Quảng Ngãi Hội thảo chuyển đổi số du lịch
VHO- Chiều 29.9, tại Nhà Văn hoá Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra Hội thảo chuyên đề chuyển đổi số trong ngành Du lịch.
Quang cảnh tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết, nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Sở VHTTDL đã xây dựng và đưa vào vận hành App Du lịch Quảng Ngãi - một công cụ hiện đại ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động marketing du lịch, đưa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đến gần du khách nội địa cũng như quảng bá đưa doanh nghiệp du lịch kết nối cộng đồng du lịch toàn cầu một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và thời gian, đáp ứng xu hướng hiện đại, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, thúc đẩy du lịch phát triển.
App Du lịch Quảng Ngãi bao gồm các nội dung giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, lịch sử của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, các thông tin về hoạt động du lịch nói riêng và các liên kết kết tiện ích như: Tìm kiếm trải nghiệm du lịch nhanh chóng và thông minh, cung cấp hệ thống đặt chỗ dịch vụ du lịch, liên hệ đơn vị hỗ trợ, đơn vị vận hành, thông tin tiện ích, xây dựng lịch trình,...
Ông Dũng chia sẻ, thời gian qua, App Du lịch Quảng Ngãi đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ tích cực từ doanh nghiệp du lịch cũng như du khách trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của App Du lịch Quảng Ngãi nói riêng và hoạt động chuyển đổi số trong ngành Du lịch nói chung cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ nhân sự đặc biệt là nhân sự có kiến thức về công nghệ thông tin; bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh còn rất yếu về nguồn vốn, nguồn nhân lực nên còn rất hạn chế, lúng túng đối với chuyển đổi số.
Gian hàng giới thiệu du lịch Quảng Ngãi tại Tuần lễ Chuyển đổi số Quảng Ngãi năm 2023
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên tự nhiên (thiên nhiên, danh lam, thắng cảnh...) và tài nguyên nhân văn (văn hóa, lịch sử, di tích, con người...). Để số hóa được tài nguyên du lịch cần phải số hóa được tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Các di sản văn hóa, lịch sử và danh thắng là sản phẩm du lịch. Do đó, việc đẩy mạnh số hóa các điểm đến cũng đồng nghĩa với việc số hóa di sản và danh thắng của tỉnh Quảng Ngãi.
Theo ông Dũng, để số hóa ngành Du lịch, trước mắt tỉnh Quảng Ngãi cần lựa chọn, ưu tiên các lĩnh vực quan trọng, có điều kiện thuận lợi, khả năng đáp ứng kinh phí để thực hiện chuyển đổi số; trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm công nghệ hỗ trợ nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách như: Kỹ thuật số hóa thông tin du lịch; trải nghiệm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping; ứng dụng thẻ du lịch thông minh và thanh toán tự động; xây dựng hệ thống đặt phòng trực tuyến, tăng cường hoạt động giao dịch, thương mại điện tử tại các điểm du lịch; ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo và chatbot để cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ và thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch (phục vụ cho khách du lịch, người dân, doanh nghiệp hoạt động du lịch và cơ quan quản lý du lịch); tăng cường xúc tiến, quảng bá các điểm đến du lịch thông qua nền tảng số, marketing số và quảng cáo trực tuyến;... Đồng thời, phối hợp triển khai, kết nối liên thông với các nền tảng số của Tổng cục Du lịch để triển khai đồng bộ, hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin của ngành.
NHƯ ĐỒNG