Quảng Ngãi tăng cường đổi mới, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch
VHO – Quảng Ngãi tăng cường đổi mới, sáng tạo trong xây dựng những sản phẩm du lịch mang lại dấu ấn sáng tạo của cộng đồng khi người dân đã biết tận dụng lợi thế, khai thác giá trị di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch, từ đó hình thành các tour tuyến độc đáo.

Chiều 16.4, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Sở NN&MT và UBND huyện Nghĩa Hành tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch; du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới năm 2025.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nguyễn Văn Thành chia sẻ một số gợi mở để đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về tăng cường đổi mới, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch. Đánh giá thực trạng và tìm giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý và phát triển du lịch.
Phát huy vai trò hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Không chỉ tập trung vào việc tăng trưởng lượng khách, cần quan tâm đến bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương...

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Cocotravel Quảng Ngãi Nguyễn Văn Hoa chia sẻ, du lịch trekking (leo núi, băng rừng, lội suối… khám phá thiên nhiên) đã và đang trở thành xu hướng hấp dẫn, đặc biệt với du khách yêu thích sự trải nghiệm và khám phá thiên nhiên hoang sơ, văn hóa bản địa. Quảng ngãi có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này nhờ địa hình đa dạng về núi, rừng, suối, thác và hệ sinh thái phong phú.
“Để xây dựng và phát triển loại hình du lịch trekking một cách bền vững thì chúng ta cần thực hiện các giải pháp kết hợp giữa khai thác tiềm năng tự nhiên, văn hóa bản địa và chính sách phát triển du lịch của Quảng Ngãi”, ông Hoa nói.
Du lịch trekking kết hợp văn hóa bản địa kể chuyện lịch sử địa phương như chiến khu Ba tơ, văn hóa Sa Huỳnh, nhật ký Đặng Thùy Trâm. Tổ chức homestay tại làng đồng bào dân tộc, làm bánh, nếm mật ong, uống trà, dệt vải, tham gia lễ hội...

Tại hội nghị, các bài tham luận, ý kiến đóng góp của các sở, ngành, doanh nghiệp, HTX tập trung đánh giá thực trạng và tìm giải pháp khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý và phát triển du lịch.
Ông Hà Thanh Quang đại diện HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành nêu kiến nghị, hiện nơi đây được nhiều đoàn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, đường nhỏ chưa cho xe ô tô vào làng, gây khó khăn trong việc di chuyển đưa khách tham quan.
“Kiến nghị cơ quan chức năng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ HTX trong việc đầu tư xe điện để đưa đón khách tham quan. Quan tâm nâng cấp, mở rộng tuyến đường ở địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch”, ông Quang nêu ý kiến.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn đề nghị, cần tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch với phương thức đa dạng, nội dung phong phú để nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chú trọng phát triển và lan tỏa văn hóa du lịch đến từng cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền, từng người lao động trong các doanh nghiệp và từng người dân. Thực hiện ứng xử văn minh trong du lịch, để “mỗi người dân thực sự là một đại sứ/hướng dẫn viên du lịch”, tích cực phát động phong trào du lịch nội tỉnh.
Phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa Sa Huỳnh, Ba Tơ, Lý Sơn… có sự kiên kết giữa các điểm để nâng cao sức cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ.
Các ngành chức năng cần phải hỗ trợ cho các HTX cộng đồng, Liên minh HTX, Hiệp hội Du lịch để hoạt động có hiệu quả. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển của các điểm du lịch.
Huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện và đồng bộ hóa hạ tầng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới khu du lịch, điểm du lịch; đầu tư điểm dừng, nghỉ, bán hàng đặc sản trên các tuyến đường bộ.
Tổ chức quản lý tốt các khu, điểm du lịch, không để xảy ra tình trạng mất an toàn, ô nhiễm môi trường, cạnh tranh không lành mạnh… làm mất hình ảnh du lịch của tỉnh.

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch. Triển khai hiệu quả công tác hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động trong lĩnh vực du lịch.
Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch; tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó chú trọng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch.

Tại hội nghị, Sở VHTTDL bàn giao 2 mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn cho UBND TP Quảng Ngãi và UBND huyện Bình Sơn gồm: mô hình du lịch cộng đồng, phát triển điểm đến tại rừng dừa nước xã Tịnh Khê; mô hình quảng bá du lịch cộng đồng, gắn với di chỉ văn hóa Sa Huỳnh tại xã Bình Châu.
Sở VHTTDL và Sở NN&MT ký kết Chương trình phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh.