Để truyền thông “Bảo vệ trẻ em” không bị mắc lỗi
VHO- Đó là một trong những nội dung của hội thảo về “Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em” nhằm bồi dưỡng năng lực cho các nhà báo, phóng viên để nâng cao chất lượng và hiệu quả của báo chí trong việc đưa tin về trẻ em và bảo vệ trẻ em được tổ chức ngày 24.7.2019 tại Vĩnh Phúc.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo do Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức với sự tham gia của gần 100 phóng viên đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Vai trò của truyền thông và báo chí
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, “báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền thông về các vấn đề trẻ em và tham gia bảo vệ trẻ em. Để chức năng này được thực hiện một cách có hiệu quả, lại không vi phạm các quyền riêng tư của trẻ em, báo chí cần được trang bị thêm các kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ ”. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Giám đốc Truyền thông và Hợp tác Quốc tế, Viện Nghiên cứu Giáo dục Phát triển Tiềm năng con người đánh giá, từ khi Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực, các vấn đề bảo vệ trẻ em cũng được báo chí truyền thông phản ánh kịp thời hơn.
Tuy nhiên việc đưa thông tin về trẻ em vẫn có thể phạm các nguyên tắc của Luật Trẻ em. Để khắc phục và làm tốt hơn, liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, cần quan tâm hơn đến các biện pháp xử lý khủng hoảng sau khi trẻ bị xâm hại, tốt nhất là tại địa bàn có một người điều phối đại diện gia đình và bản thân trẻ cung cấp thông tin cho báo chí và các ban ngành. Không nên để gia đình và nạn nhân trẻ em trực tiếp tiếp xúc với truyền thông, nguy cơ tình cảm và tâm lý của em bé và gia đình bị “xâm hại” nhiều lần. Việc giới thiệu những điển hình tích cực là những người đã từng bị xâm hại khi còn nhỏ nhưng giờ là những cá nhân thành công nổi bật sẽ có tác dụng truyền thông hiệu quả”.
Báo chí vô tình “xâm hại” trẻ em
Từ trước đến nay, các hoạt động và điều luật hướng tới bảo vệ trẻ em luôn được chú trọng và được dư luận ngày càng quan tâm. Tuy nhiên, đôi khi việc áp lực đưa tin nhanh, nóng để đáp ứng nhu cầu cộng đồng có thể khiến báo chí vô tình xâm hại trẻ em thay vì bảo vệ trẻ em. Theo phân tích của các chuyên gia, trong thực tế, một số cơ quan báo chí hiện nay thiếu định hướng rõ ràng về công tác bảo vệ trẻ em, chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong hoạt động chuyên môn. Ngoài ra, thông tin báo chí tiết lộ quá chi tiết dẫn đến nguy cơ xâm hại trẻ em lần 2. Vẫn còn có hiện tượng lợi dụng các thông tin về trẻ em để câu view, câu like…
Theo khảo sát của Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội trên 5 tờ báo điện tử nằm trong Top 50 trang web được truy cập hàng đầu Việt Nam, chỉ trong một năm (2016), đã có đến 548 bài báo có nội dung không bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em, trong đó xâm hại tình dục có tỷ lệ bài viết cao nhất (47%).
Ông Lê Quốc Vinh, Giám đốc tập đoàn truyền thông Lê chia sẻ: “Thay vì báo chí đặt người đọc ở vai trò thụ động, mạng xã hội đưa tin rất nhanh, tin tức đến từ cuộc sống, do người dùng tạo ra và mỗi tài khoản đều có thể thực hành đưa tin, trở thành những nhà báo công dân. Tin trên mạng xã hội đặt người đọc ở vị trí trung tâm. Chính vì thế, khi cạnh tranh với mạng xã hội, báo chí có thể đánh mất đi vai trò của mình mà chạy theo những tin giật gân, thậm chí lấy nguồn từ mạng xã hội...”. Còn nhà báo Nguyễn Ngân, phóng viên Đài truyền hình Việt Nam nhấn mạnh, có các “ranh giới” rất mong manh và các tranh luận trong nghiệp vụ báo chí và nguyên tắc bảo vệ trẻ em, không có gì hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, nhưng nhà báo có tâm cần phải đặt lên trên hết lợi ích của trẻ để có thể viết bài có trách nhiệm, để tránh tình trạng “trẻ em “vô tình” bị xâm hại một lần nữa bởi nhà báo”.
“Bảo vệ trẻ em” trong thời đại số
Các chuyên gia, nhà báo dự hội thảo đã làm rõ vai trò của báo chí trong truyền thông “Bảo vệ trẻ em” theo ba cấp độ trong thời đại số. Các nguyên tắc ứng xử bảo vệ quyền riêng tư dành cho nhà báo; Vai trò điều hướng của báo chí trong xử lý trường hợp các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội; Xác định những hạn chế và rủi ro trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ của các chuyên gia về trẻ em và trong lĩnh vực liên quan.
Các nhà báo viết về trẻ em và viết cho trẻ em cần phải đứng trên cơ sở tiếp cận dựa trên Quyền trẻ em, luôn vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Các nhà báo cần phải hiểu các đặc điểm phát triển về tâm lý của trẻ, cách suy nghĩ của trẻ, biết cách lắng nghe, tôn trọng quyền được lắng nghe và quyền tham gia của trẻ và khuyến khích trẻ tham gia vào những vấn đề liên quan đến trẻ em. Bên cạnh đó, bản thân người tham gia được định hướng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói chung; phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng. Người viết cũng được khuyến cáo cần hết sức thận trọng khi đưa tin bài dành cho trẻ em trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Hồ Bất Khuất nêu quan điểm, nhà báo cần có sự nhạy cảm nghề nghiệp và luôn nêu cao đạo đức nghề báo, đặt lợi ích của trẻ em lên trên hết. Để làm được điều này những nhà báo chuyên viết về lĩnh vực trẻ em, phải có phẩm chất yêu nghề, yêu trẻ, nhanh nhạy trong công việc và dành thời gian nâng cao nghiệp vụ. TS. Hồ Bất Khuất đề nghị các phóng viên nên dành thời gian về vùng sâu, vùng xa... công tác. Trên thực tế, ở những nơi này xảy ra rất nhiều vấn đề mà báo chí viết về trẻ em quan tâm và có thể phản ánh, mổ xẻ hiệu quả. Đây cũng là những địa phương có nhiều trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần sự giúp đỡ...
QUỐC HÙNG