Đội phản ứng nhanh với bạo lực gia đình

VHO- Đi làm về, vừa ngồi vào mâm cơm tối chưa kịp ăn miếng nào, điện thoại của ông Hồ Diên Cảnh lại reo lên. Ở đầu dây bên kia vọng lại tiếng người phụ nữ gấp gáp, tức tưởi, ông Cảnh vội đặt bát cơm xuống, thay quần áo và nổ máy xe phóng đến địa chỉ vừa gọi điện...

Đội phản ứng nhanh với bạo lực gia đình - Anh 1

Một buổi sinh hoạt cộng đồng của CLB Nam giới trách nhiệm và CLB Sức sống mới

Đó là công việc thường ngày của ông Hồ Diên Cảnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, thành viên của Đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Bí quyết của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh

Đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực được thành lập năm 2020 từ Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” do tổ chức Hagar Quốc tế phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An thực hiện. Nòng cốt tham gia Đội là những cán bộ đại diện cho chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn, người uy tín trong cộng đồng trên địa bàn xã. Cùng với đó, CLB Sức sống mới và CLB Nam giới trách nhiệm cũng là một trong những hoạt động của Dự án, vận động người bị bạo lực và người gây ra bạo lực tham gia. Ông Hồ Diên Cảnh tiếp tục được phân công là cố vấn cho CLB Sức sống mới.

Thời gian đầu, Đội hoạt động rất khó khăn, có 19 chị em tham gia CLB, nhưng các chị đều mặc cảm, không muốn chia sẻ nhiều. Sau nhiều lần tổ chức sinh hoạt cộng đồng, ban quản lý CLB đã nhận được sự tin tưởng và các chị em đã chủ động bày tỏ tâm tư, niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống gia đình hay những lần bị bạo lực thể chất, tinh thần. “Trong các nạn nhân của bạo lực mà tôi tiếp nhận, có một số trường hợp đặc biệt là ca bạo hành giữa bố chồng và nàng dâu, xuất phát từ việc ông muốn quan hệ tình dục với con dâu nhưng không được đồng ý nên bực tức, kiếm cớ hành hạ con dâu. Trường hợp thứ 2 là giữa người chồng và vợ thứ ba...”, ông Cảnh cho hay.

Theo lời Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Thắng, phụ nữ nói chuyện về việc bị xâm hại tình dục thường xấu hổ và khó khăn, nhưng tôi từng học quân y và đã khám bệnh cho đồng bào, người dân trong đó có phụ nữ nên nhận được sự tin tưởng. Sau những lời động viên, khích lệ, trường hợp thứ nhất đã chia sẻ về những hành vi của một người thân trong gia đình muốn gần gũi về thân thể. Cô rất khó chịu, ức chế, căng thẳng và đã có nhiều lần thể hiện thái độ phản ứng lại. Nhưng mỗi lần như thế cô lại bị chửi mắng, đổ lỗi vì những chuyện vô cớ. Cô cảm thấy đau khổ và bất lực vì không dám nói với ai, chỉ biết né tránh. Sau khi biết được hoàn cảnh, ông Cảnh đã giải thích, giúp cô hiểu được đó là hành vi xâm hại tình dục, quấy rối tình dục, bạo lực tinh thần trong gia đình, hoàn toàn có quyền báo với chính quyền và người tin cậy để được bảo vệ, hỗ trợ, có quyền để phản đối những hành vi mang tính bạo lực gia đình. Đồng thời có thể tìm môi trường sống an toàn bằng cách tách ra ở một nơi khác. Kết quả là cặp vợ chồng này ra ở riêng”, ông Cảnh chia sẻ.

Thay đổi bản thân để tuyên truyền, vận động tốt hơn

Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, ông Hồ Diên Cảnh cho rằng: “Làm công việc này phải nhận được sự tin tưởng của người dân, nếu không thì khó khai thác được góc khuất của họ. Dù gia đình xảy ra bạo lực cách nhà 5 - 7 km nhưng tôi vẫn đến ngay, vì sự có mặt của thành viên Đội phản ứng nhanh sẽ giúp giữ hoà khí trong gia đình, bảo vệ thân thể con người, điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân người đó mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng. Một cặp vợ chồng mâu thuẫn, một gia đình cơm không lành, canh không ngọt sẽ ảnh hưởng đến làng xóm, khu dân cư”.

Việc tham gia các CLB giúp nhiều đàn ông nhận ra hành vi của mình là vi phạm pháp luật, điều mà trước đây tưởng rằng đó là bình thường, là lẽ đương nhiên. Ông Lê Văn Nga, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho biết, xã đã có ban hòa giải, nhưng từ khi có thêm Đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực trong hệ thống, là cánh tay đắc lực cho chính quyền địa phương để ổn định an ninh trật tự xã hội. Trước kia những việc như vậy thường là phụ nữ tham gia, nhưng hiện nay chúng tôi chọn cách khác để tiếp cận, nếu người chồng, người cha tham gia đoàn thể nào như hội viên Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh thì tùy vào tình hình thực tế để tiếp cận nên nhiều trường hợp các vụ bạo lực được giải quyết nhanh chóng.

Là trưởng Thôn 3, xã Quỳnh Lương, ông Hồ Ba Tài 62 tuổi, thừa nhận khi chưa tham gia Đội phản ứng nhanh thường xuyên lấy “quyền” làm chồng, làm cha, làm chủ hộ để chấn áp mọi việc trong gia đình. Nhưng sau khi tiếp cận với Dự án, được mở mang nhiều kiến thức nên đã thay đổi bản thân, mọi việc đều tôn trọng, hỏi ý kiến vợ, vợ chồng đồng thuận, cuộc sống gia đình vui vẻ. Bởi ông biết rằng, “chỉ khi nào mình thay đổi tốt mới có thể tuyên truyền được bà con, tạo thành phong trào vận động chấm dứt bạo lực phụ nữ và gia đình”.

Nói về 15 thành viên trong Đội phản ứng nhanh xã Quỳnh Lương, ông Hồ Nguyên Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban quản lý Dự án cho biết, đây là đội ngũ cán bộ có uy tín, có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng, tổng hợp các thông tin, dư luận từ nhân dân, tâm huyết, để từ đó phát hiện, giải cứu và kết nối các dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, mua bán và những người có nguy cơ cao góp phần ngăn ngừa và giảm tình trạng bạo lực giới trên địa bàn xã, không còn những vụ có tính chất nguy hiểm. Đặc biệt trong thời gian qua không có ca bạo lực liên quan đến trẻ em, không có tình trạng mua bán người xảy ra. 

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc