Liên kết du lịch 3 địa phương Hội An- Điện Bàn- Duy Xuyên:

Nhiều “nút thắt” cần khai thông

KHÁNH CHI

VHO - Câu chuyện liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương ở Quảng Nam nói chung, giữa 3 địa phương có thế mạnh du lịch Hội An- Điện Bàn- Duy Xuyên luôn là mối quan tâm của chính quyền, ngành du lịch, doanh nghiệp cũng như cộng đồng người dân nhưng vẫn loay hoay, bỏ ngỏ sau thời gian nỗ lực xúc tiến.

Mới đây, 3 địa phương ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, liên kết vùng phát triển du lịch với chủ đề “Điểm đến du lịch xanh- làng quê, làng nghề” với quyết tâm kết nối các vùng đất, tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho Quảng Nam. Đồng thời hỗ trợ cùng nhau phát huy được lợi thế của mỗi địa phương; tạo ra động lực mới cho sự phát triển du lịch bền vững của toàn vùng.  

Nhiều điểm đến- Thiếu điểm nhấn khác biệt

Các bên hợp tác ở 4 lĩnh vực chủ yếu: Hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo nhân lực du lịch; hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch.

Nhiều “nút thắt” cần khai thông  - ảnh 1
Du khách tham quan làng mộc Kim Bồng- Hội An

“Một hành trình- Nhiều trải nghiệm xanh” với những làng quê- làng nghề nổi bật là điểm nhấn chủ đề của tour du lịch thử nghiệm kết nối 3 địa phương do Sở VHTTDL Quảng Nam, dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững (ST4SD) tổ chức.

Quá nhiều điểm đến xanh, trải nghiệm làng quê- làng nghề nổi bật ở cả 3 địa phương, thế nhưng, điều tưởng như lợi thế ấy cũng đặt ra thử thách, hạn chế trong câu chuyện kết nối, liên kết du lịch của 3 địa phương khi có nhiều điểm đến, nhưng lại thiếu điểm nhấn, yếu tố trải nghiệm khác biệt.

Ông Kenneth Wood, Trưởng dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững (ST4SD) chia sẻ: Cả 3 địa phương có rất nhiều tiềm năng và nhiều điểm đến để trải nghiệm. Nhưng câu hỏi đặt ra là nhu cầu của khách du lịch như thế nào ? Có tham quan tất cả hay không ? Có sự cạnh tranh hay không giữa các địa điểm này khi cả ba đều có những sản phẩm du lịch tương đối giống nhau?

Nhiều “nút thắt” cần khai thông  - ảnh 2
Làng du lịch sinh thái Triêm Tây- Điện Bàn

Thực tế, du khách đến tham quan phố cổ Hội An, đến các làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng của Hội An, hoặc lên khu đền tháp Mỹ Sơn và bỏ qua nhiều làng cộng đồng ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Điều này dẫn đến áp lực quá tải trong một số khung giờ cao điểm ở Khu phố cổ Hội An, trong khi các điểm đến lân cận ở Điện Bàn, Duy Xuyên lại thiếu khách.

 “Lâu nay nói đến Quảng Nam, du khách hầu như chỉ nhớ và ấn tượng thương hiệu du lịch Hội An, Mỹ Sơn. Điện Bàn được biết đến như “điểm nối giữa hai di sản” nhưng thường bị bỏ qua, trong khi vùng đất này có bề dầy văn hóa, đầy đủ tiềm năng, nhiều điểm đến hấp dẫn để phát triển du lịch”, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng- Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn trăn trở.

Nhiều “nút thắt” cần khai thông để phát triển

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho hay, 3 địa phương này có dư địa rất lớn để tạo ra sản phẩm du lịch mang bản sắc Quảng Nam, nhưng cách tổ chức, hiện thực hóa vẫn là câu chuyện trăn trở. Thời gian qua vẫn chưa có sản phẩm thật sự đặc trưng khai thác trên nền tảng bản địa cũng như yếu tố văn hóa tài nguyên thiên nhiên của 3 địa phương.

Các địa phương nên có lộ trình, chiến lược cụ thể để sẵn sàng cung cấp trải nghiệm đa dạng, gắn với giá trị bản địa cho du khách nếu muốn đón dòng khách cao cấp thay vì chỉ có vài trải nghiệm đơn giản và một ít sản phẩm lưu niệm như hiện tại.

Nhiều “nút thắt” cần khai thông  - ảnh 3
Trải nghiệm làm gốm tại cơ sở gốm nung nghệ nhân Lê Đức Hạ- Điện Bàn

Các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia du lịch cũng đưa ra những gợi ý để 3 địa phương nghiên cứu liên kết tạo sản phẩm. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự sự tạo yếu tố khác biệt, dấu ấn cho từng địa phương, trải nghiệm của du khách cũng cực kỳ quan trọng.

Đơn cử như nghiên cứu tạo ra một sản phẩm chung về du lịch đường sông Thu Bồn và có thể mở rộng lên Nông Sơn. Tuy nhiên, việc xúc tiến khai thác sản phẩm du lịch đường sông giữa 3 địa phương này hiện gặp nhiều vướng mắc về bến bãi, tổ chức vận tải, quy định về phương tiện...

Nhiều “nút thắt” cần khai thông  - ảnh 4
Có thể hình thành các tour du lịch đường sông Hội An- Triêm Tây- Trà Nhiêu- Mỹ Sơn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm mới cho du lịch Quảng Nam

Ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty du lịch Hoa Hồng nhận định, du lịch nông thôn hay du lịch xanh thường liên quan nhiều đến yếu tố đất đai. Do đó, vấn đề sử dụng đất nông nghiệp gắn với du lịch đang là "nút thắt" cần phải khai thông để tận dụng lợi thế cảnh quan của nhiều điểm đến.

Cần có định hướng về hành lang pháp lý, cơ chế để doanh nghiệp yên tâm, mạnh dạn đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết giữa 3 địa phương.

Nhiều “nút thắt” cần khai thông  - ảnh 5
Vẻ đẹp làng quê, làng nghề ở Duy Xuyên

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP) : Trừ Hội An đã phát triển du lịch rất mạnh, Duy Xuyên và Điện Bàn có thể tìm các thị trường ngách từ việc phát huy sự sáng tạo, nét đẹp văn hóa của người dân. Hai địa phương cần tận dụng triệt để cơ hội từ chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển cơ sở hạ tầng, các mô hình du lịch thí điểm để dẫn dắt, truyền cảm hứng cho cộng đồng phát triển du lịch.

“Có quá nhiều thứ để phát triển du lịch nhưng không biết bắt đầu từ đâu và ai sẽ phụ trách các phần việc. Điều này cần sự chia sẻ từ phía doanh nghiệp để đồng hành tích cực hơn với cộng đồng từ lúc du lịch manh nha ở các điểm đến, thì cơ hội thành công sẽ cao hơn”, bà Huyền chia sẻ.

Thực tế ở Quảng Nam có nhiều địa phương ký kết nhưng không phải sản phẩm nào cũng phù hợp vì thiếu đi nguồn lực hỗ trợ địa phương, sự tham gia tích cực của cộng đồng cũng như sự vận động doanh nghiệp cùng tham gia.

"Hy vọng 3 địa phương có sự hợp tác với nhau và có chương trình hợp tác cụ thể, chặt chẽ từng sản phẩm một để xây dựng những sản phẩm phù hợp, tránh đi những việc ký kết mang tính hình thức”, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam Văn Bá Sơn nhấn mạnh.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc