Cần nhân rộng mô hình gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa toàn xã hội
VHO-Sáng 21.9, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Vụ Gia đình về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực gia đình hiện nay. Tham dự buổi làm việc có đại diện của Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch tài chính.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh cho biết, Vụ Gia đình là tổ chức thuộc Bộ VHTTDL, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình theo quy định của pháp luật. Được thành lập sau nhiều đơn vị trong khối tham mưu quản lý nhà nước nhưng Vụ Gia đình đã nỗ lực hoàn thành các chức năng và triển khai gần 20 nhiệm vụ thường xuyên được thực hiện hằng năm và một số việc đột xuất theo chỉ đạo của Bộ trưởng.
Hiện cả nước có gần 27 triệu hộ gia đình, tăng 4.4 triệu hộ so với năm 2009. Cả nước có 7.7% người từ 65 tuổi trở lên và 3.7% người tử 5 tuổi trở lên bị khuyết tật. Hầu hết người cao tuổi và người khuyết tật hiện nay đang sống trong gia đình và gia đình đang phải thực hiện bảo trợ đối với nhóm xã hội này. Tình trạng sinh con ở tuổi từ 10-17 tuổi (tuổi chưa thành niên) chiếm tỉ lệ 3.3% (cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc 9.7%) và Tây Nguyên (6,8%). Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ sinh con khi chưa thành niên thấp nhất (1.1%). Tỉ số giới tính khi sinh ở đồng bằng Sông Hồng 115,5 bé trai/100 bé gái. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73.6 tuổi (nam giới 71.0 tuổi, nữ giới là 76.3 tuổi). Tỉ lệ hộ gia đình 1 người tăng từ 7.2% vào năm 2009 lên 10.4% năm 2019. Mặt khác, gia đình từ 5 người trở lên lại giảm từ 28.9% xuống còn 25.1%. Số vụ ly hôn tăng, nguyên nhân lên quan đến bạo lực gia đình như bị đánh đập, ngược đãi, vợ/chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc; ngoại tình…Tổn hại kinh tế do bạo lực gia đình: theo điều tra năm 2012, khoảng 1.78% GDP năm 2020 tăng lên 2% GDP (theo điều tra của Tổng cục Thống kê và Bộ LĐ,TB&XH). Gần đây, nhiều tổ chức xã hội có nhu cầu phối hợp với Vụ Gia đình làm những chương trình tuyên truyền về gia đình như: Đài Truyền hình VN, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn LĐVN…
Vụ trưởng Vụ Gia đình cũng chỉ ra một số vấn đề thách thức đối với công tác quản lý gia đình trong giai đoạn hiện nay như vấn đề đạo đức lối sống trong gia đình đang báo động sự xuống cấp, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình đang dần mai một. Gia đình đang dần đánh mất vai trò trong giáo dục các thành viên gia đình gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc (đang dần đánh mất bản sắc gia đình VN).
Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh báo cáo tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính cũng đã nêu ra những khó khăn hạn chế trong công tác quản lý nhà nước như kinh phí sự nghiệp chi cho công tác gia đình còn hạn chế, bộ máy tổ chức thuộc lĩnh vực gia đình hiện nay đang ngày càng bị thu hẹp ở cơ sở, hầu hết đang thực hiện mang tính kiêm nhiệm. Vụ Gia đình còn có chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ công, song với cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay lại không cho phép Vụ thực hiện theo đúng chức năng được giao. Tại địa phương, hầu hết các địa phương chưa có cộng tác viên cơ sở, người đứng đầu chưa quan tâm do chưa nhận thức được đúng, đầy đủ tầm quan trọng của công tác gia đình đối với sự ổn định và phát triển của xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Vụ Gia đình trong thời gian qua và khẳng định, ở góc độ quản lý nhà nước, Vụ đã làm tốt vai trò tham mưu để giúp Bộ trình Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành các cơ chế chính sách để thực hiện tốt hơn cơ chế quản lý nhà nước về gia đình.
Thứ trưởng cho rằng, chúng ta có Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (năm 2005), Quyết định 629/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Ở góc độ quản lý nhà nước chúng ta có 4 bộ luật liên quan gia đình: Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em.
Để hoàn thiện các chính sách của Đảng, Nhà nước trong quản lý về lĩnh vực gia đình, không thể không nhắc đến vai trò tham mưu của Vụ Gia đình. “Vụ Gia đình đã giúp Lãnh đạo Bộ hoàn thành bước tham mưu cơ bản, để hoạch định chính sách đầy đủ, tạo ra khung pháp lý về lĩnh vực gia đình, giúp chúng ta điều hành và quản lý nhà nước trong lĩnh vực hết sức rộng và khó khăn này”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao Vụ Gia đình đã làm tốt chức năng hướng dẫn, nghiên cứu giúp Lãnh đạo Bộ, cơ quan hữu trách ban hành bộ tiêu chí về xây dựng gia đình. Có nhiều tiêu chí về gia đình, nhưng chúng ta đã tạo ra “gốc” để các địa phương áp dụng, trên nội hàm là sự tôn trọng, tình yêu thương, trách nhiệm, sự hòa thuận, để từ đó tiến tới gia đình tiến bộ.
Vụ Gia đình cũng đã liên kết, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thông qua các đề án phối hợp với các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… để phát huy. Những sáng tạo từ các mô hình như: “Gia đình công nhân viên chức lao động hạnh phúc”; “Gia đình 5 không 3 sạch”, mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình… đã đưa ra những tiêu chí cụ thể và đã đạt được những hiệu quả tốt góp phần ngăn chặn một phần sự xuống cấp trong gia đình hiện nay. “Đó là những định hướng đã làm nên những thành quả tích cực trong lĩnh vực gia đình trong tổng thể chung các thành tựu của văn hóa, thể thao, du lịch. Góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh giúp cho ngành văn hóa thực hiện, ngăn chặn được phần nào sự xuống cấp đạo đức”, Thứ trưởng nhận định.
Giải chạy “Gia đình chạy vì tương lai - SeABank run for the future” do Vụ Gia đình phối hợp tổ chức
Chia sẻ khó khăn với Vụ Gia đình, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong thời gian tới, Vụ cần báo cáo Thứ trưởng phụ trách để báo cáo với tập thể Lãnh đạo Ban cán sự Đảng Bộ để tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo đối với Vụ Gia đình, để tăng nguồn lực, tạo cơ chế để Vụ Gia đình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng chiến lược văn hóa trong tình hình mới. Vụ sớm tham mưu, trình cấp có thẩm quyền để tổng kết Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về công tác gia đình, từ đó, tham mưu để Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới hoặc kết luận tổ chức thực hiện.Tham mưu để Lãnh đạo Bộ báo cáo với Chính phủ chỉ đạo về Sơ kết về Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và tham mưu để có Chiến lược phát triển gia đình thời kỳ mới trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm tới. Bên cạnh đó, phối hợp với Vụ Pháp chế, các cơ quan hữu quan để xem xét, đề xuất với các Uỷ ban của Quốc hội để rà soát lại việc bổ sung, sửa đổi các điều luật quản lý về gia đình. Chủ động phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế để nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Vụ Gia đình trong tổng thể các cơ quan của Bộ, để sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về mô hình cơ quan tổ chức Chính phủ, trên cơ sở đó làm cơ cấu bên trong của Bộ. Tập trung làm tốt những nhiệm vụ đã được Bộ trưởng giao trên tinh thần trọng điểm.
Nhân điều tốt, tích cực để át đi cái xấu tiêu cực Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là trách nhiệm không chỉ của riêng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL mà của cả các Bộ, ban ngành, nhiều tổ chức, xã hội và trước hết là mỗi thành viên trong gia đình. Từng cá nhân chúng ta, ai cũng có gia đình và trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình phải bắt nguồn từ chính mỗi thành viên trong gia đình. Chính vì vậy rất cần nhân rộng hiệu quả từ nhiều mô hình hay về gia đình hạnh phúc trong xã hội. Tạo sự nỗ lực, thi đua tích cực từ mỗi gia đình để nhân cái tốt, át đi cái xấu tiêu cực đang nảy sinh trong đạo đức, lối sống gia đình hiện nay, đặc biệt là nạn bạo lực gia đình (Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng) |
THÚY HIỀN, ảnh : TRẦN HUẤN