Thừa Thiên Huế phấn đấu đón 3,5 - 4 triệu lượt khách trong năm 2024
VHO - Ngày 31.12, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết ngành Du lịch địa phương này đã đón 3,2 triệu lượt khách trong năm 2023, tăng 56% so với năm 2022.
Du khách tham quan khu di sản Hoàng cung Huế
Cụ thể, khách quốc tế đến Huế đạt 1,2 triệu lượt, tăng hơn 360%; đồng thời chiếm tỉ lệ 36.8%, cao hơn mục tiêu đề ra của năm 2023. Doanh thu từ du lịch ước đạt 6.606 tỉ đồng. Những thị trường khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế tập trung là: Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Malaysia, Pháp, Anh, Úc, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc…
Năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đón từ 3,5- 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70%. Tổng thu từ du lịch khoảng 7.000 - 8.000 tỉ đồng. Cụ thể, khách quốc tế đến Huế đạt 1,2 triệu lượt, tăng hơn 360%; đồng thời chiếm tỉ lệ 36,8%, cao hơn mục tiêu đề ra của năm 2023. Doanh thu từ du lịch ước đạt 6.606 tỉ đồng. Những thị trường khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế tập trung là: Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Malaysia, Pháp, Anh, Úc, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc…
Ngành du lịch tỉnh đã có kế hoạch phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp như: văn hóa - di sản; sinh thái, nghỉ dưỡng, biển - đầm phá; vui chơi giải trí, thể thao; chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng kết hợp khám chữa bệnh; du lịch tâm linh; ẩm thực gắn với hoạt động nông nghiệp và sản phẩm OCOP; hội nghị hội thảo... Trong đó, du lịch văn hóa - di sản là chủ đạo, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế; định vị phân khúc cao cấp với tính chất cung đình, mang đặc trưng riêng, độc đáo. Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, xanh và bền vững. Tăng cường quảng bá truyền thông các sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài...
Chương trình nghệ thuật đường phố tại Huế thu hút đông đảo du khách
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngành du lịch sẽ tiếp thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ; nâng cao chất lượng điểm đến, xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng; tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp phát triển thương hiệu, đẩy mạnh hợp tác liên kết mở rộng thị trường; đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh...
Trong năm 2023 vừa qua, một số đơn vị của Thừa Thiên Huế đã đón nhận các giải thưởng ở lĩnh vực du lịch, mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh quảng bá cho điểm đến trong thời gian tới. Có thể kể đến như: Huế được xếp thứ 8 tại châu Á Thái Bình Dương ở hạng mục “Cities” ở giải thưởng “Travel & Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023” về điểm đến; khách sạn Azerai La Residence Hue xếp số 1 Việt Nam ở hạng mục “Upcountry Hotels”; khách sạn Banyan Tree Lăng Cô xếp thứ 6 Việt Nam ở hạng mục “Hotel Spas”; Alba Wellness Valley By Fusion (tại Phong Điền) xếp thứ 3 Việt Nam ở hạng mục “Hotel Spas” và thứ 5 Việt Nam ở hạng mục “Upcountry Hotels”...
Khu nghỉ dưỡng Vedana Lagoon ở Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) đã được vinh danh ở hạng mục Kiến trúc khách sạn đẹp nhất tại lễ công bố giải thưởng “Asia Pacific Property Awards 2023 - 2024”. Hay tại Giải thưởng Du lịch Thế giới 2023 (WTA 2023), khách sạn Azerai La Residence Hue được vinh danh là khách sạn Boutique hàng đầu Việt Nam 2023 và Banyan Tree Lăng Cô Huế được vinh danh trong hạng mục “Khu nghỉ dưỡng biển sang trọng hàng đầu”...
Tin, ảnh: S.THÙY