Chiều con đúng cách để không làm hư con
VHO - Theo chia sẻ của nhiều bà mẹ, giai đoạn trẻ 2 tuổi thường rất nổi loạn, hay có hành động như đánh người, ném đồ ăn, vứt bát, thìa xuống đất khi không hài lòng... Những hành vi này khiến không ít cha mẹ lo lắng và bối rối trong cách xử lý. Tuy nhiên, người lớn cần hiểu rằng, đây là những biểu hiện hoàn toàn bình thường trong quá trình phát triển của trẻ, quan trọng là chúng ta tìm ra được nguyên nhân và áp dụng phương pháp đối phó phù hợp...
Bất lực khi chứng kiến con “nổi loạn”
Bé Bơ vừa tròn 3 tuổi, sống trong sự yêu thương của cả gia đình, từ ông bà nội ngoại, bố mẹ đến cô dì chú bác… Bố mẹ bé có công việc ổn định và thu nhập cao, vì thế khi bé chào đời, cả nhà luôn dành cho Bơ những điều tốt đẹp nhất. Họ lo ngại con đi nhà trẻ sẽ bị ốm do lây bệnh, ra ngoài thì sợ con bị tai nạn, nên bé chủ yếu chỉ ở trong nhà và được bà giúp việc chăm sóc. Do không được đi học mẫu giáo và thiếu cơ hội giao tiếp với bạn bè đồng lứa, khả năng giao tiếp và tự lập của bé Bơ rất hạn chế.
Là đứa cháu đầu tiên nên bé Bơ được cưng chiều hết mực. Dường như bé đã ý thức được sự nuông chiều ấy nên không biết sợ ai cả. Mỗi khi không hài lòng điều gì, bé thường hờn khóc, ném đồ vật, thậm chí tát vào mặt mọi người... Mọi đồ vật trong tầm tay của bé, nếu ai sơ ý để quên, lập tức sẽ bị Bơ đập vỡ tan tành, từ cốc uống nước của ông ngoại đến chiếc kính mẹ để trên bàn.
Bà giúp việc là người phải chịu đựng nhiều nhất. Có lần, khi mẹ bé Bơ đang làm việc, nghe tiếng khóc, vội vàng chạy ra và nghi ngờ bà mắng bé. Thực tế, bé Bơ không chịu vào phòng tắm nên đã tát vào mặt và kéo tóc bà giúp việc khiến bà bị đau. Dù không hề bị mắng hay đánh, bé vẫn la khóc om sòm…
Những câu cửa miệng của bé Bơ luôn là: “Không cho bà đi làm”, “Không cho mẹ ăn”, “Bơ không thích ăn”… rồi lăn ra giãy đành đạch. Trước những biểu hiện hung hãn bất thường của con, chị Hương mẹ bé chia sẻ: “Tôi muốn nuôi dạy con bằng tình thương, không phải bằng mắng mỏ. Nhiều lúc, tôi quát lớn vì tức giận khiến bé khóc, rồi lại phải dỗ dành. Bé đôi khi vâng dạ nhận lỗi, nhưng sau đó lại tiếp tục hành vi như đập phá đồ hay đánh lại người lớn. Tôi không biết phải làm gì, vì con còn quá nhỏ để hiểu được đúng sai, chỉ đành chờ bé lớn hơn để có thể giải thích cho con hiểu”.
Chị Hoa, một bà mẹ khác, chia sẻ trong sự bất lực: “Bé nhà tôi đòi gì là phải có bằng được, ăn vạ dai như đỉa, dù nói chưa sõi nhưng mỗi khi không theo ý là lại lăn ra ăn vạ. Cả nhà ai cũng sợ bé khóc, vì chỉ cần kêu gào một chút là nước mắt, nước mũi sẽ khiến bé bị viêm họng, sổ mũi ngay. Thằng bé rất khôn, biết tận dụng võ khóc để ép mọi người phải chiều theo ý mình!”.
