Cay sống mũi khi biết lý do cuốn sổ bán hàng của bà ngoại ghi chi chít nợ hết năm này qua năm khác

NHẬT TÂN

VHO - Nếu bà không bán nợ thì những người già ở nhà hết tiền, không có đồ để dùng, tội lắm. Khi nào con cái về, họ mang trả tiền bà cũng được.

Quê tôi là một ngôi làng ven sông, vẫn còn nghèo lắm. Làng dường như chỉ có người già và trẻ em. Cứ chiều chiều người già dắt trẻ con đi hóng gió hay ngồi dưới gốc đa, rặng tre. Lớp thanh niên và trung niên đều vắng bóng vì đi làm xa nhà.

Có người đi biền biệt cả tuần, cả tháng mới về qua nhà một lần. Cũng có người rời nhà từ lúc tờ mờ sáng ra bến đò để sang bên kia sông làm thuê cho đến tối xẩm mới về. Chỉ có những ngày lễ, tết, không còn ai thuê mướn nữa thì làng đông vui đến lạ.

Cay sống mũi khi biết lý do cuốn sổ bán hàng của bà ngoại ghi chi chít nợ hết năm này qua năm khác - ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Bà ngoại tôi có 4 người con và chỉ cậu út làm gần nhà, số còn lại cũng đều đi làm xa ở phía bên kia sông, mãi tối mới về. May mắn nữa là các con của bà xây dựng gia đình cũng ở quanh làng nên có công có việc gì chỉ cần báo trước thì luôn quây quần đầm ấm.

Trong số những người con của bà thì cậu út là khá giả nhất. Cậu dù không đi làm biền biệt như nhiều người ở làng nhưng vì làm hiệu trưởng một trường học nên bận tối ngày. Bà ở cùng cậu nên cũng quen với cảnh sáng cậu đi làm và mỗi tối trở về nhà.

Nhưng rồi, không hiểu vì lý do gì, bà ngoại lại mở một sạp bán hàng ở ngay nhà. Bà bảo nhà ở mặt đường không to lắm nhưng xung quanh vẫn đông người và bán được.

Sạp hàng nhỏ của bà được bày bán với những thứ như: chai nước ngọt, cái bánh đa, bánh quế, bỏng ngô, gói muối, chai mắm... Điều đáng chú ý là bà bán hàng tính ra lãi lờ chẳng đáng là bao mà sổ nợ thì ghi chi chít từ hộp diêm, lạng chè...

Mấy cậu, dì và mẹ tôi chỉ biết thở dài và bảo bà đừng bán hàng nữa kẻo có ngày cụt vốn. Cậu út thì gay gắt hơn, cho rằng bà già rồi, sao cứ làm khổ mình vậy, đang yên đang lành ở nhà chơi cho vui, cho khỏe lại đùng đùng đi bán hàng. Ngần này tuổi đầu còn bon chen bán hàng làm gì cho con cái mang tiếng bắt mẹ già gánh vác kinh tế.

Tuy vậy, ai nói gì thì nói bà vẫn cần mẫn ngồi bán hàng. Bà bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ ấy và tiếp tục bán hàng, mặc kệ cuốn sổ ghi nợ ngày một dày thêm.

Là đứa cháu gái ở gần bà ngoại nên trừ lúc bận học ra, tôi lại sang nhà bà chơi và quan sát thấy cách hàng xóm trả nợ. Thường thì cuối tháng bà sẽ được mọi người trả nợ nhiều nhất. Có thêm tiền này, bà sẽ mua hàng gối cho những tháng sau.

Cũng có những nhà cuối tháng, con cái trở về nhưng không dư giả vì trăm ngàn lý do như ít việc, chủ nợ lương, ốm đau… khiến họ không có tiền trả nợ cho bà. Phải đợi đến mùa vụ thu hoạch xong họ bán thóc, gạo mới có tiền trả bà.

Có những nhà thì lại sang gạ bà trả nợ bằng thóc hay gạo. Bà thấy hoàn cảnh của họ như thế thì luôn bảo sẽ cho nợ tiếp, không phải băn khoăn nhưng người ta nhất quyết phải trả để người làng còn nhìn mặt nhau. Hoặc có khi là để trả hết món nợ mà còn có cớ nợ tiếp những lúc sau này.

Không thể từ chối được, thành ra bà phải nhận gạo, nhận thóc. Mỗi nhà một loại gạo, loại thóc khác nhau cũng chẳng sao, bà nhận tất và không kén chọn. Thóc thì bà đi sát, rồi tất cả gạo đó bà để riêng một cái chum to chỉ có bà và tôi biết bí mật này.

Bà dặn ngày thường, mọi người đi làm hết chỉ có bà thì sẽ nấu cơm bằng gạo ở cái chum đó. Còn các dịp lễ lạt, có khách hay khi nào con cháu về thì không được đong gạo nấu cơm ở cái chum đó.

 Bát cơm có thể nhiều vị, nhưng bà bảo ăn vẫn ngon vì cảm nhận đó là tấm lòng của người quê mình. Lúc đó tôi còn quá bé để nhận biết độ ngon của thứ gạo lẫn lộn nhưng nghe bà nói về tấm lòng người trả nợ, cùng ánh mắt rạng rỡ của bà, đôi khi tôi còn xin ăn thử ngon lành. Tôi không có chút lấn cấn gì và thấy hình như gạo nào khi nấu thành cơm cũng giống nhau.

Có lần nghe người lớn cằn nhằn nhiều về việc bà đi bán hàng mà không thể ngăn cản được, tôi liền hỏi bà.

-       Bà ơi sao cả nhà mình đều không muốn bà bán hàng mà bà cứ bán thế?

Bà ôm chặt tôi vào lòng thủ thỉ bảo:

- Người quê họ nghèo lắm con à, nhưng dù nợ thế nào thì họ cũng sẽ trả. Họ đi làm xa, có khi cuối tháng hay cuối năm mới về và có tiền. Nếu bà không bán nợ thì những người già ở nhà hết tiền, không có đồ để dùng, tội lắm. Khi nào con cái về, họ mang trả tiền bà cũng được. Những lúc ấy bà biết ngay là con nhà đấy đã về, vui lắm.

Ngừng một lúc, bà cũng bảo thêm:

 - Con cái đi làm hết, các cháu cũng đi học hết, mãi tối mới về nhà, một mình bà ở nhà không có ai nói chuyện, buồn chán lắm. Bà bán hàng cũng là cách để được nói chuyện hỏi han với mọi người.

Nghe bà nói, sống mũi tôi cay cay...