Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng

VHO- Bất kỳ trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng, dụ dỗ qua mạng, thậm chí bị tấn công xâm hại tình dục qua mạng.

Ngày 28.5, Bộ TT&TT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (Unicef) Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, cơ quan và tổ chức quốc tế hoạt động vì trẻ em trên lãnh thổ Việt Nam về Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” giai đoạn 2020 - 2025.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, theo số liệu năm 2019 của Unicef và Liên minh Viễn thông thế giới, trên thế giới có 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi và cứ 3 người truy cập Internet thì có 1 trẻ em. Hiện, ở Việt Nam có hơn 24 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Đây là thế hệ đón nhận nhanh nhất và chịu tác động mạnh mẽ nhất của Internet, đặc biệt khi công nghệ và Internet đã len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tuy nhiên, trên môi trường mạng còn thiếu nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em như cách chúng ta đang bảo vệ trẻ em làm trong cuộc sống thực như gia đình, bạn bè, người thân, nhà trường, trung tâm chăm sóc và bảo trợ trẻ em… Chính vì vậy, Đề án được xây dựng nhằm 2 mục đích gồm: Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tức là bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ chung tay tham gia phát triển ứng dụng, sản xuất các nội dung bổ ích, giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện của Unicef tại Việt Nam cho biết, bất cứ thời điểm nào, trên khắp thế giới có khoảng 750.000 kẻ đang ngồi tìm kiếm các hình ảnh, video về tình dục trẻ em. Cũng có khoảng từng ấy hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em được đăng tải lên Internet mỗi ngày, trong đó có cả trẻ dưới 2 tuổi. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tỷ lệ trẻ em truy cập mạng cao nhất thế giới. Theo thống kê năm 2019, tỷ lệ này là 57%, dự đoán năm 2023 sẽ tăng lên 75%. Tỷ lệ này cũng tương ứng ở Việt Nam. Hiện, Việt Nam có hơn 24 triệu trẻ em dưới 16 tuổi. Khi công nghệ và Internet len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống, trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao dễ tiếp cận thông tin không lành mạnh.

Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho rằng việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần được thực hiện như bảo vệ trẻ em ở môi trường bình thường. Cục An toàn thông tin đang đề nghị Bộ GD&ĐT đưa nội dung này vào chương trình học bắt buộc, có thể đưa vào môn tin học trong nhà trường, ngoài kỹ năng lập trình thì cần hệ thống hoá trong nội dung giảng dạy cho trẻ từ cấp 1.

Bộ TT&TT cũng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ chung tay tham gia phát triển các ứng dụng, sản xuất các nội dung bổ ích giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Bà Lesley Miller cho biết, để thực hiện được những cam kết bảo vệ quyền trẻ em cần các yếu tố cốt lõi gồm: Trẻ em phải là trung tâm của những giải pháp mang tính chất liên ngành, không được làm giảm cơ hội học tập, khám phá với nguồn thông tin số trong khi đưa ra các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng" giai đoạn 2020-2025 được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ TT&TT xây dựng. Dự kiến, Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 6/2020.

CHINHPHU.VN

Ý kiến bạn đọc