Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM góp ý dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Muốn phòng được thì đặc biệt coi trọng tuyên truyền, giáo dục
VHO- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phối hợp Hội Nữ trí thức TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Thảo luận về dự án luật, đa phần các đại biểu đều cho rằng sau gần 15 năm thực hiện, nạn bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề nhức nhối khi nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Nhiều ý kiến tham gia góp ý cho dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Chính vì thế, nhiều đại biểu đã đề xuất bổ sung các nội dung nhằm thực hiện phòng chống bạo lực gia đình một cách đồng bộ, hiệu quả.
Công tác giáo dục, tuyên truyền là then chốt
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đều thống nhất về việc cần phải ban hành Luật PCBLGĐ (sửa đổi) và ủng hộ việc bổ sung một số nội dung mới phù hợp với sự phát triển xã hội hiện nay. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến góp ý bổ sung tại Điều 4 về Hành vi bạo lực gia đình, Điều 5 về Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình, Điều 6 về Những hành vi bị cấm, Điều 10 về Quyền và trách nhiệm của thành viên gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình…
Tại hội thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận, thực tế hiện nay bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Bà Lệ cho rằng, khâu giáo dục rất quan trọng và phải quan tâm đến việc phòng là chính, mà muốn phòng được thì phải giáo dục. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền giáo dục, giáo dục ngay trong nhà trường, từ trẻ mẫu giáo cho đến các bậc học cao hơn đều cần được học với mức độ phù hợp lứa tuổi. Bên cạnh đó, khâu hòa giải, tư vấn hiệu quả cũng rất quan trọng để hạn chế các vụ việc bạo lực gia đình. Cùng với đó, hiện nay, tỉ lệ ly hôn cao, bạo hành tàn bạo chủ yếu ở giới trẻ. Việc PCBLGĐ bên cạnh vai trò của phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc thì phải có lực lượng thanh niên để giáo dục sâu cho giới trẻ.
Đồng quan điểm trên, TS Trần Thị Rồi (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng, để xóa bỏ nạn bạo hành thì phải bắt đầu từ việc giáo dục, qua đó có thể ngăn chặn bạo hành được ngay từ đầu. Trên thực tế, các vụ bạo hành hiện này phần lớn nạn nhân đều cam chịu, điển hình như vụ bé gái bị người tình của chồng bạo hành đến chết. Chính vì thế, phải giáo dục ban đầu để mỗi người đều biết rằng bản thân mình đang bị bạo hành về mặt thể xác, tinh thần, kinh tế hay tình dục; phải giáo dục để họ nhận biết được hành vi bạo lực, mạnh dạn lên tiếng và tự bảo vệ bản thân mình. Để thực hiện tốt các chương trình giáo dục phải phối hợp Bộ GD&ĐT, vì vậy Luật cần bổ sung vai trò, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc thực hiện nội dung này.
TS Trần Thị Rồi cũng cho rằng, các cơ sở y tế cần có trách nhiệm trong việc phòng, chống bạo lực gia đình thông qua hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở. Nếu nghi ngờ hoặc khẳng định bệnh nhân của mình có thương tích do các hành bị bạo hành gia đình thì các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm liên hệ, báo với công an xã, phường ngay tại địa bàn để kịp thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Phát huy vai trò của các tổ chức
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, phải tăng mức phạt với tội hành hạ, bạo lực, nhất là đối với trẻ em. Đồng thời rà soát quy định ở các Luật khác đảm bảo tính tương thích để khi Luật có hiệu lực có thể triển một cách khai hiệu quả, đồng bộ.
Theo đó, PGS.TS Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM góp ý, cần bổ sung hình thức răn đe, xử phạt phù hợp như lao động công ích, phạt tiền người gây ra bạo lực, xây dựng, kết nối mạng lưới toàn quốc dịch vụ liên ngành hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới. Đối với vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ cũng đề xuất, việc xác minh, xử lý tin báo cần đảm bảo kịp thời để xử lý hiệu quả hành vi bạo lực gia đình. Hiện đã có đường dây nóng quốc gia, cần luật hóa và quy định cụ thể về việc điều phối đường dây nóng. Sau ban hành Luật, ở cấp địa phương cũng phải thiết kế đường dây nóng để tiếp nhận thông tin kịp thời. Cũng theo luật sư Võ Thị Ngọc Như, cần thiết lập hệ thống cung cấp thông tin đăng ký cho công dân thông qua các phương pháp thông báo của cộng đồng về thông tin của người có hành vi bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho công dân chủ động trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Thông tin đăng ký trên hệ thống là bí mật và quyền truy cập vào sổ đăng ký hoặc việc công bố thông tin thuộc về cơ quan thực thi pháp luật hoặc các cơ quan được chỉ định.
Luật sư Lê Thị Hằng cho rằng Công an xã, phường là cơ quan bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, nơi đây thường là nơi đầu tiên tiếp nhận được các thông tin bạo về lực gia đình đang xảy ra, đồng thời là nơi gần nhất, nhanh nhất để có thể tiếp cận hiện trường. Vì vậy, luật cần quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết vụ việc là Công an xã, phường cũng như các biện pháp mà công an xã, phường phải thực hiện khi tiếp nhận vụ việc. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến yêu cầu làm rõ tính khả thi của việc hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình tại Điều 37; Phát huy vai trò của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Điều chỉnh và làm rõ một số nội dung liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, đối tượng bị bạo lực; Các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình; Các hình thức xử lý vi phạm liên quan đến bạo lực gia đình; Quy định chi tiết việc bảo vệ nạn nhân, người tố giác hành vi bạo lực gia đình…
Để xóa bỏ nạn bạo hành thì phải bắt đầu từ việc giáo dục, qua đó có thể ngăn chặn bạo hành được ngay từ đầu. Trên thực tế, các vụ bạo hành hiện này phần lớn nạn nhân đều cam chịu, điển hình như vụ bé gái bị người tình của chồng bạo hành đến chết. Chính vì thế, phải giáo dục ban đầu để mỗi người đều biết rằng bản thân mình đang bị bạo hành về mặt thể xác, tinh thần, kinh tế hay tình dục; phải giáo dục để họ nhận biết được hành vi bạo lực, mạnh dạn lên tiếng và tự bảo vệ bản thân mình. (TS TRẦN THỊ RỒI, trường ĐH Luật TP.HCM) |
THẢO MY