Công tác gia đình năm 2021: Nhiều dấu ấn quan trọng

VHO- Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ dự và phát biểu chỉ đạo.

Công tác gia đình năm 2021: Nhiều dấu ấn quan trọng - Anh 1

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ảnh: NGỌC ANH

Vượt khó

Trong năm 2021, công tác gia đình gặp nhiều khó khăn, thách thức, những vấn đề mới phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống nhưng vẫn có nhiều thời cơ, thuận lợi mới, đặt ra hướng phát triển trong những năm tiếp theo. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các tỉnh, thành, sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan, đơn vị có liên quan và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp, công tác gia đình đã có nhiều dấu ấn, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, là nền tảng cho năm 2022 và những năm tiếp theo.

Kết quả nổi bật nhất trong năm 2021 của lĩnh vực gia đình gồm: Xây dựng và trình Chính phủ hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2074/QĐ-TTg ngày 10.12.2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Chương trình quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới (giai đoạn 2021-2030).

Năm 2021 cũng là năm kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001 - 28.6.2021) với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được tổ chức trên khắp cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình. Đồng thời những nhiệm vụ thường xuyên của công tác gia đình như giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, PCBLGĐ, công tác người cao tuổi, trẻ em, bình đẳng giới trong gia đình… tiếp tục được thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ trung ương tới địa phương. Trang tin điện tử về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách, văn bản mới và hoạt động của công tác gia đình trên cả nước.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, ngay từ đầu năm, Vụ Gia đình đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành văn bản hướng dẫn nội dung công tác gia đình năm 2021; trên cơ sở đó, các tỉnh, thành đã chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác gia đình theo hướng dẫn của Bộ và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng công tác gia đình năm 2021 từ Trung ương tới địa phương đã được triển khai đồng bộ, đạt được yêu cầu, hoàn thành Kế hoạch công tác năm.

Vụ Gia đình đã bám sát theo Kế hoạch công tác năm 2021 với nhiều hoạt động như: Thực hiện Đề án Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20.3.2021); Thực hiện hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001 - 28.6.2021) và Ngày Gia đình Việt Nam 28.6; Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29.3.2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Thực hiện hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; Hoạt động bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi trong gia đình; Vận hành trang thông tin điện tử về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”.

Năm 2021, Vụ Gia đình thực hiện 10 nhiệm vụ đột xuất: Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24.6.2021 của Ban Bí thư. Xây dựng Nghị quyết của Ban cán sự Bộ thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24.6.2021 của Ban Bí thư. Xây dựng Quyết định của Bộ trưởng thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Xây dựng và trình Bộ trưởng Quyết định triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên cả nước. Phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành về chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời. Phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam xây dựng Báo cáo tổng kết và Chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Trung ương Hội LHPN Việt Nam về xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc, dự kiến ký kết vào đầu quý II năm 2022. Phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TW Hội Nông dân Việt Nam xây dựng, thực hiện PCBLGĐ cho đối tượng là nông dân; Dự án Phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái...

Những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cho rằng, Vụ Gia đình là đơn vị có khối lượng công việc nhiều nhưng đã nỗ lực hoàn thành, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2022, Thứ trưởng đề nghị Vụ Gia đình cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chính sau: Tiếp tục các hoạt động chỉnh sửa, hoàn thiện trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và tiếp tục chỉnh sửa để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4; Triển khai thực hiện Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới (giai đoạn 2021-2030), Chương trình quốc gia về truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Ban hành và triển khai thực hiện Quyết định của Ban cán sự Đảng và Quyết định của Bộ trưởng về việc thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”; Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh công tác truyền thông về gia đình trong tình hình mới; Tham mưu Bộ trưởng ban hành và thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…

Có thể thấy, nhờ vào sự nỗ lực của Bộ VHTTDL, đặc biệt là Vụ Gia đình, các văn bản về gia đình hiện nay tương đối hoàn thiện góp phần từng bước thực hiện xây dựng gia đình Việt Nam “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững”, phù hợp với xã hội hiện đại và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

 HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc