Bạo hành, ngược đãi trẻ em: Còn nhiều vấn đề cần lời giải đáp
VHO- Đến giờ, sự việc bé gái 8 tuổi bị người tình của bố bạo hành đến chết vẫn khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Trao đổi với Văn Hóa, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực PCBLGĐ cho rằng ngoài hành vi tàn bạo, dã man, mất hết tính người của các đối tượng phạm tội, có phần không nhỏ trách nhiệm từ cộng đồng, xã hội và chính cơ quan chức năng.
Chúng ta hay là “không ai cả”
Mỗi vụ án liên quan đến trẻ em đều tác động đến thẳm sâu trong lương tri của mỗi người trong cộng đồng. Tôi nghĩ rất nhiều người trong chúng ta, bên cạnh sự bức xúc, xót xa thì đã tự vấn lương tâm, rằng mình đã từng thờ ơ khi thấy những dấu hiệu trẻ em gặp hiểm nguy mà mình từng gặp chưa. Bảo vệ trẻ em, phụ nữ, người yếu thế không chỉ trước nạn bạo hành, mà còn là hành động của chúng ta vì một môi trường an toàn. Đó là việc trẻ em được giáo dục đầy đủ về quyền và cách ứng phó. Tổng đài 111 quảng cáo ở mọi nơi, nhưng làm sao để các em biết được thế nào là bị bạo hành để cầu cứu? Đó còn là kiến thức tiền hôn nhân để nam, nữ trước khi kết hôn biết trước các tình huống để xử lý, kể cả xử lý về ly hôn. Đó là việc đối diện và xử lý những tổn thương của chính mình, cơn tức giận cuồng nộ của chính mình. Đó là việc nhận diện và dám tố cáo khi thấy các dấu hiệu có thể trẻ em hay người lớn bị bạo hành. Đó là việc cần có các hướng dẫn cụ thể cho bảo vệ các toà chung cư, các trưởng thôn, khái niệm về bạo hành gia đình và các cách hỗ trợ.
Đừng để cái chết của trẻ em đi qua trong sự phẫn nộ, tức giận, rồi chỉ dừng ở việc xét xử nghiêm minh. Chúng ta cần ngăn chặn không để các vụ việc tiếp tục xảy ra. Những vụ án tương tự trước đây kẻ thủ ác đã bị xử theo đúng pháp luật, nhưng rồi lại có những nạn nhân mới. Mức độ nghiêm trọng có thể còn lớn hơn trước đó. Chúng ta cần hành động nhiều hơn, thúc đẩy môi trường an toàn thông qua thiết chế xã hội và khích lệ tính trách nhiệm trong mỗi công dân. Xử lý một vụ việc đến nơi đến chốn là cần thiết, nhưng xây dựng hệ thống bảo vệ người yếu thế cũng cần thiết hơn rất nhiều. Tức giận đến rất nhanh và rồi cũng sẽ qua đi thường không lâu sau đó. Chúng ta đã có thể căm giận hoặc nhanh chóng đóng góp tài chính giúp đỡ những người không may mắn thì chúng ta cũng có thể góp sức mình, giản dị thôi, từ vị trí, công việc của mình để giảm thiểu bạo lực gia đình, hạn chế thấp nhất những vụ việc đau lòng…
(Bà NGUYỄN VÂN ANH, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên - CSAGA)
BLGĐ xảy ra bởi sự vô cảm, thiếu trách nhiệm
Liên quan việc cháu V.A tử vong, cư dân ở chung cư nơi xảy ra sự việc chia sẻ có nghe thấy tiếng kêu khóc của trẻ, tiếng la hét của người lớn vang ra từ căn hộ trong thời gian dài. Họ nói từng báo bảo vệ, ban quản lý… rồi chỉ dừng ở đó. Ban quản lý chung cư lại cho rằng không ghi nhận bất kỳ thông tin phản ánh nào về việc cháu bị BLGĐ. Nếu mọi người xung quanh đừng bàng quan mà quyết liệt hơn khi biết tình trạng bạo hành cháu kéo dài thì chắc không có cái chết tức tưởi, đau đớn của cháu.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh tới sự vô cảm, thiếu trách nhiệm và lặng lẽ đi qua những hành vi bạo lực theo kiểu “sống chết mặc bay”, “chuyện nhà người khác”. Rõ ràng ý thức phòng, chống BLGĐ của người dân còn thấp, lẽ ra họ phải ngay lập tức can thiệp, yêu cầu các cơ quan chức năng phải hành động bảo vệ nạn nhân. Bản chất cái chết của cháu gái 8 tuổi vừa qua không phải là sự thiếu nhận biết của người bố bởi anh ta không thể không biết về việc con mình bị bạo lực với các vết thương tích, sự sợ hãi của con với hung thủ. Vấn đề ở đây là anh ta cố tình thờ ơ với sự an toàn của con và thoả hiệp, thậm chí thông đồng để mặc cho đứa trẻ bị bạo lực nghiêm trọng như vậy. Có thể chính anh ta cũng hùa vào và có hành vi bạo lực với đứa trẻ. Nhiều người bố, sau khi li dị vì tư thù cá nhân, vì tính ích kỷ hẹp hòi của mình mà không nghĩ đến lợi ích tốt nhất cho con. Họ đấu tranh đến cùng để giữ đứa trẻ bên cạnh nhằm thỏa mãn sự hiếu thắng của bản thân hoặc ngăn cản người mẹ thăm, gặp con. Xin đừng biến con cái của mình trở thành công cụ để trả thù cho sự hiếu thắng cá nhân.
