Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bình đẳng giới

VHO- Lần đầu tiên, một báo cáo đầy đủ về bình đẳng giới (BĐG) tại Việt Nam được các tổ chức quốc tế và Bộ LĐ,TB&XH thực hiện.

Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bình đẳng giới - Anh 1

 Các đại biểu chia sẻ về những tiến bộ, rào cản và khuyến nghị thay đổi về BĐG tại Việt Nam

Những phân tích của báo cáo đã chỉ ra rằng BĐG không phải là vấn đề bên lề, mà là cốt lõi đối với chất lượng, sự lâu dài và những tiến bộ thu được từ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nguồn gốc của bất BĐG là định kiến giới

Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women Việt Nam), Đại sứ quán Australia phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo “Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021”. Đây là lần đầu tiên có một báo cáo tổng quát về bình đẳng giới được thực hiện ở Việt Nam bởi không chỉ đề cập dưới góc độ nam và nữ mà áp dụng lăng kính rộng hơn về bình đẳng giới bao gồm các thảo luận về bản dạng giới và xu hướng tình dục, đồng thời nhấn mạnh dữ liệu liên quan đến các vấn đề mang tính liên tầng như dân tộc, tình trạng khuyết tật, độ tuổi… Theo bà Trần Bích Loan, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, báo cáo là cơ sở để Bộ LĐ,TB&XH thực hiện rà soát chiến lược Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và trình hồ sơ báo cáo Chiến lược 2021-2030; là nền tảng để xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐG của Việt Nam.

Được thực hiện trong vòng một năm, báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 hội tụ kiến thức, ý kiến tham mưu và cống hiến của tập thể nhiều cơ quan và cá nhân, kết hợp giữa chuyên môn trong nước và quốc tế. Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho biết: “Những phân tích của báo cáo đã chỉ ra rằng bình đẳng giới không phải là vấn đề bên lề phụ, mà là cốt lõi đối với chất lượng, sự lâu dài và những tiến bộ thu được từ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Vì vậy, để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bình đẳng giới. Chúng ta cần hành động ngay lập tức và báo cáo đã đưa ra định hướng rõ ràng thông qua những khuyến nghị cụ thể”.

Báo cáo đã góp phần xác định các vấn đề giới hoặc bất bình đẳng trên mọi lĩnh vực như quản trị, lao động, nông nghiệp, kinh doanh, giao thông vận tải và kết nối, phát triển đô thị, đời sống gia đình, bảo trợ xã hội, di cư và biến đổi khí hậu... Trong đó nhấn mạnh, nguồn gốc của bất BĐG tại Việt Nam là định kiến giới, khuôn mẫu giới còn ăn sâu vào quan niệm, văn hóa, lối sống của người dân.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị tăng

Tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ lễ công bố, bà Phạm Thu Hiền, thành viên ban soạn thảo cho rằng, một trong những thành công trong BĐG tại Việt Nam là tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị tăng, thể hiện ở tỷ lệ tham gia Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 là trên 30%, cải thiện đáng kể vị trí nữ trong xếp hạng của thế giới, lên thứ 58/100 nước, tăng hơn 20 bậc, là bước nhảy vọt đang ghi nhận. Đây là nhiệm kỳ 2, phụ nữ tham gia Quốc hội đạt tỷ lệ trên 30%, lần đầu tiên đạt được năm 1975. Nhưng điều này cũng chưa làm chúng ta mừng vội, bởi nhìn ở góc độ khác là hệ thống lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo ở các cấp, các ngành, địa phương thì phụ nữ đang có tỷ lệ rất thấp. Ví dụ trong 22 Bộ trưởng và cơ quan ngang Bộ chỉ có 2 nữ là người đứng đầu, chiếm 9%, trong khi mức toàn cầu là 22%; có 105 Thứ trưởng nhưng chỉ có 9 nữ, tỷ lệ phụ nữ là ủy viên Trung ương Đảng cũng chỉ là 10%; cấp Vụ trưởng chỉ có 13%. “Điều này cho thấy nhìn bức tranh đa màu sắc, có tia sáng, hy vọng nhưng cũng nhiều trăn trở”, bà Phạm Thu Hiền nói.

Cũng theo bà Hiền, BĐG không chỉ nhìn ở tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị, mà còn là lãnh đạo, quản lý trong nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Kết quả nghiên cứu của thế giới cho thấy, nếu doanh nghiệp có phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo thì tăng hiệu quả tài chính, tỷ lệ sinh lời trên tài sản và đến năm 2025 sẽ tăng 12.000 tỉ USD doanh thu. “Nếu có phụ nữ lãnh đạo là rất tốt, nhưng họ phải được đào tạo, phải được quy hoạch sớm để phát triển nguồn nhân lực và hiệu quả lãnh đạo, hiệu quả quản trị chứ không chỉ đơn thuần là BĐG”, bà Hiền nhấn mạnh.

Bổ sung ý kiến, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội lý giải tại sao tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị thấp: “Vì nhận thức của chúng ta về vai trò, nhận thức của chúng ta về giới khác. Tôi hỏi người dân địa phương ở một số tỉnh, nếu nếu năng lực giữa nam và nữ là như nhau thì các bác bầu ai. Họ trả lời bầu cho nam giới, vì phụ nữ phải ưu tiên cho gia đình, nếu đêm hôm có vấn đề gì thì chỉ trông vào nam giới. Trong kinh tế cũng vậy, khi tôi hỏi một phụ nữ bán hàng rằng, tại sao chị làm công việc này thì họ nói, vì có nhiều thời gian dành cho gia đình, chồng đi làm thì ai nấu cơm, chăm sóc con cái. Điều này giải thích tại sao năng lực phụ nữ chưa được khai thác triệt để”. Bà Khuất Thu Hồng cũng bày tỏ niềm tự hào khi mấy ngày trước nữ võ sĩ boxing Thu Nhi đã nhận huy chương vàng thế giới, mà chưa một võ sĩ nam nào làm được. Đồng thời cho rằng, phụ nữ có bà Mai Kiều Liên, Thái Hương, Nguyễn Thị Phương Thảo hay có những đầu bếp, thợ làm tóc… nam rất giỏi, cho thấy cần phải cởi trói, thay đổi nhận thức xóa bỏ khuôn mẫu giới cứng nhắc đã hạn chế tài năng, đóng góp của nam và nữ khiến họ không thể song song cùng tiến bước, làm chậm bước tiến BĐG của chúng ta.

Đây cũng là một trong những nội dung khuyến nghị của Báo cáo. Trong đó nêu bật ba lĩnh vực hành động chính gồm: Tăng cường thực hiện các cam kết hiện có về bình đẳng giới; Giải quyết các rào cản cơ bản đối với bình đẳng giới và Thúc đẩy tiến bộ bình đẳng giới trong thập kỷ tới. Từ đó ưu tiên về nguồn tài chính, xây dựng chương trình và vận động chính sách nhằm thúc đẩy các kết quả và khắc phục những rào cản đối với bình đẳng giới ở Việt Nam. 

 NGUYỆT MINH

Ý kiến bạn đọc