Đồng hành cùng gia đình trẻ xây dựng hạnh phúc
VHO - Nhằm góp phần tạo dựng một xã hội an toàn, hạnh phúc, 4 năm qua, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc nhằm ghi nhận sự phấn đấu của các cặp vợ chồng trẻ trong hành trình vun đắp, lan tỏa giá trị của gia đình và trang bị kỹ năng cho thanh niên trong việc xây dựng mái ấm hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ…
Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam về chương trình và hiệu quả thiết thực mang lại.
P.V: Thưa anh, hiện nay các gia đình trẻ thường gặp khó khăn, thách thức như thế nào về kinh tế, nuôi dạy con cái, gắn kết các mối quan hệ...?
- Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam: Trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, gia đình luôn là chiếc nôi để hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách con người. Ðối với phần lớn người Việt Nam chúng ta, gia đình luôn là mối quan tâm hàng đầu, vì đây là tổ ấm, là nơi chúng ta được yêu thương và chia sẻ tình yêu thương. Xây dựng hạnh phúc cũng chính là xây dựng tổ ấm gia đình, vun đắp và lan tỏa tình yêu thương cho tất cả mọi người. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam tồn tại và phát triển với những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng nên nền văn hóa Việt Nam với đặc trưng hòa thuận, hiếu thảo, khoan dung, chung thủy…
Trong những năm trở lại đây, dưới sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế phát triển đã tạo ra nhiều cơ hội và nâng cao chất lượng sống của nhiều gia đình. Về mặt tích cực, giá trị và những chuẩn mực đạo đức gia đình truyền thống vẫn được kế thừa và phát triển trong điều kiện mới, cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn về vật chất và văn minh hơn về tinh thần, về mối quan hệ bình đẳng, dân chủ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái... Tuy nhiên, bên cạnh đó là những thách thức, tác động không nhỏ tới cuộc sống, đạo đức gia đình nói riêng. Một số giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam có biểu hiện xuống cấp, mai một; mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về lối sống, quan điểm, phép ứng xử ở góc độ nào đó đang phá vỡ nề nếp gia phong của gia đình truyền thống Việt Nam.
Trong dòng chảy đó, gia đình trẻ cũng đang chịu nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống… Chính vì vậy, việc quan tâm con cái, chia sẻ giữa vợ và chồng cũng ít đi và hệ quả là sự bức xúc, xung đột trong cuộc sống càng tăng lên.
Vừa qua, Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố chương trình Gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024, vậy các gia đình đã được tuyển chọn như thế nào, thưa anh?
- Vào đúng Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần PNJ đã tổ chức họp báo công bố về Chiến dịch truyền thông xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc và Ngày hội “Gia đình trẻ hạnh phúc” năm 2024 với chủ đề “Bên nhau mình là nhà”.
Năm nay, chương trình lựa chọn các gia đình trẻ với điều kiện là phải có Chứng nhận kết hôn theo đúng Luật Hôn nhân và gia đình; tuổi không quá 35 (tức là sinh từ năm 1989 trở về sau); gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia công tác xã hội; có những nỗ lực, cố gắng nổi bật để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; thực hiện tốt vai trò chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con cái; gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, có tinh thần làm giàu cho bản thân và giúp đỡ người khác; có uy tín trong cộng đồng, được UBND xã, phường, thị trấn trao Giấy công nhận Gia đình văn hóa.
Trải qua 4 năm tổ chức (từ 2020 đến nay), chương trình đã tuyên dương được bao nhiêu gia đình trẻ và anh đặc biệt ấn tượng về gia đình nào không, thưa anh?
- Từ năm 2020 đến nay, chương trình đã vinh danh 78 gia đình trẻ tiêu biểu trong xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc”. Chương trình cũng hướng đến mục tiêu tăng cường tuyên truyền trong các cấp hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của gia đình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bản thân; bổ sung kiến thức, kỹ năng trước khi xây dựng gia đình. Qua đó biểu dương và tôn vinh những gia đình trẻ điển hình, tiêu biểu để lan tỏa các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình đối với sự phát triển của xã hội, đồng thời phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển...
Trong 78 gia đình trẻ được vinh danh, gia đình nào cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, vì mỗi gia đình là một câu chuyện riêng, nhưng chung quy lại đều cùng nhau hướng đến xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Anh có thể cho biết về ý nghĩa của chương trình và sự lan tỏa trong cộng đồng như thế nào?
- Năm nay, chủ đề “Bên nhau mình là nhà” được BTC cân nhắc và lựa chọn rất kỹ, với mong muốn sẽ lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tình yêu, hôn nhân và gia đình, đồng thời khẳng định: Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình ta phải kiến tạo suốt đời, và mái nhà là nơi nuôi dưỡng tình yêu, nơi sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn của mỗi thành viên!
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Chiến dịch, chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông về “hạnh phúc trong gia đình thanh niên” trên mạng xã hội, xuyên suốt từ tháng 6-10.2024, với chuỗi sự kiện ấn tượng cùng sự góp mặt của các gia đình trẻ nổi tiếng, có sức ảnh hưởng với giới trẻ. Mong rằng, thông qua chương trình, đông đảo thanh niên, hội viên và cộng đồng xã hội sẽ cùng tích cực xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, góp phần tạo nên một xã hội ngày càng tốt đẹp.
Xin cảm ơn anh!