Tháng 3, rực rỡ mùa hoa Pơ Lang

NHƯ TRANG

VHO - Tháng 3 về, nắng nghiêng mình trên những cánh hoa Pơ Lang khoe sắc thắm giữa nền trời trong xanh, cao vút, rực đỏ cả một vùng trời ở Gia Lai…

Tháng 3, rực rỡ mùa hoa Pơ Lang - ảnh 1
Hoa Pơ Lang còn có tên gọi khác như: hoa gạo, hoa mộc miên

Tiết trời tháng 3 khá dịu nhẹ, những cây hoa Pơ Lang nằm dọc bên quốc lộ 25 trên đoạn đèo huyện Chư Sê (Gia Lai) nở đỏ rực báo hiệu mùa hạ nữa lại sắp về, khiến cho những người đi đường ngang qua đều phải chú ý và thích thú ngắm nhìn.

Hoa Pơ Lang còn có tên gọi khác như: hoa gạo, hoa mộc miên. Đây là loài cây quen thuộc và được trồng phổ biến ở các làng quê. Đặc biệt, loài hoa này phù hợp với đất đai, khí hậu của vùng đất Gia Lai nên thường phát triển rất tốt.

Hoa Pơ Lang thường có 5 cánh lớn, màu đỏ tươi, kết thành chùm, phân bố đều trên thân cây, lá mọc so le, hoa thường nở trước khi ra lá. Khi rụng, sắc hoa vẫn tươi tắn và rạng rỡ như trên cành.

Với vẻ đẹp tươi thắm, hoa Pơ Lang được xem là biểu tượng của núi rừng đại ngàn, được ví như vẻ đẹp của những người con gái trên vùng đất đầy nắng và gió, khỏe khoắn, mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, loài hoa này còn gắn liền với đời sống tâm linh, văn hóa của người dân nơi đây qua các lễ hội như: lễ Pơ Thi, lễ tạ ơn...

Hàng năm, khi đến Mùa hoa Pơ Lang, cùng với các lễ hội, người đồng bào nơi đây sẽ dựng cây nêu giữa sân nhà rông. Sau đó trồng ở bên cạnh cây nêu ấy một cây Pơ Lang nhỏ. Khi lễ hội kết thúc, cây Pơ Lang nhỏ sẽ được bứng đi trồng ở một vị trí khác.

Theo quan niệm của đồng bào nơi đây, nếu cây Pơ Lang phát triển tươi tốt thì chắc chắn rằng năm đó, thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống của người dân trong làng sẽ được đầy đủ, ấm no, không lo thiếu thốn.

Tháng 3, rực rỡ mùa hoa Pơ Lang - ảnh 2
Hoa Pơ Lang nở rực đỏ khoe sắc thắm giưac nền trời xanh trong

Đối với người đồng bào nơi đây, hoa Pơ Lang là đại diện của tình yêu với cội nguồn, của sự sinh sôi nảy nở khởi đầu cho sự sống.

Tuy không mang trên mình sự đài các, kiêu sa, lộng lẫy như các loài hoa khác, nhưng hoa Pơ lang lại có vẻ đẹp mộc mạc, đằm thắm như chính tâm hồn của con người nơi đây. Người dân với bản tính hiền lành, chân chất, khiêm tốn xen lẫn sự phóng khoáng, giản dị giống như những bông hoa rực đỏ này.

Theo những người già làng kể lại, xưa kia có một đôi trai gái yêu nhau thắm thiết. Một ngày, vùng đất họ sinh sống trở nên khô hạn, mãi mà vẫn không có mưa. Đất đai khô cằn, sông hồ nước cạn, trơ sỏi đá. Thấy vậy, chàng trai bèn tìm đường lên trời để tìm lý do, xin mưa về cho dân làng.

Trước lúc đi, chàng trai đã buộc vào tay cô gái một băng vải màu đỏ, như một tín vật định tình cho sự chung thủy và thề rằng khi xong xuôi công sự sẽ quay về tìm cô gái. Thế nhưng, khi chàng trai lên trời đã bị trời giữ lại làm thần mưa, không cho chàng trở về hạ giới nữa.

Ở dưới hạ giới, cô gái ngày đêm trông ngóng chàng trai nhưng mãi mà không thấy người mình yêu quay trở lại. Vì quá nhớ nhung, ngày nào cô cũng leo lên một cái cây cao, hướng ánh mắt về phía bầu trời xanh cao thăm thẳm, ngóng chờ người yêu.

Tháng 3, rực rỡ mùa hoa Pơ Lang - ảnh 3Khi rụng, sắc hoa vẫn tươi tắn và rạng rỡ như trên cành

Cho đến một ngày, cô gái kiệt sức và chết đi, hóa thân thành cây Pơ Lang, cây Pơ Lang mọc thẳng đứng, thân cây chi chít gai nhọn, sừng sững giữa trời, rễ cắm sâu vào lòng đất, dải băng đỏ trên tay cô hóa thành những bông hoa đỏ rực, như thể để chàng trai ở trên trời có thể nhận ra mình.

Câu chuyện tình yêu với sự chung thủy của đôi trai gái ấy cứ thế được tương truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các buôn làng trên khắp mảnh đất đỏ bazan. Như một lời nhắn nhủ về sự hi sinh vì cuộc sống bình yên của dân làng từ chàng trai và lòng chung thủy son sắt của cô gái, nhắn nhủ thế hệ tiếp nối phải biết ơn và ghi nhớ.

Chính vì vậy, từ xa xưa cây Pơ Lang đã trở thành một phần trong đời sống tâm linh, văn hóa của người dân đồng bào Gia Lai nói riêng, đồng bào Tây Nguyên nói chung.

Tháng 3, chiều chiều ánh hoàng hôn lấp lánh xen kẻ hoa Pơ Lang đỏ thắm tạo nên một khung cảnh mơ mộng, rực rỡ.

Một mùa màng mới lại về với các buôn làng, với bao niềm tin và khát vọng về cuộc sống bình yên, hạnh phúc... như trong bài hát “Em là hoa Pơ Lang” của nhạc sĩ Đức Minh: “Tây Nguyên ời quê hương ời, dù cách xa anh nhiều em vẫn chờ đợi đấy, chẳng như cái lá rừng theo dòng suối trôi xuôi, có thương nhau xin nhớ lời...

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc