Cảnh báo xâm phạm tình dục trẻ em qua môi trường mạng

VHO- “Tại Việt Nam, tình hình xâm hại tình dục trẻ em phổ biến nhất với xấp xỉ 75% tổng số các vụ xâm hại trẻ em, nhưng thực tiễn việc phòng ngừa chưa được toàn diện”, đó là phát biểu được đưa ra tại Hội thảo khoa học Phòng ngừa các tội xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 26.7 vừa qua bằng hình thức trực tuyến.

Cảnh báo xâm phạm tình dục trẻ em qua môi trường mạng - Anh 1
 

 Cần hướng dẫn phụ huynh hoặc người có trách nhiệm chăm sóc trẻ các biện pháp giám sát, theo dõi để ngăn ngừa, phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng (ảnh minh họa)

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi và thảo luận các vấn đề pháp lý liên quan đến vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta.

Môi trường mạng là “con dao hai lưỡi”

TS Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng, hiện nay vấn đề xâm hại tình dục trẻ em có thể diễn ra khắp mọi nơi, từ tiếp xúc cơ thể cá nhân đến thông qua môi trường mạng, song việc phòng ngừa loại tội phạm này trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. “Trẻ em ngày nay hầu như được tiếp cận môi trường mạng một cách thường xuyên. Ở đó cũng có chức năng tìm hiểu, học tập, giải trí, giao tiếp, tương tác mà khó có thể tách các em ra được. Hơn nữa không thể cấm đoán, làm hạn chế khả năng tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ em trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường có thể trực tiếp, gián tiếp xâm phạm tình dục trẻ em như sử dụng hình ảnh trẻ em vào mục đích khiêu dâm, rủ rê, lôi kéo trẻ em vào các hành vi tình dục trái phép”, chuyên gia này lo lắng.

Bà Trần Kim Chi, Khoa Luật Hình sự cho hay, cũng giống như hành vi bóc lột tình dục trẻ em thông thường, hành vi bóc lột tình dục trẻ em thông qua phương tiện thông tin, truyền thông cũng có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm tất cả các hành vi có tính chất bóc lột tình dục trẻ em mà một số hoặc toàn bộ các giai đoạn có kết nối với môi trường không gian mạng…

Tổng hợp số liệu thống kê của ngành Tòa án cho thấy, từ năm 2015-2020, Tòa án đã xét xử trên 8.300 vụ án thuộc nhóm xâm phạm tình dục trẻ em (không bao gồm mua dâm người chưa thành niên). Trong đó, số vụ án giao cấu với trẻ em chiếm tỷ trọng cao nhất với 51,4% (gần 4.300 vụ), tiếp theo là số vụ án hiếp dâm trẻ em với 32,5% (trên 2.700 vụ) và án dâm ô trẻ em chiếm 15,2% (trên 1.200 vụ)... Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý vấn nạn trẻ em bị xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục được cho là chưa kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, trong quá trình chứng minh các hành vi xâm hại tình dục trẻ em cũng gặp nhiều khó khăn… “Các biện pháp phòng ngừa xâm phạm tình dục trẻ em còn đơn điệu, chưa đa dạng và đặc biệt là ít chú ý triển khai các biện pháp phòng ngừa xâm phạm tình dục trẻ em qua môi trường mạng. Nhiều bậc phụ huynh còn hạn chế khả năng sử dụng mạng so với con em nên không thể hướng dẫn, giám sát các em sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc hướng dẫn trẻ em kỹ năng sử dụng mạng sao cho lành mạnh, có ích và tránh những rủi ro bị xâm hại tình dục, cần hướng dẫn phụ huynh hoặc người có trách nhiệm chăm sóc trẻ các biện pháp giám sát, theo dõi để ngăn ngừa, phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục qua môi trường này”, TS Lê Nguyên Thanh nhấn mạnh.

Cần quy định lại độ tuổi “trẻ em”

So sánh dưới góc độ các quy định pháp lý của quốc tế, bà Trần Kim Chi cho rằng các quy định pháp luật về tuổi và chế tài phạt của pháp luật hình sự Việt Nam cần được cân nhắc và tiếp thu từ các văn kiện pháp luật quốc tế về quyền trẻ em. Cụ thể, hiện nay độ tuổi “trẻ em” của pháp luật hình sự Việt Nam là dưới 16 tuổi, trong khi theo Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (CRC) 1989 là dưới 18 tuổi. Về vấn đề này, TS Lê Huỳnh Tấn Duy, Trưởng bộ môn Luật Tố tụng hình sự, Khoa Luật Hình sự cho rằng, dưới góc độ lập pháp, việc sửa đổi tuổi “trẻ em” sẽ dẫn đến thay đổi hàng loạt về các nhóm đối tượng liên quan (trẻ em, trẻ vị thành niên…), do đó có nhiều lý do để vẫn chưa thể thực hiện hoàn toàn. Bên cạnh đó, về thủ tục giải quyết vụ án hình sự về các tội phạm xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi, TS Duy nhấn mạnh, những tổn thương mà nạn nhân phải gánh chịu lần nữa trong giai đoạn tố tụng, đi tìm sự thật cũng là tổn thương của nền tư pháp. Do đó, cần phải có sự cân nhắc trong đề xuất gia tăng và siết chặt các quy định tố tụng về xâm phạm tình dục trẻ em.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, thời gian qua có nhiều trường hợp trẻ em thiếu sự quản lý của gia đình nên bị xâm hại tình dục bởi khách du lịch nước ngoài. Những người này thường đi du lịch ở các nước, có kết hợp tìm việc làm, dạy học... Trong số đó có những người có nhân cách tình dục lệch lạc, thậm chí có tiền án, tiền sự về xâm phạm tình dục ở các quốc gia. Mục đích của họ là du lịch kết hợp thỏa mãn nhu cầu xâm phạm tình dục trẻ em. Vì vậy, các ngành chức năng như Công an, Cơ quan văn hóa, thể thao, du lịch, ngoại giao cần phát hiện sớm những người này hoặc những tour du lịch có dấu hiệu xâm phạm tình dục trẻ em để ngăn chặn kịp thời. Biện pháp giám sát, khai thác thông tin liên ngành hoặc qua cơ chế hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin với các tổ chức như Interpol, UNODC cũng góp phần ngăn chặn tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em.

Đào sâu hơn về các nguyên nhân và điều kiện sản sinh tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, TS Phạm Thái, Phó Trưởng khoa Luật Hình sự cho rằng, chính áp lực, sự tự ti và lệch lạc trong tâm lý bài trừ xã hội là một trong những nguyên tố tác động đến việc hình thành tội phạm. Lại nhìn nhận thêm, vòng xoáy nạn nhân lại trở thành người phạm tội cũng là một vấn đề cần được quan tâm và siết chặt. 

 ANH HUY

Ý kiến bạn đọc