Đừng coi thường trầm cảm tuổi “teen“

HƯƠNG GIANG

VHO - Bạn nghĩ sao về việc ngày càng có nhiều vụ sát hại mà đối tượng phạm tội đang còn lứa tuổi học sinh? Bạn có đau lòng khi đọc tin: “Ngày càng có nhiều bạn trẻ tự tìm đến cái chết”? Hầu hết nguyên do của những hành động dại dột ấy đều bắt nguồn từ trầm cảm, rối loạn lo âu hay mất cân bằng về hành vi, cảm xúc. Để hạn chế tối đa những điều không mong muốn xảy ra trong gia đình mình, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục.

Đừng coi thường trầm cảm tuổi “teen“ - ảnh 1

Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết trầm cảm

Theo các chuyên gia, trầm cảm thường khởi phát ở trẻ em trên mười tuổi. Độ tuổi mà chúng ta vẫn gọi là tuổi dậy thì hay “tuổi ô mai” lúc chua lúc ngọt. Có nhiều nguyên nhân và thật khó để khẳng định đâu là nguyên nhân chính.

Có thể do ký ức không vui thời thơ ấu, mất mát người thân hoặc bất cứ một khoảnh khắc đáng thất vọng nào đó. Bạn có nhớ câu thoại trong một vở hài kịch: “Một chiếc lá rơi cũng làm em hoảng sợ”, bệnh lý đến với con trẻ cũng đơn giản như vậy.

Ngay cả bầu trời u ám ngày đông, những ngày mưa phùn ảm đạm cũng gây nên triệu chứng trầm cảm theo mùa.

Thậm chí, những tình huống phức tạp hơn như bị bạn bè miệt thị, áp lực điểm số, khủng hoảng thay đổi môi trường... Đó là lý do các chuyên gia tâm lý thường không vội vàng khẳng định nguyên nhân gây bệnh.

Các triệu chứng chính thường gặp ở trầm cảm tuổi vị thành niên bao gồm:

- Rối loạn giấc ngủ. Các con thường mất ngủ vào ban đêm, ngủ nhiều vào ban ngày. Khi tỉnh dậy thường mệt mỏi bởi đã trải qua một giấc ngủ không chất lượng. Thậm chí các con hay gặp ác mộng và giật mình thức giấc, tiểu tiện nhiều về đêm...

- Chán ăn hoặc ăn liên tục bởi những cơn stress khiến cân nặng thay đổi bất thường

- Rối loạn cảm xúc, lúc buồn lúc vui

- Khi bệnh đến giai đoạn nặng hơn, con mất dần khả năng giao tiếp xã hội. Đó là câu trả lời cho thắc mắc của cha mẹ: Vì sao con hay đeo khẩu trang? Vì sao con không chào hỏi? Vì sao con không nói chuyện, không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn...

- Nghiền ngẫm liên tục, các suy nghĩ thường mang xu hướng tiêu cực

- Con mất động lực học tập, kết quả giảm sút do suy giảm trí nhớ hoặc mệt mỏi.

- Con sử dụng chất kích thích hoặc có hành vi kích động, tự làm hại bản thân...

Cha mẹ cần làm gì khi phát hiện con có biểu hiện bệnh

Để phù hợp sự phát triển của xã hội hiện đại, một số trường học đã chú trọng việc hỗ trợ tâm lý tuổi học đường.

Các em học sinh gặp vấn đề về tâm lý, cảm xúc, cảm thấy áp lực trước kỳ thi có thể gửi email, thư tay, điện thoại hoặc trao đổi trực tiếp với chuyên gia tại phòng tâm lý học đường để các em lấy lại cân bằng trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trăm hoa muôn màu, mỗi em học sinh sẽ gặp phải tình huống khác nhau, đối mặt với những cảm xúc khác nhau và sức chịu đựng cũng không giống nhau. Lúc này, sự quan tâm của thầy cô, cha mẹ vô cùng quý giá.

Trước hết, cha mẹ hãy quan sát kỹ và dũng cảm đón nhận sự thật. Các vấn đề liên quan đến tâm lý thường phức tạp bởi chúng ta không thể biết được chính xác những điều đang diễn ra trong cơ thể người khác và con của bạn chưa đủ trưởng thành để đối diện và bộ lộ khó khăn của mình.

Tuy nhiên, nếu con chỉ có một vài dấu hiệu nhỏ như trằn trọc khó ngủ, uể oải, chán ăn, lười học... bạn không cần quá lo lắng, có thể hướng dẫn con tập thể dục, nghỉ ngơi khoa học sẽ cải thiện đực phần nào.

Mặt khác, khi thấy con có đa số các biểu hiện trên hoặc trầm trọng hơn, bạn hãy sớm động viên con đến chuyên khoa để kiểm tra sức khỏe.

Tại phòng khám, bác sĩ dựa trên biểu hiện khi tiếp xúc ban đầu sẽ cho con làm những xét nghiệm và bài kiểm tra chuyên môn cần thiết. Sau khi đánh giá mức độ bệnh, họ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

Mong bạn hãy vững vàng niềm tin, thể hiện sự lạc quan và cùng con chiến đấu với khủng khoảng.

Cần làm gì đối với trẻ vị thành niên mắc chứng trầm cảm

Đồng hành cùng các con là điều quan trọng mang yếu tố quyết định trong việc điều trị dứt điểm trầm cảm ở trẻ vị thành niên.

Có những bạn trẻ mắc chứng rối loạn lo âu, những bạn nặng hơn có thể biểu hiện rối loạn hành vi, rối loạn kết nối trong các mối quan hệ... các con được chỉ định điều trị bằng thuốc song song với liệu pháp trị liệu tâm lý đều đặn.

Món quà lớn nhất với các con lúc này là có gia đình bên cạnh. Cha mẹ hãy cố gắng điều chỉnh cảm xúc của bản thân và tạo cho con không gian sống thoải mái.

Ngoài ra gia đình hãy kết hợp với nhà trường, thầy cô, cùng tham gia những hoạt động tập thể bổ ích, lắng nghe, chia sẻ cùng con nhiều hơn. Bên cạnh đó, gia đình cũng nên bổ sung dinh dưỡng với thực đơn phong phú, đúng giờ, đủ chất để các con đủ sức khỏe sinh hoạt và học tập.

Đối với lứa tuổi vị thành niên, các con đang dần thay đổi tâm sinh lý để trở thành những người đàn ông, những phụ nữ trưởng thành. Thế hệ trẻ hôm nay, đa số các con phải “vượt sướng” – điều được cho là gian nan hơn vượt khổ rất nhiều.

Các con tiếp xúc với công nghệ thông tin, những áp lực ồ ạt đến và những tình huống chưa từng gặp phải khiến chúng bối rối tìm cách giải quyết. Bởi thế, khủng hoảng học đường là vấn đề không còn xa lạ với mỗi gia đình, nhà trường và xã hội.

Khi trò chuyện với con hãy thật kiên nhẫn và có lý lẽ. Dần dần, bạn sẽ tạo được niềm tin ở con, bạn và con đều cần thời gian để thấu hiểu đối phương, cởi mở và bình thường hóa quan hệ.

Chắc chắn rằng, mỗi người cha người mẹ chỉ cần chú tâm quan sát, bản năng sẵn có sẽ mách bảo bạn cách thức đồng hành và hỗ trợ con vượt qua giai đoạn khó khăn của tuổi dậy thì.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc