Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh kết nối du lịch biên giới bền vững

HÒA BÌNH

VHO - Mới đây, tại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), Hội đàm lần thứ 14 giữa hai bên về công tác phát triển du lịch tại Khu cảnh quan đã diễn ra trong không khí chân thành, tin cậy và xây dựng.

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh kết nối du lịch biên giới bền vững - ảnh 1
Khu cảnh quan chung thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) đưa vào vận hành, khai thác chính thức từ ngày 15.9.2024, đón gần 15.000 lượt khách

Đây là hoạt động hợp tác giữa tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước về phát triển khu vực biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Cuộc hội đàm do ông Hoàng Thái Bình, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Điều phối phía Việt Nam và ông Ban Hoa Cần, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành Ủy ban Điều phối phía Trung Quốc đồng chủ trì.

Kết quả tích cực bước đầu từ mô hình hợp tác đặc thù

Tại hội đàm, hai bên cùng tổng kết, đánh giá tình hình xây dựng và vận hành Khu cảnh quan chung kể từ khi chính thức mở cửa từ ngày 15.9.2024. Tính đến ngày 14.5.2025, khu vực đã đón 14.883 lượt khách tham quan, trong đó có 13.152 lượt khách Trung Quốc nhập cảnh vào khu vực phía Việt Nam.

Điều này cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển du lịch biên giới, đặc biệt là vai trò quan trọng của phía Việt Nam trong thu hút dòng khách quốc tế qua đường bộ.

Công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại khu cảnh quan được duy trì ổn định, không phát sinh các vụ việc phức tạp.

Việc phối hợp giữa các đơn vị lữ hành hai bên trong tổ chức đón - tiễn du khách diễn ra nhịp nhàng, đúng quy định pháp luật mỗi nước và theo tinh thần các thỏa thuận đã ký kết.

Đồng thời, các hoạt động giao lưu văn hóa, quảng bá du lịch cũng được triển khai hiệu quả, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới.

Việt Nam - Trung Quốc: Đẩy mạnh kết nối du lịch biên giới bền vững - ảnh 2
Hội đàm lần thứ 14 giữa hai bên về công tác phát triển du lịch tại Khu cảnh quan

Tăng cường phối hợp quy hoạch, quản lý, phát triển

Tại hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh phối hợp trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, phát triển các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, hài hòa với thiên nhiên và phù hợp với các nguyên tắc được quy định trong Hiệp định chung về phát triển Khu cảnh quan.

Các nội dung trọng tâm bao gồm: Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, cải thiện dịch vụ, chuẩn hóa quy trình đón tiếp du khách, đồng thời chú trọng bảo vệ tài nguyên, môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

Hai bên cũng thống nhất duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý biên giới, tuân thủ nghiêm các văn kiện pháp lý song phương và Hiệp định hợp tác bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), tạo nền tảng ổn định cho sự phát triển lâu dài và hài hòa của khu vực.

Kết thúc hội đàm, đại diện hai bên đã ký biên bản ghi nhớ, khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác ngày càng hiệu quả và thực chất trong công tác xây dựng và vận hành Khu cảnh quan.

Trước đó, đoàn công tác hai nước đã cùng khảo sát thực địa khu vực mốc 835 - một trong những vị trí trọng yếu trong Khu cảnh quan để rà soát tình hình thực tế, làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch và phương án khai thác phù hợp hơn trong thời gian tới.

Dù đạt nhiều kết quả bước đầu tích cực, song khu vực phía Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để nâng tầm khai thác, cả về quy mô và chất lượng dịch vụ. Để phát huy lợi thế này, có thể xem xét các giải pháp sau:

Đầu tư hạ tầng dịch vụ chuyên nghiệp, hiện đại: Cần đẩy mạnh đầu tư vào các điểm dừng chân, khu trải nghiệm văn hóa, khu mua sắm sản phẩm đặc trưng, nhà hàng, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ lượng khách quốc tế đang gia tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với văn hóa bản địa: Bên cạnh tham quan cảnh quan, cần phát triển thêm các sản phẩm du lịch trải nghiệm như “một ngày làm người Tày”, biểu diễn then cổ, ẩm thực dân tộc, các tour du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng homestay để du khách có thêm thời gian lưu trú.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Bổ sung các khóa bồi dưỡng kỹ năng ngoại ngữ, đón tiếp khách quốc tế, kỹ năng hướng dẫn viên cho lực lượng lao động địa phương, đặc biệt là người dân sinh sống xung quanh Khu cảnh quan.

Đẩy mạnh xúc tiến du lịch qua nền tảng số: Tận dụng các kênh truyền thông số, hợp tác với nền tảng du lịch trực tuyến Trung Quốc như: Ctrip, Mafengwo… để quảng bá sâu rộng hơn về Khu cảnh quan và các sản phẩm phía Việt Nam.

Thiết lập cơ chế chia sẻ lợi ích, trách nhiệm song phương: Hai bên cần tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, đánh giá định kỳ, thống nhất tỷ lệ chia sẻ nguồn thu phù hợp trên tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.

Hội đàm lần thứ 14 là minh chứng rõ nét cho quyết tâm chính trị và nỗ lực không ngừng của cả hai phía trong việc xây dựng Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) thành biểu tượng mẫu mực về hợp tác du lịch xuyên biên giới.

Với sự phối hợp đồng bộ và tầm nhìn dài hạn, nơi đây không chỉ là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế mà còn là cầu nối hữu nghị, gắn bó bền chặt giữa nhân dân Việt Nam - Trung Quốc.