Đối tượng xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng
VHO- Năm 2019 dần khép lại song điều đáng buồn là số vụ xâm hại, bạo hành trẻ em trên địa bàn TP.HCM có dấu hiệu gia tăng hơn so với năm 2018. Lo ngại hơn nữa là, đối tượng xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, trong số đó có nhiều người có trình độ học vấn, có công việc ổn định thậm chí có địa vị xã hội.
Nạn nhân số vụ bạo hành xâm hại trên địa bàn TP.HCM có dấu hiệu gia tăng. Ảnh: Bé Hiếu, nạn nhân vụ bạo hành nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy
Theo báo cáo của UBND TP.HCM về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên trên địa bàn thành phố trong 5 năm từ 2015- 2019 cho thấy, toàn thành phố có 782 trẻ em bị bạo lực, xâm hại và đặc biệt số vụ xâm hại tình dục chiếm 659 trường hợp. Tăng 91 trường hợp so với giai đoạn từ năm 2011-2014 với 691 nạn nhân là trẻ em bị xâm hại, bạo hành và xâm hại tình dục.
Cũng theo báo cáo này, những em là nạn nhân của các vụ xâm hại thường để lại các hậu quả nặng nề ở các mức độ khác nhau. Cụ thể trong tổng số các nạn nhân trẻ em bị xâm hại, bạo hành kể trên có 6 trường hợp trẻ em bị tử vong, 6 trường hợp trẻ em bị thương tật, 14 trẻ em bị rối loạn tâm thần, 86 trẻ em có thai, 9 trường hợp trẻ em phải bỏ học và 661 trẻ em bị tác động mạnh đến tinh thần và thể chất. Trong khi đó những đối tượng gây án, làm hại trẻ em ngày càng mở rộng thậm chí những người thực hiện hành vi xâm hại trẻ em là người có công việc ổn định, trình độ học vấn cao, có địa vị trong xã hội… Thủ đoạn để thực hiện hành vi xâm hại chủ yếu lợi dụng sự tin tưởng, dụ dỗ, hoặc đe dạo các em.
Đề cập vấn đề này, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay số vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố tăng 35 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó lực lượng công an đã bắt khởi tố 52 vụ với 44 bị can. Điều đáng nói là các vụ xâm hại trẻ em thường diễn ra tại các khu vực vắng, ở ngoại thành chiếm 13 vụ, phòng khách sạn và phòng khám tư chiếm 64 vụ, khu vực công cộng như bãi giữ xe 18 vụ và 15 vụ các cháu đi một mình, không có người lớn đi cùng.
Trẻ cần phải có người lớn đi cùng khi đến các nơi công cộng nhằm giảm thiểu nguy cơ bị xâm hại. Ảnh: minh họa
Nói về nguyên nhân khiến trẻ em bị xâm hại và bạo hành, Trung tướng Lê Đông Phong cho hay, sở dĩ số vụ trẻ em bị xâm hại có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua là do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là thiếu sự quan tâm của gia đình, hoặc gia đình chủ quan khi để trẻ đi một mình ở những khu vực công cộng. Điều này tạo điều kiện cho kẻ xấu có cơ hội lợi dụng xâm hại các em. Thực tế, Luật trẻ em có quy định nghiêm cấm cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em. Bởi ở nhiều nước trên thế giới có quy định rõ trẻ ở độ tuổi nào trở xuống bắt buộc phải có người lớn đi cùng. Đây cũng là vấn đề mà nhiều gia đình và phụ huynh phải quan tâm, chú ý để bảo vệ trẻ em trước những kẻ xấu. Mặt khác, các gia đình, nhà trường cũng cần phải quan tâm, chú trọng đến việc giáo dục kỹ năng tự vệ cho con trẻ để khi gặp tình huống có nguy cơ bị xâm hại trẻ có thể tự xử lý bảo vệ mình.
Trước thực trạng trên và nhằm để làm giảm thiểu số vụ trẻ bị xâm hại ngày càng gia tăng, Trung tướng Lê Đông Phong nhấn mạnh: Trong thời gian tới lực lượng Công an TP.HCM sẽ nâng cao năng lực hơn nữa cho các lực lượng chuyên trách đấu tranh, phòng chống xâm hại trẻ em. Riêng các đơn vị, quận huyện phải nhanh chóng xác minh tin báo, thu thập chứng cư, nâng cao kĩ năng tiếp xúc trẻ em, bố trí nơi làm việc riêng để các cháu sớm ổn định tâm lý, cung cấp lời khai đầy đủ. Ngoài ra về phía UBND TP.HCM nhằm để ngăn chặn và làm giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em, thành phố cũng đã có kiến nghị với Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất việc thiết lập các đơn vị cảnh sát chuyên biệt về bảo vệ trẻ em.
THANH KIỀU