Ứng xử trong gia đình: Vợ chồng sát cánh, hạnh phúc sẽ mỉm cười
VHO- Ôm con vào lòng, anh Trần Xuân Chính (sinh năm 1974, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) nhìn vợ Hoàng Thị Hạnh (sinh năm 1977) mỉm cười hạnh phúc. Sau 23 năm mong mỏi, vượt qua nhiều khó khăn cũng như lời đồn thổi, dị nghị của hàng xóm, cuối cùng niềm vui, hạnh phúc đã đến với gia đình anh chị.
Vợ chồng anh Chính và chị Hạnh
Chia sẻ với chúng tôi, anh Chính cho biết vợ chồng anh kết hôn năm 1995. Tưởng chừng sự ra đời của cô con gái năm 1996, sẽ chắp cánh thêm hạnh phúc, nhưng chẳng may bé qua đời vì bệnh. Sau nỗi đau mất con, anh chị động viên nhau tiếp tục cuộc sống và hy vọng những đứa con tiếp theo sẽ bù đắp, lấp đầy khoảng trống ấy. Tuy nhiên, càng mong đợi thì tiếng cười trẻ thơ như càng xa vời. Mãi đến năm 2000 nghe mọi người khuyên bảo, anh chị đến Bệnh viện Phụ sản trung ương (Hà Nội) để khám và được bác sĩ phẫu thuật vì chị Hạnh bị tắc vòi trứng. Sau khi bình phục, gia đình lại tiếp tục hy vọng và chờ đợi nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Nhớ lại những ngày tháng này, anh Chính cho biết, nhiều đêm hai vợ chồng trằn trọc không ngủ, trong đầu luôn có suy nghĩ, tại sao vợ chồng người ta suôn sẻ còn gia đình mình lại như thế?
Năm 2017, nghe lời giới thiệu và tìm hiểu trên báo chí, anh chị đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, được các bác sĩ thăm khám và tư vấn. Niềm vui đến với anh chị khi ngay lần đầu thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) chị đã có thai, nhưng chẳng được bao lâu thì thai chết lưu trong bụng mẹ. Bác sĩ lại động viên anh chị, đừng hết hy vọng và hẹn 3 tháng sau quay lại để thực hiện thêm lần nữa. “Tôi rất thương vợ, chịu thương chịu khó và chịu đựng cả chồng mình. Nhiều lần đi chơi với anh em, bạn bè nói chuyện khích bác, tôi lại buồn bực và uống rượu. Nhưng khi tỉnh rượu, tôi lại quên hết và nghĩ rằng tiếp tục cố gắng, không ghét bỏ vợ. Vợ tôi biết vậy cũng động viên, cô ấy nói không có con nhưng điều quan trọng là vợ chồng phải yêu thương nhau”, anh Chính nói.
Và rồi lần thứ hai thực hiện IVF, niềm vui đã đến khi chị Hạnh mang thai, bé chào đời ngày 12.9.2018. Có mặt tại Hà Nội nhân dịp Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội kỷ niệm 7 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản, anh chị cùng nhiều gia đình khác đến để cùng chia vui và tiếp thêm động lực cho các gia đình hiếm muộn. Theo anh Chính, hiện nay tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn gia tăng, điều này cũng làm sứt mẻ, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, nếu cả hai vợ chồng cùng đặt niềm tin, vững vàng vượt qua những khó khăn, áp lực thì hạnh phúc sẽ đến và ngày càng bền chặt.
Trường hợp của chị Lò Thị Nhung (41 tuổi, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) cũng giống hoàn cảnh của chị Hạnh, và chị đã khóc như một đứa trẻ khi biết mình mang thai. Lập gia đình từ năm 2011, chỉ một năm sau ngày cưới, vợ chồng chị vô cùng hạnh phúc khi chị mang thai. Nhưng tin dữ đến sau hai tháng khi bác sĩ thông báo thai chết lưu. Anh chị tiếp tục nuôi hy vọng chờ tiếng khóc chào đời của đứa trẻ trong gia đình, chạy chữa khắp nơi, ai mách thầy thuốc giỏi, bài thuốc hay đều tìm đến. Nhưng kết quả không như mong đợi, cuối cùng anh chị đã đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội và được các bác sĩ cho biết, chị bị suy buồng trứng sớm. Dự trữ buồng trứng của chị Nhung thấp không đủ để có thể có con tự nhiên. Các bác sĩ đã tư vấn vợ chồng chị Nhung nên làm IVF, tuy nhiên để có thể thực hiện chị Nhung phải gom trứng đủ số lượng để tạo phôi. Trải qua 5 lần gom, tháng 1.2018 chị Nhung đã tới viện kiểm tra và được các bác sĩ chuyển phôi, sau 7 ngày kết quả như mong chờ và hạnh phúc đã đến với gia đình khi một bé trai chào đời khỏe mạnh vào tháng 9.2018. “Chúc cho các gia đình hiếm muộn trên hành trình tìm kiếm tiếng cười trẻ thơ đều đạt được kết quả mong muốn, chào đón con yêu đến với gia đình. Tâm lý chung của các cặp vợ chồng thường căng thẳng, hoặc chịu áp lực từ bên ngoài, vượt qua những điều đó, chỉ cần vợ chồng sát cánh, kiên trì điều trị rồi hạnh phúc sẽ đến”, chị Nhung tâm sự.
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, tiếp nhận hàng chục nghìn ca đến khám và điều trị trong nhiều năm qua, đồng nghĩa với việc chúng tôi chứng kiến, lắng nghe từng đó câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau. Riêng với những người phải nhờ đến kỹ thuật IVF để có con thì câu chuyện của họ có phần đặc biệt và nhiều nỗi niềm hơn. “Chúng tôi muốn nhắn nhủ tới các cặp vợ chồng rằng, trong hành trình điều trị hiếm muộn, tâm lý, tư tưởng của người bệnh mới là yếu tố quan trọng, quyết định nhiều đến khả năng thành công”.
THẢO LAM