Xây dựng môi trường văn hoá trong Khu du lịch quốc gia là vấn đề cấp thiết

VHO - Ngày 2.4, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Các tiêu chí và giải pháp xây dựng môi trường văn hoá tại các Khu du lịch quốc gia ở Việt Nam” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Xây dựng môi trường văn hoá trong Khu du lịch quốc gia là vấn đề cấp thiết - Anh 1

Nhiều ý kiến đóng góp sát với thực tế về việc xây dựng môi trường văn hoá ở Khu du lịch quốc gia

Hội thảo thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hoá ở Khu du lịch quốc gia”. Dưới sự chủ trì của Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc; Chủ nhiệm đề tài, Trưởng phòng Quản lý Xúc tiến du lịch Nguyễn Quý Phương, Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia du lịch, chuyên gia văn hoá, các nhà quản lý văn hoá, du lịch, đại diện các trường đào tạo du lịch, các doanh nghiệp du lịch…

Chưa có quy định pháp lý về môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Lê Phúc đánh giá: “Mặc dù đã có bước tăng trưởng vượt bậc, giai đoạn 2015- 2019 du lịch có mức tăng trung bình 22,7%, đóng góp trên 9,2% vào GDP và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng trong quá trình phát triển, có thể thấy rõ vẫn còn đó những hạn chế. Việc ở đây đó, môi trường du lịch chưa ổn định, an ninh, an toàn cho khách du lịch chưa được đảm bảo, sản phẩm du lịch kém chất lượng… đã ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu và hình ảnh của du lịch Việt Nam”.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như công tác quản lý nhà nước về du lịch thiếu hiệu quả, các doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật, đặc biệt vấn đề đạo đức và văn hóa kinh doanh, ứng xử văn minh du lịch nhiều nơi chưa được chú trọng ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến Việt Nam cũng như thương hiệu của các khu điểm du lịch trong đó có các khu du lịch quốc gia.

Xây dựng môi trường văn hoá trong Khu du lịch quốc gia là vấn đề cấp thiết - Anh 2

Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại Hội thảo

“Sau giai đoạn chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Du lịch Việt Nam đã từng bước khởi sắc. Trong bối cảnh đó, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa ở Khu du lịch quốc gia góp phần phát triển du lịch bền vững của ngành Du lịch lại càng trở nên cấp thiết”, ông Nguyễn Lê Phúc nói.

Khu du lịch quốc gia được xác định là những hạt nhân quan trọng để thu hút đầu tư theo hướng tập trung, hiệu quả, qua đó tạo thành những động lực, điểm nhấn cho các vùng, các khu vực động lực phát triển du lịch và các tỉnh. Đây cũng là yếu tố có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho các điểm đến. Trong khi đó, môi trường văn hóa tại điểm đến có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi Khu du lịch quốc gia.

Ông Phúc mong muốn, qua Hội thảo khoa học “Các tiêu chí và giải pháp xây dựng môi trường văn hóa tại các Khu du lịch quốc gia” sẽ xác định vấn đề lý luận và thực tiễn về môi trường văn hóa ở Khu du lịch quốc gia. Từ đó, đánh giá thực trạng môi trường văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa ở Khu du lịch quốc gia. Xác định các tiêu chí môi trường văn hóa ở Khu du lịch quốc gia cũng như đề xuất giải pháp xây dựng môi trường văn hóa ở phù hợp với quan điểm của Đảng, nhà nước và phát triển bền vững.

Vấn đề xác định thành tố xây dựng môi trường văn hóa ở Khu du lịch quốc gia từ đó đưa ra tiêu chí cụ thể của từng thành tố được đặt ra và bàn luận tại Hội thảo sẽ là cơ sở cho Ban Tổ chức tổng hợp đề xuất đưa vào nội dung đề tài “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa ở Khu du lịch quốc gia” trong thời gian tới.

Xây dựng môi trường văn hoá trong Khu du lịch quốc gia là vấn đề cấp thiết - Anh 3

Chủ nhiệm đề tài, Trưởng phòng Quản lý Xúc tiến du lịch Nguyễn Quý Phương khái quát về việc quy hoạch, công nhận các Khu du lịch quốc gia ở Việt Nam hiện nay và vấn đề xây dựng môi trường văn hoá tại Khu du lịch quốc gia, đề xuất các tiêu chí môi trường văn hóa

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương đã khái quát về việc quy hoạch, công nhận các Khu du lịch quốc gia ở Việt Nam hiện nay và vấn đề xây dựng môi trường văn hoá tại Khu du lịch quốc gia, đề xuất các tiêu chí cụ thể.

Tại dự thảo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ đã xác định 59 khu vực tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia. Đến nay có 7/59 khu vực tiềm năng được công nhận là khu du lịch quốc gia gồm: Khu du lịch quốc gia Sa Pa; Khu du lịch quốc gia Đền Hùng; Khu du lịch quốc gia Trà Cổ; Khu du lịch quốc gia Tam Đảo; Khu du lịch quốc gia Mũi Né; Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; Khu du lịch quốc gia Núi Sam.

Hiện nay, chưa có quy định pháp lý về môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, Luật Du lịch số 09/2017/QH14 đã đề cập nội dung về môi trường du lịch. Theo đó, Luật Du lịch xác định “môi trường du lịch là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nơi diễn ra các hoạt động du lịch”; nguyên tắc phát triển du lịch là ‘‘Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng’’. Đồng thời, Luật Du lịch có 1 điều quy định về “Bảo vệ môi trường du lịch” trong đó xác định rõ vai trò của Bộ, cơ quan ngang Bộ; của chính quyền địa phương; tổ chức cá nhân kinh doanh du lịch cũng như của khách du lịch và cộng đồng dân cư.

Xây dựng môi trường văn hoá trong Khu du lịch quốc gia là vấn đề cấp thiết - Anh 4

Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng)

Thực trạng xây dựng môi trường văn hoá tại các Khu du lịch quốc gia

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý du lịch, các địa phương đã chia sẻ về thực trạng xây dựng môi trường văn hoá tại các Khu du lịch quốc gia hiện nay. Đồng thời, qua nghiên cứu, nhóm các chuyên gia thực hiện đề tài cũng nhận thấy, các Khu du lịch quốc gia đều đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc khi xây dựng môi trường văn hoá. Ví dụ, Khu du lịch quốc gia Sa Pa đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Do vậy, không gian phát triển du lịch bị hạn chế, các vấn đề về quản lý xây dựng; giao thông, vận chuyển khách du lịch; vấn đề vệ sinh môi trường và đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc quản lý các hoạt động phát triển du lịch chưa đạt hiệu quả cao.

Khu du lịch quốc gia Tam Đảo hiện nay chưa có Ban Quản lý, do vậy gây khó khăn trong công tác quản lý. Mùa cao điểm vẫn còn xảy ra tình trạng lộn xộn, một số hoạt động dịch vụ văn hóa chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng, nhu cầu của du khách. Tại các điểm du lịch vẫn còn hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, chụp ảnh và công tác vệ sinh môi trường vẫn chưa được đảm bảo, rác thải vẫn chưa được thu gom kịp thời. Việc ứng xử văn hóa, văn minh trong khu du lịch có lúc còn chưa làm hài lòng du khách. Các hoạt động du lịch tự phát gây khó khăn trong công tác quản lý….

Khu du lịch quốc gia Núi Sam chưa xây dựng được Quy chế quản lý Khu du lịch Quốc gia mang tính chất pháp lý để quản lý, điều chỉnh tất cả các hoạt động trong phạm vi khu du lịch. Việc phát triển du lịch tại địa phương chưa tương xứng với tiềm năng khu du lịch quốc gia về hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch còn ít; phong cách, thái độ ứng xử của một bộ phận người dân địa phương thiếu chuyên nghiệp, thỉnh thoảng vẫn có việc chèo kéo, bán quá giá niêm yết, lừa gạt du khách mua hàng…

Xây dựng môi trường văn hoá trong Khu du lịch quốc gia là vấn đề cấp thiết - Anh 5

Khu du lịch quốc gia Sa Pa (Lào Cai)

Dẫn lại kết quả nghiên cứu “Luận cứ khoa học về xây dựng môi trường văn hóa” của tác giả Bùi Hoài Sơn đã được Bộ VHTTDL nghiệm thu, nhóm tác giả đề tài hoàn toàn thống nhất với nội dung tiêu chí môi trường văn hóa trong lĩnh vực du lịch của tác giả Bùi Hoài Sơn. Theo đó, đề tài xác định môi trường văn hóa tại các Khu du lịch quốc gia là không gian gắn với các nhóm yếu tố chính tại khu du lịch quốc gia gồm: Các yếu tố liên quan đến cảnh quan, các công trình, các thiết chế văn hóa; Các yếu tố liên quan đến bảo tồn, phát huy các giá trị phong tục, tập quán và các giá trị tài nguyên du lịch khác trong hoạt động du lịch tại Khu du lịch quốc gia. Các yếu tố về xây dựng đạo đức lối sống quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch tại khu du lịch quốc gia. Các yếu tố về phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa phục vụ du lịch tại Khu du lịch quốc gia. Các yếu tố mang tính đặc thù riêng của Khu du lịch quốc gia.

Nhóm tác giả đề tài đã đề xuất Bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa ở Khu du lịch quốc gia gồm: Nhóm tiêu chí liên quan xây dựng thiết chế văn hóa và cảnh quan văn hóa cho hoạt động du lịch; Nhóm tiêu chí liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị phong tục, tập quán và các giá trị tài nguyên du lịch khác trong hoạt động du lịch; Nhóm tiêu chí về xây dựng đạo đức lối sống quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; Nhóm tiêu chí phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa phục vụ du lịch; Nhóm tiêu chí đặc thù riêng về phát triển sản phẩm, dịch vụ và hoạt động du lịch.

Việc đảm bảo các tiêu chí môi trường của Khu lịch quốc gia sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, xây dựng hình ảnh các khu du lịch quốc gia nói riêng và điểm đến Việt Nam hấp dẫn nói chung. Vì thế, các ý kiến tham góp tại Hội thảo sẽ được nhóm thực hiện đề tài tiếp thu, hoàn thiện Bộ tiêu chí, trình cấp có thẩm quyền thông qua, đưa vào áp dụng.

NGUYỄN ANH; ảnh: THẾ PHI

Ý kiến bạn đọc