Thương hiệu Điện Biên

VHO - Tôi đến Điện Biên năm 2017 để dự Lễ hội Hoa Ban. Anh em định đăng ký vé tàu bay Hà Nội - Điện Biên, nhưng không còn vé. Tuyến này chỉ có tàu bay cỡ nhỏ, chở được ít khách, vì sân bay Mường Thanh nhỏ hẹp. Từ Hà Nội bay đi Điện Biên chỉ khoảng 30 phút. Tất nhiên đi xe hơi cũng có cái hay của nó (dù hành trình hơi dài) vì được qua Hòa Bình, Sơn La với những phong cảnh tuyệt đẹp, như sân golf, cao nguyên Mộc Châu, rồi leo dốc Pha Đin ở Tuần Giáo. Làm sao đi cho thuận tiện mà thu về tai mắt mình một cách tối đa là cái mà chuyến đi luôn nhắc tôi.

Tại Điện Biên, chúng tôi đi qua cánh đồng Mường Thanh rộng thoáng, tham quan khu di tích tướng quân Huỳnh Công Chất, rồi các di tích Đồi A1, hầm chỉ huy của De Castries, xem Bảo tàng và tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên (năm này chưa có tác phẩm hội họa panorama hoành tráng về Chiến thắng Điện Biên). Từ thành phố Điện Biên Phủ, xe chở chúng tôi đi Mường Phăng, nơi có Di tích tổng hành dinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy Chiến dịch, ghé qua nhiều điểm di tích với những phù điêu khắc đá công phu. Những phụ nữ Thái ngồi dọc đường bán các loại nông sản, hàng lưu niệm bình dân... Các căn lán, hầm ở Bộ chỉ huy được phục dựng như vốn có, với vật liệu tranh tre nứa lá đơn sơ. Ban tổ chức Lễ hội lại cho chúng tôi thưởng thức món ăn của đồng bào Thái, tại ngay làng người Thái. Trong các món có món sâu tre, phải nói là lạ nhất, ngoài những món rượu và thức ăn tuy quen thuộc mà khác lạ với người trong Nam như tôi. Phải nói chuyến đi Điện Biên năm ấy tôi đã “no nê” về tri thức, hương vị, cảnh vật và cả âm thanh của đêm hội Hoa Ban.

Nhưng tôi lại cảm thấy tiếc cho Điện Biên thời bấy giờ là khách đến chưa nhiều. Vào Bảo tàng chiến thắng Điện Biên thấy các mặt hàng lưu niệm còn nghèo nàn, dù anh chị em cán bộ ở đây cho biết Bảo tàng có số thu khá, kể cả ở các điểm di tích. Một quần thể di tích rất quan trọng, văn hóa và thiên nhiên vô cùng hấp dẫn, nhưng chưa thật nhiều khách là do đâu? Hôm ra Sân bay Mường Thanh để về Nội Bài, ý nghĩ còn đeo đuổi tôi và những hình ảnh thực tế đã giúp tôi có câu trả lời: Đó là Sân bay Điện Biên còn quá đơn sơ, chỉ tiếp nhận được ít tàu bay nhỏ. Điện Biên nằm sâu trong nội địa, vậy nên không chỉ khách từ Hà Nội lên với khoảng cách 500 km phần nào gặp khó, mà khách từ các điểm khác xa hơn, như TP.HCM, Đà Nẵng hay từ Phnom Penh, Bangkok, Singapore, Manila… muốn đến Điện Biên phải mất nhiều thời gian, công sức. Mở rộng thành sân bay lớn, sân bay quốc tế sẽ là chìa khóa của vấn đề.

Và chìa khóa đã mở. Sân bay Điện Biên đã được nâng cấp. Hơn thế, năm nay lấy Điện Biên làm điểm tổ chức Năm Du lịch quốc gia. Tôi tin rằng không chỉ người trong nước mà khách quốc tế sẽ đến Điện Biên ngày càng đông, nhất là trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Thương hiệu Điện Biên” xuất hiện từ chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân dân ta. Vấn đề “thương hiệu Điện Biên” chính là vấn đề nhận thức đúng tiềm năng của di tích, thiên nhiên, con người ở một vùng đất để có thể phát huy tối đa tiềm năng ấy, có động thái đúng, đúng cả thời điểm, như việc nâng cấp sân bay. Đó cũng là bài học chung cho nhiều nơi khác.

CAO CHƯ

Ý kiến bạn đọc