Yêu con không đúng cách bằng mười hại con
Yêu con không đúng cách có thể gây hại gấp mười lần. Là cha mẹ, ai cũng yêu thương con, nhưng yêu thương như thế nào cho đúng mới là điều quan trọng. Trong giai đoạn mới biết đi, trẻ thường có những hành vi “nổi loạn”, và nhiệm vụ của người lớn là dạy trẻ cách kiểm soát hành vi, không làm tổn thương người khác. Cách tốt nhất để “đưa trẻ vào khuôn khổ” là dạy chúng những cách cư xử chấp nhận được và phù hợp.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 1.6 (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Nhiều phụ huynh lo ngại cho con đi nhà trẻ sớm sẽ không được chăm sóc chu đáo hoặc sợ lớp học quá đông không đủ sự quan tâm. Vì thế, họ chọn để con ở nhà với ông bà hoặc giúp việc. Mặc dù ai cũng yêu thương và chăm sóc trẻ tốt, nhưng họ không được đào tạo chuyên sâu nên không thể dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị cho việc học sau này”.
Cô giáo Thanh Nhàn thông tin thêm, khi trẻ đi học mầm non, chúng sẽ phát triển mạnh mẽ về mặt xã hội và tình cảm. “Trẻ sẽ học được cách kiềm chế và điều khiển cảm xúc của mình. Con không chỉ nhận diện được cảm xúc của bản thân mà còn biết cảm nhận cảm xúc của người khác. Trẻ sẽ học cách kiểm soát sự tức giận và thất vọng khi tranh giành đồ chơi, từ đó biết cách hạn chế xung đột và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh”.
Theo bà Lê Thị Phương Thúy, chuyên gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, những hành vi như đánh người hay ném đồ vật ở trẻ em từ 2-3 tuổi là hoàn toàn bình thường. Vì vậy, cha mẹ không nên phản ứng quá mạnh mẽ. Việc quát tháo hay đánh trẻ không những khó thay đổi hành vi mà còn có thể làm tình trạng tồi tệ hơn. Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến bé giận dữ. Nếu đó là hành vi ăn vạ hoặc đòi hỏi, việc chuyển hướng sự chú ý của bé sang một hoạt động khác mà bé yêu thích sẽ là cách giải quyết hiệu quả hơn.
Bà Lê Thị Phương Thúy cũng cho rằng, thay vì sử dụng đòn roi, cha mẹ có thể áp dụng hình thức thưởng phạt dựa trên sở thích của bé. Ví dụ, khi bé có hành vi không tốt, cha mẹ có thể phạt bằng cách không cho bé ra ngoài hoặc không cho bé chơi đồ chơi yêu thích. Khi trẻ nhận thức được lỗi sai và sửa chữa, đôi khi chỉ cần một lời khen ngợi từ người lớn cũng giúp bé dần hình thành thói quen và hành vi tích cực.
Là cha mẹ, ai cũng mong con mình trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Tuy nhiên, điều này không thể tự nhiên mà có, mà phải được nuôi dưỡng qua từng hành động, lời nói và cách ứng xử của người lớn trong gia đình. Một đứa trẻ 3 tuổi chưa thể nhận thức đầy đủ các hành vi sai lệch, nhưng chúng có thể cảm nhận được thái độ của bố mẹ qua cách xử lý bình tĩnh, nhẹ nhàng khi giải quyết vấn đề. Nếu bố mẹ phản ứng quá mạnh, la hét hay tức giận, trẻ sẽ càng có xu hướng phản ứng mạnh mẽ hơn.
“Lá vàng là bởi đất khô - Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình” là câu nói sâu sắc, nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc làm gương cho con. Sống cùng con trẻ, các thành viên trong gia đình cần tự học hỏi và rèn luyện kỹ năng ứng xử. Khi trẻ cư xử đúng mực, hòa đồng với mọi người, người thân cần động viên, khuyến khích. Cha mẹ trưởng thành và hiểu biết sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển và tương lai của con cái.