Gia đình là tấm “barie” bảo vệ trẻ em
VHO- Chia sẻ tại buổi giao lưu và giới thiệu sách Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý diễn ra tại Đường Sách TP.HCM vào cuối tuần qua, TS tâm lý Lê Nguyên Phương nhấn mạnh, chấn thương tâm lý đe dọa kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng đến sự phát triển, trưởng thành của trẻ em rất nặng nề.
Tại buổi giao lưu, TS Lê Nguyên Phương đã mang đến những kiến thức thông tin rất bổ ích cho các bậc phụ huynh
Cụm từ “chấn thương tâm lý” từ lâu đã không còn là quá xa lạ đối với mỗi chúng ta. Nói đến chấn thương tâm lý, hầu hết mọi người đều hình dung nó đến từ những sự kiện dữ dội thời thơ ấu như bị bạo hành thể xác, bị xâm hại tình dục, tai nạn, trải qua biến cố lớn… Nhưng trên thực tế, nó cũng có thể đến từ các sự kiện thường tình như trẻ bị té ngã, đi khám chữa bệnh, phẫu thuật y tế, thú cưng qua đời hay cha mẹ ly hôn… Có một sự thật không thể phủ nhận rằng, dù cha mẹ có thật sự bảo vệ con mình một cách tỉ mỉ và cẩn thận nâng niu đến mức nào đi chăng nữa thì những chấn thương tâm lý vẫn sẽ luôn xảy ra đối với con mình ở mức độ lớn hay nhỏ.
Làm thế nào để biết được trẻ em đang mắc phải những chấn thương tâm lý? Có sự khác nhau về chấn thương tâm lý ở người lớn và trẻ em hay không? Cách để giúp trẻ thoát ra khỏi những chấn thương ấy… Đó là những câu hỏi được nhiều bậc phụ huynh đặt ra tại buổi giao lưu cùng TS Lê Nguyên Phương tại Đường Sách TP.HCM. Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em thì biểu hiện của chấn thương tâm lý chính là qua các hành vi tâm lý như khóc lóc, bám lấy người lớn khi chúng chưa đủ khả năng thể hiện lời nói hay lớn hơn sẽ bộc lộ bằng các hành vi gây hấn, biểu lộ bất thường về mặt cảm xúc hoặc trở nên vô cảm. Về mặt sinh lý, đôi khi cũng có những biểu hiện như sốt, ho, nôn mửa… Từ những biểu hiện của trẻ nhỏ khi gặp phải, người lớn cần tìm hiểu để biết rõ nguyên nhân và có phương pháp khắc phục trẻ thoát khỏi những chấn thương tâm lý để không xảy ra những sự việc đáng tiếc.
Rõ ràng, những chấn thương này có thể xuất phát từ những sự việc con được trực tiếp hay gián tiếp chứng kiến, trải qua đối với những việc xung quanh của đời sống. Chính vì thế, với cuốn Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý của tác giả, chuyên gia tâm lý Maggie Kline và Peter A. Levine, những kiến thức bổ ích, cẩm nang quý báu không chỉ cho các bậc cha mẹ mà còn cả những chuyên viên tâm lý, tham vấn, công tác xã hội lâm sàng và trong trường học. Qua các câu chuyện trong sách, tác giả sẽ kể lại quy trình từng bước sử dụng liệu pháp thân nghiệm qua trò chơi trong việc điều trị chấn thương tâm lý, rất hữu ích cho các bậc phụ huynh trong bảo vệ con em mình trước những chấn động tâm lý.
Trong cuốn sách Bảo vệ trẻ em trước chấn thương tâm lý của tác giả Maggie Kline và Peter A. Levine đã đề cập đến phương pháp chữa trị thông qua xây dựng và thực hành kỹ năng nhận thức cảm giác, bằng trò chơi, bằng nghệ thuật, bằng tình huống cụ thể… Đây là những phương pháp phổ biến được nhiều nước trên thế giới áp dụng khi chữa trị cho các đối tượng mắc phải những chấn thương tâm lý hiện nay. Như với biện pháp chữa trị chấn thương tâm lý bằng nghệ thuật với các bộ môn như vẽ tranh, tô màu… sẽ giúp trẻ điều chỉnh được tâm lý, xử lý cảm xúc và dễ dàng đánh lạc hướng trẻ khỏi sự sợ hãi hay nỗi lo âu và có lẽ đây cũng là phương pháp hữu hiệu nhất. Như nhà họa sĩ thiên tài người Tây Ban Nha - Picasso cũng từng khẳng định: “Nghệ thuật gội rửa tâm hồn khỏi những bụi bặm của đời sống hằng ngày”.
TS Lê Nguyên Phương, người đầu tiên nhận giải Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất của tổ chức International School Psychology Association (ISPA) cũng có những chia sẻ về sự quan trọng của cha mẹ đối với việc chữa lành những chấn thương tâm lý của trẻ em. Theo đó, ông cũng nêu lên những ý kiến rằng, những đối tượng mắc phải chấn thương tâm lý có điều kiện để kể lại những chấn thương của bản thân, được chia sẻ nhiều hơn thì có khả năng dần hồi phục. Đồng nghĩa đó, cha mẹ phải là người đồng hành cùng con trẻ, để tâm đến những thay đổi bất thường của con mình để có thể can thiệp kịp thời.
HỒNG HẠNH - HUYỀN DIỆU