Để trẻ tránh xa suy nghĩ tiêu cực

VHO - Trên thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai đối với lứa tuổi 15 - 29 tuổi, chỉ sau tai nạn giao thông. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng, nhưng nhiều bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.

Để trẻ tránh xa suy nghĩ tiêu cực - Anh 1

 Trẻ bị trầm cảm sẽ hay nghĩ đến những điều tiêu cực Ảnh minh họa

Xã hội ngày càng phát triển dẫn đến sự bùng nổ của các ứng dụng mạng xã hội, các game trực tuyến mà nó có tác động không nhỏ tới suy nghĩ, hành động của con người, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi vị thành niên. Vào các ứng dụng xã hội nếu chỉ cần gõ tìm kiếm những hội nhóm như: Hội những người muốn tự sát, hội những người muốn tìm đến cái chết… ta sẽ vô cùng bất ngờ khi thấy rất đông người tham gia vào những hội, nhóm đó. Điểm chung của họ là đều bày tỏ sự chán chường, mất niềm tin vào cuộc sống, áp lực đến từ gia đình, cuộc sống… nên muốn tìm đến cái chết, giải phóng bản thân mình. Trên một diễn đàn, thành viên có nickname “Toilatoi17” chia sẻ áp lực của mình gặp phải từ phía gia đình: “Các anh chị em hai bên nội ngoại của mình đều học giỏi và học tại các trường đại học danh giá, nhưng cá nhân mình lại chỉ đam mê đàn hát và mong muốn theo đuổi con đường nghệ thuật. Tuy nhiên, gia đình lại cấm cản… Không được làm điều mình mong muốn thì cuộc sống đâu còn ý nghĩa nữa”.

Nói về vấn đề tự tử ở trẻ vị thành niên, bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do trầm cảm. Trẻ vị thành niên bị trầm cảm thường gặp khi gia đình có những vấn đề, bản thân gặp những khó khăn trong cuộc sống, học tập, là nạn nhân trong một thời gian dài của bạo hành mà không thể chia sẻ với ai hoặc có chia sẻ nhưng cũng không nhận được sự đồng cảm, tin tưởng của người khác về câu chuyện mình đang gặp phải. Ngoài ra các bệnh tâm thần phân liệt, hoang tưởng, rối loạn lo âu cũng là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tự sát ở trẻ vị thành niên. Ở một góc độ khác, việc một số trẻ vị thành niên sử dụng các chất kích thích, các chất gây ảo giác cũng dẫn đến sự mất kiểm soát hành vi của bản thân.

Về góc độ gia đình, theo bác sĩ Phương trầm cảm là một hội chứng gồm các triệu chứng, dấu hiệu về rối loạn cảm xúc, hành vi như cảm thấy buồn bực, mệt mỏi, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích, mất tự tin, đánh giá thấp về bản thân, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều… Tuy nhiên, khi các bậc cha mẹ thấy con mình có những biểu hiện này lại cho rằng trẻ vị thành niên đang làm nũng gia đình, chạy theo một thú vui gì đó ngoài xã hội nên lại có hành động mắng nhiếc, thậm chí là đòn roi với con của mình. Và đó chính là sai lầm lớn của các bậc phụ huynh vì đã không kịp thời nhận ra những khó khăn con mình đang gặp phải để có thể chia sẻ bớt áp lực mà dường như lại đổ thêm dầu vào lửa. Nhiều gia đình vì mải lo cơm áo gạo tiền, cho con mình cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng thiếu đi sự quan tâm, gần gũi giữa các thành viên, mỗi người một cuộc sống, một mối quan hệ riêng nên khi trẻ vị thành niên đang có cuộc sống bằng phẳng trơn tru không may gặp chuyện gì đó không biết chia sẻ với ai, sẽ dẫn đến sự hoảng loạn và mất đi sự kiểm soát bản thân.

Cuộc sống thì muôn màu, có lúc này lúc khác. Điều quan trọng nhất là mỗi vị phụ huynh cũng như nhà trường cần nắm bắt được diễn biến tâm lý của trẻ vị thành niên cũng như mỗi trẻ vị thành niên cần mạnh dạn bày tỏ, chia sẻ những khó khăn, áp lực mình đang gặp phải với gia đình, thầy cô để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

VĨNH QUẢNG

Ý kiến bạn đọc