Bắc Giang: Mỗi gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ no ấm, hạnh phúc hơn
VHO- UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch 377/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, giai đoạn I từ 2022 đến 2025. Qua đó, nhằm xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người.
Biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang, năm 2021. Ảnh: Sỹ Quyết
Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm của gia đình người dân tộc thiểu số về xây dựng gia đình hạnh phúc là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc, là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc. Đồng thời, phát huy, nhân rộng giá trị tốt đẹp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.
Cụ thể, mục tiêu phấn đấu 100% UBND huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2025. Trên 90% các gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa dân tộc; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số.
Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch cũng xây dựng các giải pháp cụ thể: Nâng cao trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình; chung tay giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp, các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực gia đình, đặc biệt là phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về: hôn nhân gia đình; tảo hôn, hôn nhân cận huyết; bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp, cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ xã, thôn, bản, người có uy tín. Phát huy vai trò của người có uy tín để làm gương và giáo dục con cháu về truyền thống của dân tộc, cộng đồng và gia đình.
Thực hiện tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các sở, ngành, huyện; trên kênh sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh và cơ sở các nội dung về nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho gia đình người dân tộc thiểu số về xây dựng hạnh phúc gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số; ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Biên soạn, xây dựng tài liệu, lựa chọn nội dung phù hợp xuất bản sổ tay, cẩm nang về công tác gia đình; công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Q.VY