Để gỡ khó cho gia đình công nhân
VHO- Không có nhà ở phải đi thuê trọ, lao động nặng nhọc, vất vả, thu nhập lại thấp… Hàng loạt những khó khăn trong cuộc sống đã và đang là rào cản xây dựng hạnh phúc gia đình của một bộ phận không nhỏ công nhân hiện nay.
Nhóm nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long giao lưu cùng đoàn viên, người lao động trong khuôn khổ chương trình "Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức
Nhiều khó khăn
Theo báo cáo mới đây của Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) hiện nay ước tính có hơn 70% công nhân đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây. Cũng bởi mức thu nhập của công nhân chưa cao, bình quân chỉ từ 4 - 6 triệu đồng/ người/tháng, nên họ phải chấp nhận thuê ở các phòng trọ rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2 - 3m2/người), không bảo đảm những điều kiện tối thiểu, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Việc xây nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bưu điện, chợ...). Tình trạng này dẫn đến hiện tượng một số khu nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng người lao động không muốn vào ở, vì quy hoạch, thiết kế và quản lý không phù hợp với đặc thù sinh hoạt, làm việc.
Sự gắn kết và mối quan hệ gia đình công nhân hiện rất lỏng lẻo, cha mẹ thường phải đi làm, mặt khác nhiều doanh nghiệp vì yêu cầu về sản phẩm, nên nhiều trường hợp phải đi làm tăng ca, dẫn đến ít có thời gian quan tâm chăm sóc, vui chơi cùng con cái, đã làm cho các mối quan hệ trong gia đình thiếu bền chặt, con cái bị thiệt thòi. Ngoài những khó khăn nêu trên, gia đình công nhân còn ít có thời gian rảnh rỗi, nên đời sống văn hóa, tinh thần hoạt động luyện tập thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ hạn chế.
Yêu rồi tiến tới hôn nhân và xây dựng gia đình hạnh phúc là quyền của mỗi người, là nhu cầu tự nhiên, khát vọng cuộc sống nhưng cũng rất giản dị, đời thường. Thế nhưng, ước mong tưởng như giản dị đó với đa phần công nhân lao động, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không hề dễ dàng. Nhiều công nhân lao dộng cho biết họ khó khăn ngay từ tiêu chuẩn chọn bạn đời. Áp lực kiếm tiền, quá trình làm ca, kíp thêm giờ… khiến đa số không còn thời gian để giải trí, phát triển văn hoá tinh thần cho bản thân. Nên việc thiếu tiền, thiếu sức khoẻ và thời gian là những khó khăn ảnh hưởng nhiều nhất đến việc lựa chọn bạn đời. Khi hỏi về vấn đề này, kết quả cho thấy, lý do được nhắc đến nhiều nhất đó là điều kiện kinh tế khó khăn, không có nhà riêng, không có thời gian để tìm hiểu vì làm ca kíp.
Gắn kết tình cảm vợ chồng
Nhằm “gỡ khó” cho các gia đình công nhân hiện nay, Vụ Gia đình đã nêu ra một số nhóm giải pháp xây dựng gia đình công nhân trong thời gian tới: Giải pháp liên quan đến cải thiện đời sống gia đình cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp; Giải pháp liên quan đến doanh nghiệp; Giải pháp liên quan đến chính quyền địa phương; Giải pháp liên quan đến Công đoàn; Giải pháp liên quan đến cải thiện chế độ dinh dưỡng cho công nhân lao động và con công nhân lao động ở các khu công nghiệp. Vụ Gia đình đề xuất Nhà nước cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của công nhân lao động (CNLĐ) trong các khu công nghiệp như khó khăn về nhà ở, nơi gửi trẻ, khu vui chơi, đảm bảo việc làm, tiền lương, thu nhập của CNLĐ và gia đình CNLĐ hiện nay. Đề nghị dành quỹ đất cho việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ. Cần đẩy mạnh chính sách đầu tư cho hệ thống trường mầm non ngoài công lập bằng nhiều hình thức như cho vay vốn, cho thuê cơ sở vật chất đạt chuẩn. Tổng Liên đoàn cần tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng gia đình công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và công tác dân số - sức khoẻ sinh sản, công tác chăm lo cho con CNVCLĐ.
Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho gia đình công nhân bằng nhiều hình thức như phương tiện truyền thông loa đài phát thanh, phát tờ rơi, panô, áp phích về Luật Hôn nhân, gia đình, Luật Bình đẳng giới, đặc biệt các nội dung về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kỹ năng làm mẹ, làm vợ, làm dâu trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội. Mặt khác, cần phát triển các dịch vụ tư vấn về quan hệ vợ chồng, con cái, cha mẹ cho gia đình công nhân khu công nghiệp là rất cần thiết bao gồm dịch vụ về kiến thức, kỹ năng ứng xử vợ chồng; kiến thức, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, xung đột gia đình; kiến thức, kỹ năng chăm sóc con cái; kiến thức, kỹ năng quản lý chi tiêu trong gia đình; tư vấn giải tỏa căng thẳng; tư vấn pháp lý ly hôn; tư vấn tình cảm sau ly hôn.
Trong giai đoạn hội nhập và phát triển, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình đang dần bị mai một. Để gia đình thực sự là “tổ ấm”, là “tế bào” lành mạnh của xã hội, là “pháo đài” chống lại và đẩy lùi các tệ nạn xã hội… đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình nói chung, gia đình công nhân nói riêng luôn phải có ý thức, trách nhiệm “giữ lửa” và “thắp lửa” cho chính “tổ ấm” của mình. Theo Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Ánh Tuyết, trước hết, mỗi thành viên trong gia đình đặc biệt là ông, bà, cha, mẹ cần phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho con cháu noi theo. Sẽ rất khó để giáo dục trẻ khi bản thân người lớn mắc những thói hư, tật xấu. Vì thế, bản thân người lớn cũng như trẻ em trong gia đình cần phải hiểu rõ và được giáo dục về các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, các giá trị đạo đức, lối sống nhân văn, tốt đẹp.
Hoàn thiện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về gia đình Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ làm việc với Vụ Gia đình Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ đã có buổi làm việc với Vụ Gia đình để nghe báo cáo về tình hình triển khai xây dựng các dự thảo: Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hai chương trình quốc gia thực hiện Chiến lược. Tại buổi làm việc, Vụ Gia đình đã báo cáo về quy trình và tiến độ thực hiện xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06 cũng như các dự thảo Chiến lược, các chương trình quốc gia. Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung và bổ sung các ý kiến đóng góp của các Ban, Bộ, ngành cho từng nội dung văn bản. Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đề nghị Vụ Gia đình cùng Ban soạn thảo, Tổ biên tập rà soát lại các nội dung của các văn bản, đồng thời chuẩn bị gấp rút hồ sơ báo cáo lãnh đạo Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng tiến độ đã phê duyệt. ĐÀO ANH |
Công bố Kết quả điều tra về tình hình của trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam Tổng cục Thống kê và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) vừa công bố Kết quả điều tra về tình hình của trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam. Đây là kết quả của cuộc điều tra hộ gia đình trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của 14.000 hộ gia đình. Cuộc điều tra do Tổng cục Thống kê phối hợp với các Ban, Bộ, ngành liên quan thực hiện với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của UNICEF thực hiện vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Cuộc điều tra đã được thiết kế đặc biệt để đánh giá sự tiến bộ của Việt Nam hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững về trẻ em và phụ nữ, với tổng số 169 chỉ tiêu, trong đó có 35 chỉ tiêu thuộc khung Mục tiêu Phát triển Bền vững. HÀ NHUNG |
NGUYỄN SƠN