Cháu V.A bị đánh đập ở tình trạng đang học, đây cũng là bài học cảnh tỉnh với những bậc phụ huynh cần điều chỉnh hành vi cũng như phương pháp dạy con. Hầu hết đòn roi đánh con xuất phát từ sự giận dữ chứ không thể nguỵ biện “thương cho roi, cho vọt”. Là bậc cha mẹ, hơn hết cần phải hiểu về đặc điểm tâm sinh lý của từng độ tuổi để có những phương pháp giáo dục hay ứng xử phù hợp. Sự nóng giận, đòn roi không khiến đứa trẻ trở nên tốt hơn mà nó chỉ khiến tăng thêm khoảng cách, sự khủng hoảng và tâm lý tiêu cực trong mỗi đứa trẻ.
(PGS.TS TRỊNH HÒA BÌNH)
Có trách nhiệm của các cơ quan chức năng
Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều vụ bạo hành phụ nữ, trẻ em trong gia đình khiến dư luận xã hội bức xúc. Thường những vụ bạo hành này đều do người dân phát hiện, còn chính quyền địa phương, cơ quan chức năng dường như không hề hay biết. Có rất nhiều nạn nhân bị bạo hành gia đình và mong muốn có sự trợ giúp từ chính quyền địa phương, nhưng khi họ tìm tới lại không nhận được sự trợ giúp kịp thời. Là người trực tiếp hỗ trợ, tham vấn cho những nạn nhân bị bạo lực tôi vô cùng bức xúc bởi các cơ quan chức năng dường như không nắm được quy định hoặc đã không thực thi luật pháp liên quan, hoặc xử lý rất chậm dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Có nạn nhân của tôi khi bị chồng gây bạo hành, khi tìm tới trưởng thôn, trưởng thôn cho rằng đây là chuyện của gia đình, không chịu đưa nạn nhân tới trình báo công an theo quy định. Khi được thuyết phục và nêu trách nhiệm, trưởng thôn cho nạn nhân số điện thoại để tự đi mà báo. Có rất nhiều vụ việc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thương tích hoặc chết người như vụ phụ nữ ôm con nhảy cầu tự tử ở Phú Thọ, vụ bố vợ chém chết con rể do bạo lực con gái ngay tại nhà đều là những vụ đã báo cáo chính quyền về việc bị BLGĐ. Những người thân, hàng xóm láng giềng, thôn bản thậm chí chính quyền đều biết nhưng khi vụ việc nghiêm trọng xảy ra thì không thấy ai chịu trách nhiệm cả.
Được biết Bộ VHTTDL đang xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), theo tôi nên quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng BLGĐ mà không giải quyết. Qua đó sẽ thúc đẩy hành động giải quyết hành vi BLGĐ tại cơ sở khi được báo tin hơn là che giấu, giải quyết xuê xoa như hiện nay. Hơn nữa cần quy trách nhiệm cụ thể và chế tài cho mỗi cá nhân, cơ quan có trách nhiệm giải quyết BLGĐ từ những người đứng đầu cộng đồng dân cư như trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, đến trưởng các ngành có liên quan cấp xã, bên cạnh trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương… Để ngăn chặn và giải quyết thỏa đáng tất cả những vụ việc bạo hành cần phải có cơ chế phối hợp liên ngành hành động đầy đủ trách nhiệm theo pháp luật và bất kỳ ai khi nhận được thông tin đều phải giải quyết ngay, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn cho nạn nhân.
(Bà LÊ THỊ PHƯƠNG THÚY, Chuyên gia về bình đẳng giới và PCBLGĐ)
THÚY HIỀN