Bảo vệ phụ nữ và các em gái: Hãy cùng lên tiếng
VHO- Bất cứ ai cũng có thể trở thành “soái ca, soái tỷ xe bus”, không phải là nhờ một vẻ ngoài đẹp mà là nhờ những hành động đẹp, bắt đầu từ việc lên tiếng tố giác khi chứng kiến các hành động quấy rối, mất an toàn và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và các em gái...
Nhiều ý kiến được đưa ra tại Tọa đàm
Những chia sẻ của các “soái ca, soái tỷ” và cả những nữ sinh viên là hành khách xe bus tại Hội thảo “Bảo vệ sự an toàn của hành khách và em gái nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng” đã cho thấy nhận thức và hành động quyết tâm xử lý những hành vi quấy rối tình dục nói chung và trên xe bus nói riêng.
Vượt qua nỗi sợ để chấm dứt hành vi xấu
Gần 100 các phụ xe, lái xe bus đã có mặt tại Hội thảo “Bảo vệ sự an toàn của hành khách và em gái nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội tổ chức. Đây là một trong những nỗ lực thúc đẩy các bên trong giải quyết vấn đề bạo lực giới, xây dựng ngành dịch vụ vận tải hành khách công cộng an toàn, thân thiện, không có bạo lực giới và quấy rối tình dục với phụ nữ, trẻ em gái và cộng đồng.
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm công việc vận tải hành khách, anh Lê Hoàng và anh Nguyễn Cửu Long chia sẻ về những tình huống hành khách bị quấy rối cần được hỗ trợ. Các anh cũng cho biết thêm, có rất nhiều trường hợp nạn nhân, người chứng kiến hoặc nhân viên không dám lên tiếng. Ở góc độ nạn nhân, họ thường có tâm lý sợ bị đổ lỗi, sợ ánh nhìn kỳ thị hoặc thương hại quá mức của những người xung quanh. Còn đối với nhân viên phục vụ, do đặc thù làm việc hằng ngày trên một xe, một tuyến đường nên cũng có nguy cơ bị thủ phạm đe dọa hoặc trả thù. Tuy nhiên, mọi người cần vượt qua nỗi sợ của mình, lên tiếng tố giác để các hành vi này không còn lặp lại. Thông thường khi nạn nhân bày tỏ cần được trợ giúp, lái xe và phụ xe có thể yêu cầu nạn nhân hoặc thủ phạm đổi chỗ, hoặc nếu hành vi nghiêm trọng sẽ đưa đến cơ quan có thẩm quyền gần nhất để được xử lý.
Chị Nguyễn Thị Nhung, nhân viên phục vụ xe cho biết: “Mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho hành khách trên xe bus. Điều quan trọng nhất là nạn nhân cần lên tiếng kêu gọi sự trợ giúp. Điều này tuy khó nhưng đây là cách duy nhất để chúng tôi hoặc những hành khách khác có thể hỗ trợ”.
Ai cũng có thể trở thành người hùng
Ở góc độ một người trẻ, đồng thời là hành khách, nữ sinh Kim Ngân đề xuất: “Đối với các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước nên xây dựng khung pháp lý xử phạt cao hơn để kẻ quấy rối, xâm hại không dám tái phạm, các trung tâm, lái phụ xe cùng tham gia cam kết xử lý và bảo vệ nạn nhân bị quấy rối. Cần tuyên truyền tới các bạn trẻ về trường hợp đã gặp, đồng thời phải đi kèm các giải pháp”. Chia sẻ tâm trạng của những người bạn cùng trang lứa thường hay gặp bị quấy rối và trêu ghẹo thô bạo trên xe bus, nữ sinh Kim Ngân bày tỏ mong muốn không chỉ các lái xe, phụ xe mà tất cả các hành khách trên các chuyến xe bus cùng có sự phối hợp và có hành động cụ thể để bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em gái khi bị quấy rối.
Anh Ngô Đăng Thắng, nhân viên lái xe cho rằng: “Để làm tốt công tác bảo vệ hành khách, chúng ta cần làm tốt về công tác tuyên truyền như dán poster trên xe bus, đặc biệt là tuyên truyền phổ biến về các quy định của pháp luật trong việc xử lý quấy rối tình dục nơi công cộng, vì khi nắm được quy định của pháp luật thì các lái xe, phụ xe mới có căn cứ để ứng phó với kẻ quấy rối”.
Giám đốc Chương trình Viện MSD Trần Vân Anh chia sẻ: “Viện MSD cùng với Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội và Plan vừa kết thúc 6 lớp tập huấn cho hơn 200 lái, phụ và nhân viên phục vụ hành khách xe bus về bình đẳng giới và cách phòng ngừa và ứng phó với các tình huống quấy rối xảy ra nơi công cộng và trên phương tiện công cộng. Tôi tin rằng, những thông tin và kiến thức sẽ giúp các anh, chị đang hoạt động trong ngành giao thông vận tải công cộng có thể nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội, là nguồn trợ giúp tin cậy của hành khách”.
Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua đã tổ chức 51 khóa tập huấn cho gần 2.000 lái xe và bán vé xe bus về các vấn đề bình đẳng giới và bạo lực giới nơi công cộng, Lắp đặt các hệ thống truyền thông, hướng dẫn sử dụng xe bus an toàn, Rà soát các điểm nhà chờ xe buýt không an toàn để cải thiện hệ thống nhà chờ phù hợp với tình hình thực tế; Tăng cường hệ thống wifi trên hệ thống xe buýt để hỗ trợ hành khách sử dụng công nghệ thông tin trong việc can thiệp và trình báo tới cấp có thẩm quyền.
Tại hội thảo, đại diện các bên tham gia đã cùng ký thể hiện cam kết cùng lên tiếng và hành động để bảo vệ sự an toàn của hành khách và em gái nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, lên tiếng và hành động để xây dựng những thành phố an toàn, thân thiện cho tất cả mọi người.
Từ những chia sẻ của các khách mời tại Hội thảo “Bảo vệ sự an toàn của hành khách và em gái nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng” đã thấy rất rõ thông điệp gửi tới cộng đồng xã hội: Bất cứ ai cũng có thể trở thành “soái ca, soái tỷ” xe bus, không phải là nhờ một vẻ ngoài đẹp mà là nhờ những hành động đẹp, bắt đầu từ việc lên tiếng tố giác khi chứng kiến các hành động quấy rối, mất an toàn và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân để cùng hướng tới những tuyến xe bus an toàn, thân thiện cho tất cả mọi người.
HIỀN LƯƠNG