Đừng sợ, hãy nói lên điều cần nói!
VHO- Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ ở vùng dân tộc miền núi phải chịu bạo hành về thể chất và tinh thần từ chính người chồng. Đó là những trận đòn trong những cơn say, là những lời mắng chửi thậm tệ nếu không được như ý muốn...
Phụ nữ dân tộc thiểu số phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống
Thế nhưng họ, những phụ nữ người dân tộc thiểu số chỉ biết cam chịu, ít dám nói lên sự thật.
Chồng cho đi mới được đi
Chị Nguyễn Thị Sua (45 tuổi, dân tộc Mông, Điện Biên) luôn phải chịu cảnh như vậy, mỗi khi say rượu là chồng lại không tiếc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ”. “Ông ấy cứ uống rượu say là nằm vật ra ở bất cứ đâu, kể cả ở ngoài đường. Tôi và con gái phải lấy xe chở ông ấy về. Nhưng về tới nhà là ông ấy đánh tôi. Đánh nhiều đến mức cơ thể chằng chịt vết thương, đau ê ẩm. Đau khổ, tủi hổ nhiều lắm nhưng tôi vẫn phải chịu đựng”, chị Sua nói.
Trong khi đó, chị Vàng Thị Chang (35 tuổi, Điện Biên) cho biết, chị đi đâu, làm gì, với ai cũng bị chồng tra hỏi, nếu chồng đồng ý mới được đi. “Chồng cho mình là chủ tất cả, thích đuổi thì đuổi, cho ở thì được ở, cho đi mới được đi. Chồng tôi thường nói lấy tôi là mua rồi, nên có quyền. Đau xót nhất là chồng mắng chửi cả bên ngoại bảo bố mẹ tôi không biết dạy con. Những lúc như thế thấy mình nhỏ nhoi quá”, chị Chang chia sẻ.
Câu chuyện của chị Sua, chị Chang được chia sẻ tại hội thảo Dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới tại cộng đồng: Chính sách, thực tiễn và giải pháp đó Viện phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) cùng tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới (GBV.net) tổ chức, đã gây xúc động cho nhiều người tham dự. Bà Khuất Thị Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS cho biết, mới đây đơn vị của bà cũng đã có những nghiên cứu cụ thể về bạo lực giới trong nhóm cộng đồng người dân tộc thiểu số. Có 2 loại bạo lực phổ biến đang gây tổn thương cho nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số. Đó là bạo lực gia đình và bạo lực đến từ các tập tục bất lợi cho trẻ em gái. Bà Hồng cũng dẫn lại con số được công bố tại Điều tra Quốc gia về bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 vừa được công bố, như 63% phụ nữ đã, đang bị bạo lực tới thời điểm khảo sát. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực khá cao. Phụ nữ dân tộc Nùng bị bạo lực thể xác và tình dục cao hơn các dân tộc khác chiếm tới 42,36% so với dân tộc kinh là hơn 32%. Có tới gần 55% phụ nữ Mông bị kiểm soát, không được nói lên suy nghĩ của mình, không được đi tới nơi mình muốn.
“Kết quả nghiên cứu về bạo lực giới cũng khá tương đồng với kết quả kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện. Theo đó, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người từng phải chịu một hoặc hơn 1 hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời. Phần lớn phụ nữ chấp nhận bạo lực” bà Hồng nói.
Càng im lặng càng trầm trọng
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT cho hay, hầu hết phụ nữ (90% người bị bạo lực giới) không dám và không thể tìm đến với các dịch vụ hỗ trợ. Điều này khiến chị em phải chịu đựng bạo lực trầm trọng hơn. “Có tới 70 - 80% chị em trong bản thường xuyên gặp phải các hình thức bạo lực, cả bạo lực giới, bạo lực gia đình”, bà Giang nêu.
Hiện nay, tình trạng bạo lực với phụnữvẫn được che giấu do định kiến giới còn kháphổbiến trong xãhội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và“văn hóa đổlỗi” là những rào cản khiến người bịbạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Bạo lực đối với phụ nữ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ.
Tại Việt Nam, đã có sự hiện diện của các dịch vụ trợ giúp pháp lý, tư vấn Tâm lý và nhà tạm lánh hỗ trợ cho người bị bạo lực giới từ trung ương tới xã, thôn. Tuy vậy, sự hiện diện của từng dịch vụ tại các cấp khác nhau với từng loại hình dịch vụ có sự khác biệt. Dịch vụ trợ giúp pháp lý hiện diện xuyên suốt từ trung ương tới địa phương nhưng nhà tạm lánh và dịch vụ tư vấn thì mới chỉ có ở trung ương và một số tỉnh. Sự hiện diện chưa đồng đều của các loại hình dịch vụ đã là vấn đề, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đối với nạn nhân cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều trường hợp người bị bạo lực giới không có khả năng tiếp cận các dịch vụ trợ giúp, đặc biệt là người bị bạo lực tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người bị bạo lực tìm kiếm các biện pháp bảo vệ chính thức còn thấp, đặc biệt là nạn nhân bị quấy rối tình dục, bạo lực tình dục do tâm lý e ngại, xấu hổ.
Tuy nhiên, sau 3 năm tham gia dự án dự án nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nhận thức, thái độ của các chị đã có thấy đổi đáng kể. “Trước đây chị em hay cam chịu, nhưng giờ nhờ được truyền thông một số chị em cũng đã dám nói lên tiếng nói của mình”, bà Lường Thị Hiền, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên (Điện Biên) chia sẻ.
Dự án đã đưa ra các chương trình hành động, đề ra các giải pháp đặc thù dựa trên đặc điểm của các nhóm dân tộc thiểu số, có tính đến các yếu tố ngôn ngữ, khoảng cách địa lý. Đặc biệt, cải thiện chất lượng dịch vụ ngay tại cộng đồng, hướng tới tận thôn bản, để chính họ hỗ trợ cho nhau. Tại hội thảo, các vấn đề và giải pháp về mặt chính sách và phương hướng thực hành cung cấp dịch vụ cho người bị bạo lực một cách hiệu quả hơn đã được đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và gia đình, các chuyên gia, các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực và đại diện phụ nữ dân tộc thiểu số đã trao đổi thẳng thắn và thống nhất để xây dựng nên những khuyến nghị chính sách trong thời gian tới.
NGUYỆT MINH