Rượu sake Nhật Bản bảo tồn hương vị truyền thống đặc trưng
VHO - Kenbishi, thương hiệu rượu sake lâu đời nhất của Nhật Bản, mang đến hương vị đặc trưng của đồ uống trong thời gian dài.

Mặc dù ngành công nghiệp rượu sake của Nhật Bản đang phải đối mặt với khủng hoảng do số lượng tiêu thụ trong nước giảm nhưng Kenbishi - thương hiệu rượu sake Nhật Bản lâu đời nhất - vẫn kiên định với cam kết theo đuổi phương pháp truyền thống, coi đó là sự đảm bảo tốt nhất về chất lượng.
Theo trang Kyodo, tại nhà máy rượu sake Kenbishi Sake Brewing Nhật Bản, một chai rượu sake thường được đặt trên bàn trong phòng ăn để dùng kèm với bữa tối của nhân viên. Trong bếp, nhiều rượu sake đang được hâm nóng.
"Bạn có thể ăn uống thoải mái trong bữa tối", Người đứng đầu nhà máy Kenbishi Masataka Shirakashi nói.
Ông Shirakashi hy vọng việc bổ sung các kỹ thuật nấu rượu sake truyền thống vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO gần đây sẽ khuyến khích sự hồi sinh của loại đồ uống truyền thống tại Nhật Bản.
Truyền thống nấu rượu sake thường diễn ra vào mùa đông. Bắt đầu từ tháng 10 hàng năm, 60 người nấu rượu sẽ ở lại nhà máy trong 6 tháng.
Tiêu thụ rượu sake đang giảm rất nhanh ở Nhật Bản. Thói quen uống rượu đang thay đổi, đặc biệt là ở giới trẻ. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật Bản, vào năm 2022, tiêu thụ rượu sake đã giảm xuống 1/3 so với mức đỉnh điểm vào đầu những năm 1970.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, bản thân ngành công nghiệp rượu sake đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng”, ông Shirakashi nói vào tháng 2 năm nay.
Tuy nhiên, kiến thức và kỹ năng truyền thống trong quá trình nấu rượu vẫn tiếp tục được duy trì và bảo tồn. Nhiều nhà máy hiện đang tận dụng sự quan tâm ngày càng tăng của các nước đối với rượu sake để lan toả thương hiệu.
Hiện với khoảng 2% doanh số bán hàng của nhà máy Kenbishi đến từ xuất khẩu, ông Shirakashi coi danh sách này là cơ hội để người dân Nhật Bản xem xét lại cơ hội phát triển rượu sake.
Bảo tồn phương pháp nấu truyền thống
Trong một xưởng sản xuất tại Kenbishi, thợ thủ công sử dụng thùng gỗ dakidaru, đổ đầy nước sôi và nhúng vào một thùng ủ men để kiểm soát nhiệt độ trong thùng.
Trong khi vật liệu thép không gỉ và nhôm đã trở thành chuẩn mực của ngành, ông Shirakashi lập luận rằng chỉ có gỗ mới có thể duy trì nhiệt độ cần thiết cho quá trình sản xuất rượu sake Kenbishi.
Một nhóm gồm ba người thợ thủ công thường làm khoảng 30 chiếc thùng dakidaru mỗi năm. Khoảng 300 chiếc dakidaru đang được sử dụng tại nhà máy rượu.
"Việc bảo trì rất phiền phức, vì vậy ngày càng ít nhà sản xuất rượu sake sử dụng chúng. Đó sẽ là những dụng cụ nấu rượu mà du khách chỉ thường thấy trong bảo tàng ", ông Shirakashi nhấn mạnh.
Dakidaru là một trong những dụng cụ và thiết bị ủ rượu sake bằng gỗ truyền thống. Ông Shirakashi cho biết dụng cụ này là cần thiết để đảm bảo hương vị rượu sake Kenbishi không thay đổi.
Nhà máy Kenbishi bắt đầu sản xuất thiết bị gỗ truyền thống vào năm 2009, hiện tại nhà máy đã cung cấp thiết bị và dụng cụ cho các nhà sản xuất nước tương và giấm.
Vào tháng 12 năm ngoái, Kenbishi đã công bố sản phẩm mới nhất, thùng gỗ komodaru, vào danh mục thiết bị truyền thống. Đây là loại thùng gỗ được bọc trong rơm và đưa vào sử dụng tại các lễ hội truyền thống ở khắp Nhật Bản.
Việc sản xuất và sử dụng các dụng cụ truyền thống sẽ làm tăng thêm chi phí, nhưng với vị thế là thương hiệu rượu sake lâu đời nhất của Nhật Bản, ông Shirakashi cảm thấy có trách nhiệm phải bảo tồn và duy trì hương vị của rượu sake Kenbishi.
"Nếu chúng ta từ bỏ hương vị và phương pháp ủ rượu, cũng như các dụng cụ truyền thống, Nhật Bản sẽ mất tất cả những thứ này", ông nhấn mạnh.
Nhà máy Kenbishi đã thành lập vào khoảng trước năm 1505 tại Itami thuộc tỉnh Hyogo của Nhật Bản. Trong thời kỳ Edo của đất nước (1603-1868), rượu sake của nhà máy rất được ưa chuộng.
Các thành viên gia đình ông Shirakashi đã duy trì nhà máy Kenbishi trong suốt thời gian dài và bảo tồn hương vị loại rượu này. Kenbishi từng là một trong nhiều nhà máy bia ở Nada bị tàn phá bởi trận động đất vào năm 1995.
Ông Shirakashi tin rằng chạy theo xu hướng sẽ luôn khiến công ty tụt hậu.
"Xu hướng sẽ quay trở lại, vì vậy tôi tin rằng loại rượu sake của chúng tôi sẽ luôn giữ được hương vị và tiếp tục sẽ được khách hàng đón nhận", ông Shirakashi nói thêm.