Níu chân du khách bằng những nụ cười
VHO- Qua thời kỳ phát triển mạnh mẽ từ năm 2019 trở về trước và sau khi du lịch kiệt quệ vì dịch Covid-19 mới thấy rất cần khởi động lại chiến dịch nụ cười Việt Nam để thu hút và giữ chân du khách.
Nụ cười của mỗi người dân sẽ giúp giữ chân du khách
Nhiều điểm đến trên thế giới tuy không sở hữu tài nguyên dồi dào, hấp dẫn như Việt Nam nhưng vẫn thu hút lượng lớn du khách quốc tế, làm khách hài lòng, khiến khách vui vẻ chi nhiều tiền nhờ cách làm dịch vụ bài bản, từ tâm và muốn quay trở lại.
Rất cần khởi động “chiến dịch” nụ cười Việt Nam
“Quốc bảo” Thái Lan chính là nụ cười. Nhiều khách du lịch quốc tế đã khẳng định như thế và lý giải đó chính là thứ để níu chân hàng triệu khách du lịch, khiến họ quay lại Thái Lan. Nụ cười đã trở thành thương hiệu cho điểm đến này. Ở bất kỳ đâu trên đất nước Thái Lan, người ta cũng có thể bắt gặp những người bản địa vui vẻ, yêu đời. Việc vui vẻ là điều không có gì mới mẻ, nhưng ở Thái Lan, điều đó khác biệt. Thậm chí, người ta nói người Thái đã nâng tầm sự vui vẻ lên thành một phẩm chất dân tộc, một cách sống đáng được ngưỡng mộ.
“Sanuk” là một từ riêng để mô tả sự vui vẻ trong tiếng Thái, nền văn hóa Thái. Nó mang nhiều ý nghĩa và tôn kính hơn hết thảy. Khách du lịch khi đi tới con đường hay ngõ ngách nào ở Bangkok đều có thể cảm nhận được “sanuk”. Đặc biệt là ở lễ hội té nước mừng năm mới, cả đất nước Thái tràn ngập niềm vui, rộn ràng trong tiếng cười. Cùng với “sanuk”, cụm từ “mai pen rai” (không sao đâu/đừng bận tâm/không có vấn đề gì) luôn đồng hành với người Thái trong suốt cả cuộc đời. Nụ cười giống như một “cơ chế” giúp người dân Thái Lan ứng phó với những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Nụ cười của người Thái đã trở thành thương hiệu và họ đã thực sự lan tỏa cho khách năng lượng tích cực mỗi khi nở nụ cười, khiến khách vui vẻ khi đến Thái Lan, muốn ở lại lâu hơn và quay lại nhiều lần hơn.
Ở Việt Nam, vấn đề văn minh du lịch cũng đã được quan tâm nhiều năm nay nhưng thực tế chưa có một chương trình, chiến dịch cụ thể nào có tầm bao quát, từng bước thay đổi thói quen chưa tốt của người Việt khi đón tiếp khách, cũng như khi đi du lịch nước ngoài. Việc này cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng đóng vai trò tiên phong. Ai cũng nhận thấy, hình ảnh của điểm đến Việt Nam, của du khách Việt khi đi nước ngoài được cải thiện và đẹp lên không chỉ đóng góp thiết thực vào sự phát triển du lịch, mà còn góp phần chấn hưng văn hóa đất nước nhưng không dễ làm được.
Thế mới có chuyện, mấy năm trước, một người lái xích lô “chặt chém” tiền của khách nước ngoài đi thăm phố cổ Hà Nội khiến lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội “muối mặt” tới xin lỗi khách tại khách sạn. Trung tuần tháng 2 năm nay, Trung tâm Xúc tiến Du lịch thuộc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng phải phối hợp lực lượng công an hoàn trả tiền cho một du khách Hàn Quốc bị “taxi dù” tính giá cước vận chuyển cao gấp 10 lần so với quy định.
Với mong muốn biến Việt Nam thành đất nước của những nụ cười, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Chi hội du lịch lữ hành Hà Nội, Giám đốc công ty phát triển du lịch bền vững Việt Nam cho rằng: “Cần ngay lập tức khởi động “chiến dịch” nụ cười Việt Nam để góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Hình ảnh của mỗi người dân chính là hình ảnh của điểm đến, cao hơn sẽ góp phần tạo nên bộ mặt quốc gia”. Ông Thắng cũng cho rằng, cần có những hành động thực tế và có biện pháp để thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh du lịch và phải làm thường xuyên chứ không phải chỉ đưa ra bộ quy tắc hoặc tuyên truyền chung chung.
Sức mạnh giữ chân du khách
Tiên phong xây dựng văn minh du lịch với cách làm dịch vụ chuyên nghiệp, từ tâm trên toàn hệ thống, Tập đoàn Sun World (thuộc Sun Group) đang dần làm thay đổi nhận thức không chỉ của người dân địa phương làm du lịch, mà còn lan tỏa ra cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân trong vùng. Bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun World khẳng định: “Chất lượng dịch vụ mới là “thỏi nam châm” níu chân du khách. Tuy nhiên, dịch vụ đấy phải đến từ trái tim của những người làm du lịch. Cái gì đến từ trái tim sẽ chạm tới trái tim”.
Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, bà Nguyện cho rằng, cần nhanh chóng tháo gỡ các rào cản liên quan đến chính sách visa là một trong những giải pháp đột phá và quan trọng ở thời điểm này nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Mặc dù chúng ta nới lỏng visa ở thời điểm này đã là hơi muộn so với các quốc gia láng giềng, nhưng tôi tin rằng ngay khi giải pháp này được đưa ra, cùng với những lợi thế cạnh tranh khác của Việt Nam như tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ… du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng tăng tốc trên đường đua thu hút khách quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn với nhau rằng, điểm mấu chốt để giữ chân du khách, đưa du khách quay trở lại nhiều lần không phải là nhờ câu chuyện visa hay giá cả cũng như sản phẩm du lịch, mà là nằm ở chất lượng dịch vụ. Không phải ngẫu nhiên mà Thái Lan luôn là điểm đến có tỉ lệ du khách Việt Nam quay trở lại nhiều lần theo ghi nhận của các doanh nghiệp lữ hành. Một trong những yếu tố lợi thế lớn nhất của Thái Lan đó là chất lượng dịch vụ rất tốt, thái độ chào đón, phục vụ du khách từ những người làm du lịch đến người dân đều vô cùng tận tâm, thân thiện, những điều đó tạo nên sức hút của Thái Lan.
Theo bà Nguyện, nếu visa là giải pháp để thu hút khách thì chất lượng dịch vụ sẽ là “thỏi nam châm” níu chân du khách quay trở lại. Hiểu được triết lý đó, ngay từ đầu Sun Group đã luôn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ với phương châm làm “Dịch vụ từ tâm”, đem đến cho du khách những trải nghiệm tốt nhất và muốn quay trở lại các điểm đến của Sun Group nói riêng và Việt Nam nói chung.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa, nhân văn sâu sắc. Vì vậy, nâng cao văn hóa ứng xử, xây dựng văn minh du lịch chính là nâng cao hình ảnh mỗi điểm đến và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
THÚY HÀ