“Gỡ rối” tâm lý để phụ huynh đồng hành cùng con
VHO- Tuổi dậy thì là độ tuổi nhạy cảm, ở giai đoạn này tâm sinh lý của trẻ sẽ có những biến đổi vô cùng phức tạp. Do đó, phụ huynh cần quan tâm, chia sẻ đúng cách để có thể thấu hiểu và đồng hành cùng con. Nhân kỷ niệm 22 năm Ngày Gia đình Việt Nam, vừa qua, tại TTTM Takashimaya (TP.HCM) đã diễn ra talkshow chủ đề “Đọc vị tuổi dậy thì” với sự góp mặt của các khách mời là TS tâm lý học Tô Nhi A, diễn viên hài độc thoại Uy Lê và Phương Nam của nhóm Sài Gòn Tếu.
Các diễn giả tại buổi talkshow chủ đề “Đọc vị tuổi dậy thì”
Thấu hiểu những biến đổi của trẻ
Đối mặt với quá trình lớn lên của con em, đặc biệt là giai đoạn tuổi dậy thì, phụ huynh luôn mong muốn chia sẻ, thấu hiểu và giúp con mình trở nên tốt hơn. Tuy nhiên không phải những bậc làm cha, làm mẹ nào cũng biết cách lắng nghe, đồng hành cùng con dẫn đến khoảng cách giữa hai bên ngày càng xa dần. Buổi talkshow “Đọc vị tuổi dậy thì” do công ty TNHH Takashimaya tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam đã tạo điều kiện cho phụ huynh “gỡ rối” những vấn đề xoay quanh giai đoạn nhạy cảm này, từ đó thấu hiểu và trở nên gắn bó với con cái hơn.
Tại buổi trò chuyện, diễn viên hài độc thoại Uy Lê là một người có thể nói chân dung “con nhà người ta” khi anh luôn nằm trong top đầu, học chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đã cho biết, anh từng vướng mắc câu chuyện vượt qua những biến động tâm lý giai đoạn tuổi dậy thì. Theo đó, anh bày tỏ rằng mình ở độ tuổi dậy thì không được tự tin như bây giờ và bị so sánh với chính “con nhà mình” khi trong gia đình có anh, chị rất giỏi. Trong khoảng thời gian đó anh rất tự ti và không thừa nhận bản thân. Sự tự ti đó đi theo anh rất lâu và phải đến 25 tuổi anh mới trở nên tốt hơn. Qua đây, có thể thấy những so sánh giữa trẻ với bất kỳ ai trên thế giới đều là khập khiễng và biến trẻ trở nên tự ti, không dám thể hiện bản thân dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Đối với sự tự ti và những ảnh hưởng của nó đến quá trình lớn lên của trẻ, TS Tô Nhi A cũng đưa ra một số biểu hiện nhận biết tình trạng này ở trẻ. Từ góc độ khoa học tâm lý tất cả những yếu tố nội tâm của một người sẽ được bộc lộ qua hệ thống hành vi, mình có thể quan sát và nhận thấy sự tự ti của một bạn nhỏ qua những hành vi như biểu cảm khi nói chuyện không dám nhìn người đối diện, cách diễn đạt câu chuyện chưa được mạch lạc, tần suất những cuộc giao tiếp của trẻ với mọi người xung quanh ngày càng ít, không sẵn sàng tham gia các kết nối xã hội. Đồng thời, TS cũng đã chia sẻ một số giải pháp để phụ huynh có thể thấu hiểu và cùng con vượt qua những khó khăn của tuổi dậy thì. “Phụ huynh hãy thừa nhận các con từ những điều rất nhỏ như khen con mình, không chê bai, so sánh con với con nhà người ta và nếu khen thì phải khen trực quan cho trẻ biết được mình được khen trên mặt nào thì hành động đó mới được củng cố và sự tự tin mới được hình thành”, TS Tô Nhi A cho hay.
Bên cạnh đó, thay vì so sánh thì chị Tô Nhi A cũng chia sẻ một phương pháp giáo dục Nêu gương đến phụ huynh. “Gợi ý cho con những khó khăn mà con đang gặp đã được giải quyết bởi một ai đó, ví dụ như là: Mẹ thấy tới chỗ đông người con hơi run, mẹ thấy người ta làm những cách sau đây để hết run, con thử đi. Từ đó, chúng ta sẽ gợi ra những tiêu chuẩn phát triển cho trẻ, để trẻ biết mình cần phải làm gì cho đúng”, TS cho biết.
Các bạn trẻ đặt câu hỏi cho diễn giả
Không là đối thoại “một chiều”
Tại buổi trò chuyện, TS Tô Nhi A cũng đã dành lời khuyên đến phụ huynh có con đó là chính mình cần chủ động kết nối với các con. Chị chia sẻ: “Để kết nối với con trẻ thì điều đầu tiên đó là không bị áp lực mình phải là ông bố, bà mẹ tài giỏi. Thực ra phụ huynh mắc một nỗi sợ mà từ nỗi sợ này họ lựa chọn không giao tiếp với các con, đó là mình không trả lời được những câu hỏi và lựa chọn tuyệt giao. Vậy thì phụ huynh hãy bước ra nỗi sợ về “bách khoa toàn thư” vì những đứa trẻ không đòi hỏi ba mẹ phải trở thành một siêu nhân và các bước phụ huynh cần thực hành để có thể giao tiếp với con đó là hãy lắng nghe một cách cởi mở, đối với những câu hỏi của con nếu câu nào trả lời được thì mình trả lời, câu nào không trả lời được thì mình thừa nhận và cùng con tìm câu trả lời”. Thông qua quá trình tìm lời giải đáp thì trẻ cũng đã học tập được tinh thần cầu tiến và học tập từ cha mẹ, đó là quá trình đồng hành cùng nhau và giúp cho con trẻ phát triển tốt hơn.
Để phụ huynh và con cái có thể cùng nhau vượt qua giai đoạn nhạy cảm này, thì sự cố gắng không chỉ đến từ một hướng mà còn cả sự mở lòng và chia sẻ từ hai bên. Anh Phương Nam, diễn viên hài độc thoại nhóm Sài Gòn Tếu cũng chia sẻ, trong gia đình anh lựa chọn mở lòng và chia sẻ với cha mẹ mình. Ví dụ như ở giai đoạn khi ba anh quyết định nghỉ hưu sớm về với gia đình và gặp phải những sang chấn khi về hưu và tìm đến bia rượu thì anh quyết định ngồi cùng ba và lắng nghe những chia sẻ của ba mình, sau khi trò chuyện, lắng nghe nhau thì mối quan hệ giữa hai người trở nên gắn kết hơn. Còn đối với Uy Lê, anh dành cho các bạn trẻ lời khuyên đó là hiểu mình trước khi đòi ai khác phải hiểu cho mình. Bản thân phải có trách nhiệm đi tìm những thông tin, những cách để hiểu bản thân và khi mình hiểu rõ vấn đề thì mình mới có thể tỏ bày với cha mẹ được.
Đến với buổi trò chuyện, khán giả không chỉ được lắng nghe những chia sẻ và lời khuyên mà còn được giao lưu và đặt câu hỏi đến các khách mời. Bạn Học Quyên (quận Tân Bình) cũng chia sẻ khi tham gia buổi trò chuyện này: “Mình tình cờ đi ngang và may mắn được lắng nghe buổi trò chuyện từ cô Nhi A và các anh nhóm Sài Gòn Tếu, thì mình cảm thấy rất có ích giúp mình suy nghĩ khách quan hơn đó là bản thân cũng cần trò chuyện với ba mẹ của mình nhiều hơn”.
Buổi talkshow không chỉ giúp cho phụ huynh có thể “gỡ rối” và khám phá thêm về thế giới của con trong độ tuổi dậy thì mà còn giúp cho các bạn trẻ có một tâm thế thoải mái và sẵn sàng trải lòng với cha mẹ hơn. Từ đó, các thành viên trong gia đình xóa bỏ khoảng cách thế hệ và gắn kết với nhau.
MỘNG THÚY