiện mà văn hóa pháp lý của xã hội còn chưa cao, nhận thức của người dân và của các thành viên trong gia đình còn hạn chế, việc thực thi những quy chuẩn luật pháp tiến bộ nói trên còn gặp rất nhiều khó khăn.

Mặt khác, những nghiên cứu về gia đình trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở khía cạnh pháp lý của nó cũng cho thấy, trên thực tế những điều luật liên quan đến hôn nhân gia đình là một trong những thứ luật khó được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và đồng thời cũng dễ luồn lách nhất. Có nhiều điều luật bị vi phạm hoặc không được thi hành đầy đủ nhưng cũng không bị xử lý và không dễ bị xử lý.

Chúng ta có thể xử lý một kẻ trộm cắp, nhưng lại rất khó xử lý về pháp luật những kẻ ngoại tình, “những kẻ trộm cắp tình yêu của người khác”. Chúng ta cũng có thể dễ dàng xử lý những hành vi bạo lực trong xã hội nhưng lại rất lúng túng trong việc đưa các hành vi bạo lực trong gia đình ra pháp luật do những vấn đề nhạy cảm trong các mối quan hệ tình cảm, “máu chảy ruột mềm”... Ở nước ta cũng như rất nhiều nước khác, mặc dù tuổi kết hôn đã được quy định rõ ràng, chế độ hôn nhân một vợ một chồng cũng được khẳng định, nhưng các cơ quan pháp luật và tòa án vẫn chưa tìm ra những cách thức hợp lý để xóa bỏ hoàn toàn được nạn tảo hôn, nạn ngoại tình, vợ lớn, vợ bé, sống không hôn thú, khi hợp, khi tan…

Luật pháp, trong đó có luật pháp về gia đình, dù tiến bộ và văn minh đến mức nào thì việc đưa nó vào cuộc sống, áp dụng nó một cách có hiệu quả trong thực tiễn vẫn là vấn đề gặp nhiều khó khăn, trở lực. Rõ ràng, việc nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi thành viên trong xã hội và trong gia đình chính là yếu tố quan trọng nhất để quản lý, nâng cao vị trí, vai trò và chức năng của gia đình trong sự ổn định và phát triển xã hội. 

Chúng ta có thể xử lý một kẻ trộm cắp, nhưng lại rất khó xử lý về pháp luật những kẻ ngoại tình, “những kẻ trộm cắp tình yêu của người khác”. Chúng ta cũng có thể dễ dàng xử lý những hành vi bạo lực trong xã hội nhưng lại rất lúng túng trong việc đưa các hành vi bạo lực trong gia đình ra pháp luật do những vấn đề nhạy cảm trong các mối quan hệ tình cảm, “máu chảy ruột mềm”... Ở nước ta cũng như rất nhiều nước khác, mặc dù tuổi kết hôn đã được quy định rõ ràng, chế độ hôn nhân một vợ một chồng cũng được khẳng định, nhưng các cơ quan pháp luật và tòa án vẫn chưa tìm ra những cách thức hợp lý để xóa bỏ hoàn toàn được nạn tảo hôn, nạn ngoại tình, vợ lớn, vợ bé, sống không hôn thú, khi hợp, khi tan…

GS ĐẶNG CẢNH KHANH

Ý kiến bạn đọc