Dạy con nên người bằng những lời yêu thương

VHO - Thời gian qua, hàng loạt vụ bạo hành trẻ em do chính những người làm cha mẹ hay người thân trong gia đình gây ra khiến dư luận xã hội bức xúc, phẫn nộ. Thật xót xa khi những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”, lẽ ra được sống trong yêu thương, nâng niu, chăm sóc lại phải hứng chịu những trận đòn roi, tra tấn kinh hoàng. Kết cục sau mỗi vụ án, nhiều đứa trẻ sẽ mang trong mình nỗi đau dai dẳng, thậm chí có cháu bé đã ra đi mãi mãi, để lại nỗi đau không gì bù đắp nổi cho người ở lại...

Dạy con nên người bằng những lời yêu thương - Anh 1

Dạy con nên người bằng tình yêu thương (Tiết mục trong “Ngày hội Gia đình Việt Nam 2023” do Bộ VHTTDL tổ chức)

 Giọt nước mắt muộn màng

Đánh con chết, khuôn mặt bị cáo Đ.H.P (Gia Lai) khô quắt lại bởi sự đớn đau đến tột cùng, và chỉ một hai xin tòa cho mình lĩnh... án tử. Lý do vì con gái mới 9 tuổi lấy trộm tiền mua bánh kẹo, bị cáo đã điên cuồng đánh đập dẫn tới cháu bé tử vong rất thương tâm. Cháu H.A (6 tuổi), chỉ vì học mất tập trung, chậm tiếp thu mà ông bố Lê Thành Công (Hà Nội) thiếu kiềm chế đã dùng đũa gỗ, thanh tre vụt con tới tấp; bé H.A sau đó bị nôn, sốt và đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương thì tử vong... Trong cùng một ngày 1.4.2022, dư luận chứng kiến hai trường hợp đau lòng: Một nam sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhảy lầu tự tử và một nữ sinh lớp 8 ở TP Bắc Ninh được phát hiện đã chết trong tư thế treo cổ tại phòng riêng; nguyên nhân đều bởi áp lực học tập từ cha mẹ.

Đến khi nào nước mắt mới khô trên khuôn mặt cha mẹ các em? Liệu còn nỗi đau nào đau hơn thế nữa? Hàng loạt những vụ án chấn động chỉ vì quan niệm “thương cho roi cho vọt” không có điểm dừng đã khiến không ít gia đình tan nát, từ đó gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh đối với cách dạy con sai lệch của một bộ phận các gia đình ở Việt Nam hiện nay.

Trao đổi với Văn Hóa, TS Vũ Mạnh Lợi (nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học) cho rằng: “Phương pháp giáo dục con cái bằng bạo lực là vô cùng nguy hiểm. Các vụ việc thương tâm xảy ra khi sử dụng đòn roi với trẻ có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, điểm mấu chốt chính là ở nhận thức của các bậc làm cha mẹ. Yếu tố nguy cơ trong gia đình có thể là nội bộ lục đục, bạo hành thường xuyên, cha mẹ không quan tâm đến tâm trạng và sức khỏe tâm thần của con. Trẻ thường bị áp đặt phải làm điều này, phải trở thành người thế kia theo định hướng vạch sẵn. Vấn đề ở đây là “đòn roi” ở mức độ nào, đã phải là “bạo lực” chưa, có còn là “tình người” cùng với tính “răn đe” nữa không hay chỉ là nỗi bức xúc mà cha mẹ “xả” vào những đứa con khi chúng trót mắc lỗi...”.

TS Vũ Mạnh Lợi cũng khẳng định, khi lời nói bất lực là lúc bạo lực lên tiếng. Đánh cho thỏa cái sĩ diện làm cha mẹ, cho hết những bực bội vì trẻ không nghe lời, cho thói ngạo mạn biết dạy con, biết dạy trò được vuốt ve. Dùng đòn roi quá vội vàng mà chưa kịp tìm hiểu đúng sai; dùng đòn roi mà không đi kèm với các biện pháp giáo dục khác chính là bạo hành và có tác dụng ngược với quá trình giáo dục trẻ.

Mặt khác, sử dụng hình phạt đòn roi cũng giống như dùng thuốc quá liều cho căn bệnh của mình: Bệnh có thể khỏi nhưng tác dụng phụ sẽ là “nhờn thuốc”. Những lần sau, nếu không bằng hoặc hơn liều thuốc cũ, khả năng bệnh sẽ tái phát vô phương cứu chữa. Đòn roi cũng thế, không những không giúp cho trẻ tốt lên, mà còn khiến chúng bướng bỉnh, lì lợm, trơ ì cảm xúc, nguy cơ lớn lên sẽ trở thành những người có xu hướng dùng “nắm đấm” để giải quyết mọi việc.

Dạy con nên người bằng những lời yêu thương - Anh 2

 Một đứa trẻ nhận được nhiều tình yêu, sẽ biết thể hiện rất nhiều tình yêu

Thay đổi ngay nếu không muốn tàn phá tương lai của con

Bà Lê Thị Phương Thúy (nguyên Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển Trung tâm Phụ nữ và phát triển) cho rằng, rất nhiều phụ huynh đã lựa chọn cách nuôi dạy, khích lệ và bồi dưỡng sự tự tin cho con bằng cách sử dụng những lời nói yêu thương, dạy bảo nhẹ nhàng. “Trẻ sẽ tiến bộ và phát triển tốt đẹp nếu được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục đầy ắp tình thương và sự tôn trọng. Mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn trong mình những khả năng to lớn, điều quan trọng là cha mẹ cần biết cách khơi gợi và gửi gắm sự tin tưởng để con tỏa sáng đúng lúc. Đừng bao giờ tiết kiệm những lời khen, những cử chỉ yêu thương đối với trẻ. Được sống trong sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ, trẻ sẽ tự tin và bản lĩnh hơn rất nhiều những đứa trẻ bị tổn thương tâm lý bởi áp lực từ chính cha mẹ chúng gây ra”, bà Lê Thị Phương Thúy nhận định.

Đòn roi để trẻ nhớ và thực hiện chứ không phải đàn áp để trẻ tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Kèm theo đòn roi là tình cảm của cha mẹ, thầy cô như thế nào để trẻ vẫn cảm nhận trong đó tình yêu thương chứ không phải sự hằn học, ghét bỏ. Không có cách giáo dục nào là tối ưu cho mọi đối tượng, nên cần linh động, hài hòa trong các biện pháp. Giáo dục bằng đòn roi quá mức chỉ khiến trẻ thêm ngang bướng, cha mẹ cần thay đổi ngay nếu không muốn tàn phá tương lai của con.

Rất nhiều người đã thừa nhận từng sử dụng đòn roi để răn đe con cái. Khi cuộc đối thoại giữa họ không thể tìm được một hướng đi chung và cha mẹ không thể kiểm soát được cảm xúc nội tại của mình, thì những dồn nén sẽ bộc phát ra thành hành động tiêu cực. Cho dù con cái có thuộc về bất kỳ bản dạng nào, thì các bậc cha mẹ cần phải nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này, vì trừng phạt thể xác nói chung sẽ chỉ gây nên những tác dụng phụ và phản ứng ngược trong nỗ lực nuôi dạy con cái. 

Một số quy định hiện hành của pháp luật về hành vi bạo hành trẻ em

Tùy theo mục đích, động cơ, hậu quả của hành vi gây ra, người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đối với sức khỏe của trẻ em có mức phạt tù cao nhất là 3 năm (Điểm e, Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự); Tội giết người dưới 16 tuổi có mức phạt tù cao nhất là chung thân hoặc tử hình (Điểm b, Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự).

Khoản 5, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác” là hành vi bị nghiêm cấm. Điều này được hướng dẫn cụ thể trong Điều 8, Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật. Cụ thể:

1. Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm;

2. Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ;

3. Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần;

4. Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người giám hộ;

5. Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần”.

Người thực hiện những hành vi được liệt kê trên có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng (theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em). ĐÀO ANH

HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc