Đường trở về của những cô gái bị lừa bán

VHO- Sùng, cô gái người Mông bị lừa bán sang Trung Quốc khi 22 tuổi, trong vòng 2 năm, cô bị bán cho 5 người đàn ông. Họ coi cô là nô lệ, tra tấn và lạm dụng tình dục đến mức cô quên cả cách la hét, chỉ còn biết cắn răng chịu đựng…

Đường trở về của những cô gái bị lừa bán - Anh 1

 Chị Phao được dự án Hagar hỗ trợ ổn định tâm lý và sinh kế sau khi trở về quê hương

 Khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng

Sùng quê ở Yên Bái, sinh ra trong một gia đình khó khăn, cô không được đi học như các bạn cùng trang lứa, không được dạy cho biết cái chữ mà chỉ dạy cách trồng ngô, trồng khoai. Năm 2017, Sùng quen một người đàn ông qua điện thoại, sau thời gian ngắn trò chuyện, họ quyết định gặp mặt nhau. Hắn mời Sùng uống nước và cô mê man lịm đi, lúc tỉnh dậy mới biết mình đã bị bán sang Trung Quốc.

Trong vòng 2 năm sống trong “địa ngục”, Sùng bị nhốt trong nhà, bị hành hạ, đánh đập, lạm dụng tình dục và không có bất kỳ cơ hội nào để liên lạc với bên ngoài. May mắn cho Sùng khi nhà người đàn ông thứ 5 gần với một gia đình có người Việt Nam, cô đã cầu cứu và được họ giúp bỏ trốn, đưa tới cửa khẩu biên giới Việt Nam. Tại đây, Sùng đã tự mua sim điện thoại và gọi người nhà ra đón.

Trường hợp của Sùng chỉ là một trong gần 1.300 vụ mua bán người từ năm 2015-2020 được Bộ Công an thống kê. Thực tiễn đấu tranh với tội phạm mua bán người cho thấy, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng, đẻ thuê… Nạn nhân chủ yếu bị bán sang các nước láng giềng của Việt Nam (chiếm khoảng 86%), còn lại là đưa sang các nước khác thông qua đường hàng không hoặc đường biển.

Câu chuyện của Phao cũng rất đau lòng, cô không được đi học và phải lấy chồng ở tuổi 17, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc bởi người chồng độc đoán và gia trưởng. Lần ấy, Phao được người phụ nữ hàng xóm rủ lên thành phố chơi, đến nơi họ được một người đàn ông đưa đi tham quan. Ông ta dẫn hai người lên Lào Cai và bán họ qua biên giới. Ở nơi đất khách quê người, Phao không có giấy tờ tuỳ thân, không được đăng ký kết hôn nên sống như “người vô hình”, bị bóc lột cả sức lao động và tình dục đến kiệt quệ. Nhớ nhà, nhớ các con nên Phao quyết tâm trốn về. May mắn cho Phao, trên đường đi trốn cô đã tìm được đến đồn công an Trung Quốc. Cầu cứu bằng tiếng H’Mông và bập bẹ vài câu tiếng Trung ít ỏi, họ đã giúp cô trở về an toàn, được đoàn tụ với gia đình và các con.

Tuy nhiên trên thực tế, sau khi được giải thoát, hầu hết nạn nhân đều bị sang chấn tâm lý nên rất khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng. Trong bối cảnh đó, tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái thực hiện dự án “Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch Covid-19” với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, được triển khai tại 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu trong thời gian từ ngày 1.11.2021 tới 31.10.2022.

Tìm lại được hy vọng

Quay trở lại câu chuyện của Sùng. Sau khi trở về, công an khu vực đã mời cô tới để lấy thông tin, điều tra và đến cuối năm 2019, những kẻ lừa bán cô đã phải nhận hình phạt thích đáng. Tuy nhiên, nó không thể xóa mờ đi nỗi đau, ký ức kinh hoàng mà Sùng đã phải trải qua trong quá khứ, những ám ảnh khiến cô luôn mặc cảm và suy sụp. Nhưng rồi một người đàn ông tốt đã xuất hiện, chia sẻ và động viên, giúp cô hòa nhập với cuộc sống, đến nay họ đã là cặp vợ chồng hạnh phúc. Sùng còn nhận được sự trợ giúp sinh kế của dự án Hagar, có vốn làm ăn và đang ngày càng ổn định với công việc chăn nuôi dê, con cái tự tin đến trường. Với Phao, qua sự kết nối của Hội LHPN tỉnh, dự án Hagar cũng đã hỗ trợ để hàn gắn và tiếp thêm sức mạnh cho cô. Đến nay, Phao đã trở thành thành viên của cộng đồng tự lực trong làng. “Tôi đã từng đối mặt với rất nhiều sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Giờ đây, nhờ được hỗ trợ vốn, gia đình tôi đang dần tốt hơn, tôi đã tìm lại được hy vọng”, Phao chia sẻ.

Trong khuôn khổ dự án, các hoạt động được thiết kế hướng tới hỗ trợ nạn nhân bị mua bán vượt qua tổn thương để được hàn gắn và phục hồi. Bà Hoàng Phương Thúy, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái cho biết, dự án đã tổ chức 21 sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức về các dấu hiệu, hình thức mua bán người cũng như những kênh liên hệ hỗ trợ. Tính đến hết tháng 10, dự án đã thực hiện hỗ trợ 20 nạn nhân. Các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, y tế, sinh kế, sơ cứu tâm lý, giáo dục, nhu cầu thiết yếu được cung cấp theo đúng nhu cầu và đề xuất của nạn nhân mua bán người và người có trải nghiệm bị mua bán. Những hỗ trợ sát sườn, thiết thực không chỉ là liều thuốc tinh thần giúp các nạn nhân thêm vững tin khi biết mình không bị bỏ lại phía sau, mà còn giúp họ xây dựng nền tảng cơ bản về việc làm và tài chính để nhanh chóng bắt kịp cuộc sống bình thường. “Tôi được tham gia lớp học chữ của dự án. Bây giờ, tôi đã có thể nghe hiểu mọi người nói chuyện bằng tiếng Kinh. Điều này sẽ hỗ trợ tôi trong công việc và cuộc sống hằng ngày”, một nạn nhân bị mua bán bày tỏ.

Tại buổi tổng kết Dự án “Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch Covid-19” được tổ chức tại Hà Nội mới đây, các bên liên quan gồm đại diện Tổng đài 111 - Cục Trẻ em, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH), Hội LHPN tỉnh Yên Bái, các ban, ngành lãnh đạo của 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, cùng đại diện các tổ chức quốc tế… đã chia sẻ về các hoạt động của dự án và quá trình phối hợp nhằm chấm dứt nạn mua bán người dưới mọi hình thức. Để dự án phát huy hiệu quả, theo bà Giang Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, cần tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả các nhóm phản ứng nhanh, các cán bộ phụ trách vấn đề này tại địa phương. Song song với đó, việc truyền thông nâng cao nhận thức người dân cũng vô cùng cấp thiết, cần được triển khai sâu rộng và lâu dài nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tới các dịch vụ hỗ trợ dành cho nạn nhân mua bán người. 

NGUYỆT MINH

Ý kiến bạn đọc