Đi giúp đám cưới chỉ bóc hai củ tỏi, không đành ở lại ăn cỗ, tôi liền bị họ hàng trách mắng

P.V

VHO - Tôi về làm dâu nhà chồng đã một thời gian nhưng vẫn chưa quen được phong tục ăn cỗ ở nơi đây. Thậm chí không ít lần chưa biết cách ứng xử thế nào còn bị họ hàng trách mắng.

Nhà chồng tôi ở ngoại thành của thành phố, chỉ cách một cây cầu bắc qua sông là vào được nội đô. Dù khoảng cách nghe có vẻ gần nơi ồn ào phố thị như thế nhưng vẫn còn giữ được nhiều tục lệ trong đám cưới từ bao đời nay.

Chẳng hạn như cỗ cưới thường sẽ tự nấu và ăn trong hai ngày. Ngày đầu là cỗ bắc rạp (hoặc áp rạp), ngày hôm sau là cỗ chính.

Đi giúp đám cưới chỉ bóc hai củ tỏi, không đành ở lại ăn cỗ, tôi liền bị họ hàng trách mắng - ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Ai cũng bảo đi giúp đám cưới rất vui, nào là có cơ hội để anh em họ hàng thăm hỏi, trò chuyện giãi bày với nhau. Từ đó sẽ gắn kết họ hàng và tình làng nghĩa xóm. Tôi cũng cảm nhận rõ điều đó là có thật.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tôi thấy việc này cũng kéo theo những phiền phức khác mà không dám nói thẳng ra.

Mỗi lần có cỗ, anh em trong họ và hàng xóm thân thiết sẽ không ai bảo ai đều thu xếp công việc để đến sớm nấu ăn, dọn dẹp. Việc làm này như một cái “nợ đồng lần”, cứ nhà ai có công có việc thì đến giúp.

Tôi phải đi làm hành chính và chỉ được nghỉ cuối tuần. Thành ra cuối tuần bị dồn khá nhiều việc, từ việc đi chợ nấu ăn cho cả tuần, dọn dẹp nhà cửa, thăm nom ốm đau, hiếu hỉ.

Nếu đám cưới vào ngày nghỉ thì phải dành trọn hai ngày đi ăn cỗ. Còn đám cưới rơi vào ngày thường thì chỉ tranh thủ buổi chiều về sớm giúp được chút ít và ăn một bữa cỗ. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu cho điều này, nhiều khi tôi bị nói ra nói vào rằng công to việc lớn nên không đến giúp đám cưới được.

Có lần vào ngày nghỉ tôi được tận hai nơi mời đám cưới, một bên nhà ngoại, một bên nhà nội và không thể bỏ bên nào. Thế là chỉ có cách san sẻ mỗi nơi một ngày. Nhà ngoại thì thông cảm vì phận gái đã đi lấy chồng, về giúp được đám cưới dù một ngày cũng là quý rồi.

Còn nhà nội thì có vẻ không vừa lòng khi tôi là dâu mới mà mãi ngày hôm sau mới điểm danh thấy có mặt. Tôi đã phải cố gắng bù đắp việc vắng mặt bằng cách đến đám cưới sớm.

Vậy mà vừa nhìn thấy mặt tôi một người bác họ đã hỏi: “Sao hôm qua đi đâu mà không thấy đến”. Tôi đành phải nói lý do thật, vậy mà vẫn cứ cảm thấy lấn cấn trong lòng như kẻ có lỗi.

Tôi thấy ăn cỗ hai ngày rất mệt mỏi. Đi nấu cỗ bắc rạp, tôi phải lựa trang phục sao cho không quá tềnh toàng, đơn giản như đi chợ, nhưng cũng không được lộng lẫy với váy và giày cao gót. Bởi tôi còn phải bưng bê, chạy chỗ nọ chỗ kia.

Chưa kể nấu cỗ xong mồ hôi mồ kê nhễ nhại, quần áo dính toàn mùi thức ăn. Tôi phải chạy ù về tắm rửa sạch sẽ sau đó mới xúng xính quần áo thật đẹp đi ăn cỗ. Ăn xong mà phải ở lại dọn dẹp thì lại chạy ù về nhà lần nữa thay quần áo kín đáo, giày bệt cho tiện.

Thành ra có những bà, những mẹ tiện thể thì mặc quần áo “hai trong một”, vừa giúp cỗ vừa ăn cỗ, nên cảm giác cứ bị lép vế, thua thiệt.

Ăn cỗ hai ngày, dù mang danh nghĩa một ngày đi làm giúp, nhưng tính ra vẫn là ăn mấy bữa liền, đương nhiên là tiền mừng cũng phải nhiều hơn bình thường. Chưa kể hai ngày nấu cỗ, ăn nhiều món hơn bình thường, lại ngửi đủ mùi thức ăn sực nức nên bụng lúc nào cũng lưng lửng khiến bữa cỗ chính chẳng thấy gì là ngon nữa.

Cỗ bắc rạp ăn uống tuy chưa linh đình bằng cỗ chính nhưng cũng phải 10-20 mân, và phải có 5-7 món ăn trong mâm. Vì thế để nấu cỗ bắc rạp cũng phải huy động một lượng người không nhỏ nấu cỗ. Và thường đội nấu cỗ này cũng chính là anh em họ hàng nội ngoại và hàng xóm thân thiết.

Phong tục ở đây đàn ông nấu cỗ là chính, còn phụ nữ chỉ làm những việc nhẹ nhàng như nhặt rau, nhặt hành, bóc tỏi, cạo gừng, rửa bát, sắp đũa… Có khi chỉ cần một lượng người nhỏ làm chứ không nhất thiết phải đông đúc. Cái sự đông này nhiều khi là điểm danh, rồi trò chuyện hơn là làm giúp đám cưới.

Tôi nhớ nhất một lần đến giúp đám cưới, cũng có chả việc gì nhiều nhặn để làm, bóc đúng hết hai củ tỏi thì ngồi chơi. Ngồi chơi một lúc thì gia chủ ra mời ở lại ăn cơm. Tôi tự cảm thấy bóc xong hai củ tỏi mà ở lại ăn cơm thì không đành nên lặng lẽ ra về.

Chẳng ngờ, bằng một cách nào đó, gia chủ biết chuyện tôi không ở lại ăn cỗ giúp nên trách tôi, nào là nhà không có cỗ mời, nào là hay tại cỗ phụ nên không ngon. Nếu tôi không ở lại ăn cỗ giúp thì lần sau không dám nhờ...

Tôi như kẻ đứng hình mà không biết phân bua thế nào. Tôi chỉ mong các đám cưới giản tiện cái gọi là cỗ bắc rạp. Rồi tổ chức sao cho gọn nhẹ, thuận tiện với số đông.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc