Nhận diện giá trị lễ hội để hướng đến Huế là thành phố Festival

VHO- Là một trong những địa phương có hệ thống lễ hội phong phú và đa dạng, đặc sắc với khoảng 500 lễ hội, Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả hơn trong bối cảnh đương đại.

Nhận diện giá trị lễ hội để hướng đến Huế là thành phố Festival - Anh 1

 Lễ hội Cầu ngư làng Thai Dương (thị trấn Thuận An) được tổ chức bài bản, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia

Theo TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam có nhiều lễ hội cổ truyền đa dạng, độc đáo ở khắp các vùng miền của đất nước. Theo thống kê, cả nước có gần 9.000 lễ hội; trong đó khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng, khoảng gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài…; đó là chưa kể những lễ hội mang tính nội bộ của ngành, địa phương, đơn vị, dòng họ...

Lễ hội dần trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn

Theo các nguồn tài liệu, Thừa Thiên Huế có gần 500 lễ hội, đến năm 2023 có gần 100 lễ hội được thống kê, lập hồ sơ và đưa ra quảng bá phục vụ du lịch. Căn cứ Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 của Chính phủ, lễ hội được chia thành: Lễ hội truyền thống; Lễ hội văn hóa; Lễ hội ngành nghề và Lễ hội có nguồn gốc nước ngoài. Tại Thừa Thiên Huế, lễ hội truyền thống rất đa dạng, từ lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội tôn giáo - tín ngưỡng, lễ hội các dân tộc thiểu số…

Ông Phan Tiến Dũng cho rằng, các lễ hội ở Huế được nghiên cứu công phu, việc tổ chức đảm bảo sự chuẩn xác những yếu tố gốc. Một trong những thành công và hiệu quả phát huy giá trị lễ hội ở Thừa Thiên Huế là sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là người dân tham gia lễ hội có trách nhiệm và ý thức trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa, thể hiện tính chất trang nghiêm của lễ hội... Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý tổ chức lễ hội ở Thừa Thiên Huế đã được quan tâm thực hiện đúng quy định của pháp luật, đáp ứng các tiêu chí bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO; đồng thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tinh thần của người dân. Lễ hội dần trở thành sản phẩm văn hóa du lịch mũi nhọn của tỉnh, hướng đến mục tiêu trở thành Thành phố Festival. Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ thực hiện các quy hoạch, đề án, đề tài khoa học nhằm hình thành cơ sở dữ liệu về lễ hội ở địa phương, lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể đối với các lễ hội truyền thống có giá trị…

Hiện nay, Sở VHTT đang triển khai công tác nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế nhằm số hóa, lưu trữ dữ liệu phục vụ công tác quản lý và tổ chức lễ hội; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu tư liệu, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội ở trên địa bàn.

Xóa bỏ, hạn chế các “điểm nóng” ở lễ hội

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đã và đang tổ chức Festival theo định hướng bốn mùa với nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội trải dài trong năm. Nhiều lễ hội truyền thống đã được phục hồi, tổ chức và phát huy giá trị, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia; cùng với đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thực hiện chặt chẽ, bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Thời gian qua, thanh tra ngành văn hóa phối hợp với các đơn vị tổ chức thường xuyên kiểm tra các hoạt động tổ chức lễ hội. Qua đó, ngăn chặn và xử lý triệt để, loại bỏ các đồ chơi, văn hóa phẩm trái phép, các hành vi đánh bạc trong lễ hội… Tình trạng kinh doanh đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, lễ hội đã được hạn chế; người dân tham gia lễ hội đã không cài, đặt, rải tiền một cách tùy tiện, gây phản cảm. Nhiều bất cập, “điểm nóng” của lễ hội đã được hạn chế, xóa bỏ, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với sinh hoạt văn hóa cộng đồng và đáp ứng nhu cầu của du khách. Từ năm 2020, lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén), một trong những lễ hội tín ngưỡng lớn tại Huế và khu vực miền Trung, đã được Sở VHTT và Ban Bảo trợ điện Huệ Nam cùng các đơn vị phối hợp tổ chức bài bản, chặt chẽ hơn; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị quản lý di tích điện Huệ Nam cũng điều động thêm cán bộ túc trực, hướng dẫn du khách tham gia lễ hội. Tình trạng rải vàng mã xuống sông Hương hay hóa vàng mã không đúng nơi quy định đã được dẹp bỏ; thay vào đó, Trung tâm đã xây dựng hệ thống lò đốt riêng biệt, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường và cảnh quan di tích. Đặc biệt, năm 2023, sau khi Thông tư 04 của Bộ Tài chính ban hành, các Ban Tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai đúng thời gian và nội dung quy định, trong đó Ban Tổ chức lễ hội điện Huệ Nam là đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai thành lập Ban Tài chính của lễ hội với tài khoản riêng và sổ sách tài chính có báo cáo minh bạch, rõ ràng.

Cũng trong thời gian qua, ngành NN&PTNT cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều sự kiện, hoạt động tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng mua bán chim hoang dã để phóng sinh trong các ngày rằm, mồng một, các dịp lễ của Phật giáo. Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu, toàn tỉnh có hơn 421 chùa và Niệm Phật đường; riêng tại TP Huế và vùng phụ cận đã có trên 130 ngôi chùa của sơn môn, trong đó có nhiều ngôi chùa nổi tiếng được du khách thập phương đến tham quan, dâng hương… “Sở đã lồng ghép việc triển khai, tuyên truyền thực hiện các quy định về công tác quản lý và tổ chức lễ hội vào các chương trình, hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao hiệu quả thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trong việc cưới, tang và lễ hội. Vận động phát huy vai trò, uy tín người đứng đầu của thôn, bí thư, tổ trưởng, thành viên Ban Tổ chức lễ hội để nhắc nhở, tuyên truyền giáo dục người tham gia lễ hội thực hiện nếp sống văn minh, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa tại các điểm du lịch, di tích và lễ hội”, lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Ông Phan Thanh Hải cho rằng, để tiếp tục tổ chức và quản lý hiệu quả, phát huy giá trị lễ hội, kiến nghị Bộ VHTTDL có chính sách cụ thể hỗ trợ cho các địa phương thực hiện nghiên cứu, thống kê và hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về lễ hội. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tham mưu quản lý và tổ chức lễ hội… 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc